Luật sư Đặng Văn Luân và Trần Mai Hạnh. |
Mở đầu phần bào chữa, luật sư Đặng Văn Luân xin tòa “vui vẻ” cho được chiếu một số bút lục. Chủ tọa phiên tòa chỉ cho chiếu lại 4 bút lục và chấn chỉnh luật sư: “Không phải vui vẻ, mà là có cần thiết hay không trong khi luật sư vẫn có thể trích dẫn bút lục trong phần bào chữa".
Ông Luân giữ nguyên phần lớn quan điểm bào chữa của mình tại phiên tòa sơ thẩm, theo đó chứng cứ kết tội ông Trần Mai Hạnh là yếu, các bản cung lời khai vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự nên không thể xem là chứng cứ. Thời gian, không gian Trần Văn Thuyết và Dương Ngọc Hiệp khai đưa và nhận hối lộ không chính xác, mâu thuẫn nhau… Luật sư lập luận thêm, đăng đơn khiếu nại của công dân là một chức năng của báo chí. Bài báo trên tờ Nhà báo & Công luận nơi ông Hạnh nguyên là tổng biên tập chỉ nói về thủ tục tập trung cải tạo có sai sót, không nêu quan điểm bảo vệ hành vi tội phạm của Năm Cam, chứng tỏ ông Hạnh không vượt quyền.
Đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố so sánh hai bài báo đăng đơn kêu oan của Phan Thị Trúc, nhưng câu chữ rất trùng lặp với các công văn 703 (do ông Hạnh ký) và 1333 (do nguyên viện phó VKSND Tối cao Phạm Sỹ Chiến ký). Những người được bị cáo Hạnh khai là soạn ra bài báo không thừa nhận vai trò tác giả, trong khi bị cáo trực tiếp ký công văn 703 và không đưa ai xem. Từ lập luận đó, công tố viên khẳng định: "Ai viết ra công văn 703 chính là tác giả bài báo. Việc Trần Mai Hạnh gửi đơn xin công văn 1333 chỉ là biện pháp đối phó, nhằm hợp thức hóa bài báo đã đăng trước đó".
Theo VKS, lời bào chữa của luật sư là phiến diện. Dấu hiệu đặc trưng của tội nhận hối lộ là giữa Hạnh, Thuyết, Hiệp có gặp nhau nhiều lần, bàn bạc và đặt vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại của Phan Thị Trúc. Trần Mai Hạnh đã lợi dụng chức vụ quyền hạn tại tờ Nhà báo & Công luận và thông qua Phạm Sỹ Chiến tác động đến VKSND Tối cao, dùng báo gây dư luận xấu nhằm thúc ép thả Năm Cam. Làm như vậy, Trần Mai Hạnh được đáp lại bằng tiền, đồng hồ.
Về nghi ngờ có sự thông cung giữa Thuyết và Hiệp, công tố viên khẳng định bản cung ngày 29/06/2002 lấy lời khai của Thuyết không có mặt Hiệp. Còn điều tra viên dùng bản cung của Dương Ngọc Hiệp là chứng cứ để đấu tranh với Trần Văn Thuyết là đúng luật chứ không phải thông cung. Tuy nhiên, đại diện VKS thừa nhận điều tra viên có sơ sót khi ghi sai địa điểm lấy lời khai là trại giam Công an Lâm Đồng. Việc này đã được kiểm điểm, xác định điều tra viên trước đó công tác tại Lâm Đồng, vừa được chuyển về Tiền Giang, nên theo quán tính mà viết tên nơi công tác cũ.
Ngày mai, phiên tòa phúc thẩm sẽ bước vào phần tranh luận có liên quan đến bị cáo Dương Minh Ngọc, Quang Thắng và Hoàng Linh.
Thiên Nguyên