Ly Ly tâm sự với VnExpress về công việc của mình.
- Tham gia chương trình thời trang Đẹp Fashion Show 5 "Bí ẩn của linh hồn" với tư cách là biên đạo múa, chị gặp khó khăn gì khi phải diễn tả “sự bí ẩn của cái bí ẩn” (linh hồn) bằng ngôn ngữ múa?
- Thật ra đây là một vở diễn rất dễ hiểu, không có gì bí ẩn cả. Chuyện kể về một đôi trai gái yêu nhau nhưng bị chia lìa bởi cái chết. Họ phải tìm đến nhau qua rất nhiều cách trở, từ dương thế đến địa phủ. Cuối cùng họ hiểu ra rằng, người ta còn có một thế giới khác để sống. Và khi thoát khỏi bụi trần, đi vào cõi Phật, siêu thoát vào thế giới tâm linh, con người sẽ cảm thấy thanh thản, coi cái chết nhẹ nhàng hơn.
Mô hình hai thế giới vốn rất phổ biến trong đời sống của người phương Đông nói chung cũng như người Việt nói riêng.
![]() |
Biên đạo múa Trần Ly Ly. Ảnh: T.H. |
- Trong Đẹp Fashion Show 5, theo chị, thời trang nhờ đến múa đương đại hay múa đương đại “mượn” đất của thời trang để đến với công chúng?
- Đây là hai bộ môn nghệ thuật độc lập nên cái này không cần phải dựa vào cái kia để sống. Nhưng đây là sự kết hợp để tôn vinh nhau lên đồng thời mang đến cho khán giả một chương trình thật tốt. Một sô diễn hoàn toàn có thể kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau như âm nhạc, múa, trình diễn sắp đặt…
- Hiện nay, các vở múa đương đại có tiếng hầu hết đều là kết quả của các chương trình hợp tác quốc tế. Theo chị, tại sao vẫn còn rất ít vở múa đương đại được sản xuất “made in Việt Nam” 100%?
- Đúng là có rất nhiều vở múa được ra mắt nhờ kết quả của sự hợp tác quốc tế như thế. Nhưng thực ra, phía nước ngoài thường tài trợ chúng ta về mặt kinh phí, còn tư duy hay sản xuất đều do người Việt Nam thực hiện hết. Hiện nay, có rất nhiều biên đạo múa Việt Nam tu nghiệp ở nước ngoài. Họ mang tư duy Việt vào việc thể hiện ngôn ngữ múa hiện đại rất tốt.
Nguyên nhân chủ yếu là bởi môi trường phát triển của múa đương đại ở Việt Nam hiện nay còn thiếu nhiều yếu tố. Chúng ta thiếu tài trợ, thiếu nhà sản xuất, nên các biên đạo ít có cơ hội để thể hiện. Những chương trình lớn như Đẹp Fashion Show thỉnh thoảng mới được tổ chức, mà mỗi lần cũng chỉ có thể có một biên đạo múa tham gia. Nếu một năm có hai, ba, mười hoặc nhiều hơn nữa các chương trình như thế thì tình hình sẽ khác.
Hơn nữa, khán giả Việt Nam chưa có nhu cầu nhiều về múa đương đại. Phần lớn công chúng chỉ quen xem các chương trình tạp kỹ, giải trí. Sau này, khi nhu cầu tăng lên, múa đương đại sẽ ngày càng có nhiều đất diễn, nhiều điều kiện để phát triển hơn.
![]() |
Một cảnh trong vở "Bí ẩn của linh hồn". Ảnh: H.H. |
- Sau Đẹp Fashion Show 5, vở múa “Một ngày” do chị làm biên đạo được chọn để biểu diễn trong Tháng Văn hóa Đức tại Việt Nam. “Một ngày” Hà Nội được chị cảm nhận và biểu hiện trong vở diễn như thế nào?
- Một ngày chỉ là một khoảng thời gian mang ý nghĩa tương đối để tôi thể hiện sự tương tác, tiếp xúc giữa con người với con người trong cuộc sống. Vở diễn được xây dựng từ những hình ảnh của Hà Nội, Việt Nam nhưng nó diễn tả cuộc sống ở bất cứ đâu trên thế giới. Mỗi con người trong một thời điểm nhất định sẽ có một hoạt động riêng, nhưng họ kết nối với nhau bằng nhịp sống chung. Từ môi trường chung đó, con người ta va chạm với nhau.
- Theo lời ông Viện trưởng Viện Goethe, Tổng thống Đức có thể sẽ có mặt để làm khán giả tại buổi diễn “Một ngày”. Đây là áp lực hay là động lực đối với chị?
- Cả hai. Trước hết là động lực. Bởi đó là sự đánh giá xứng đáng. Tác phẩm của mình có tốt thì mới được lựa chọn biểu diễn cho Tổng thống Đức xem nhân dịp ông sang thăm Việt Nam. Nhưng động lực đó cũng chính là áp lực bởi nó thôi thúc mình phải làm tốt hơn, tốt hơn nữa để không chỉ ngài Tổng thống mà khán giả nói chung, đặc biệt là người nước ngoài, đánh giá đúng về tài năng của người Việt. Nhưng tôi không cảm thấy đây là một gánh nặng quá lớn vì có hay không sự xuất hiện của Tống thống thì tôi vẫn luôn là một người lao động nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm với sản phẩm của mình.
- "Một ngày" của chị diễn ra như thế nào?
- Tôi là người phụ nữ của gia đình. Tôi có chồng và một cậu con trai. Chồng tôi là kiến trúc sư. Anh giúp tôi rất nhiều về mặt tư duy. Một ngày của tôi khá đơn giản. Ngoài giảng dạy và biên đạo múa, tôi bận rộn với rất nhiều việc không tên của một người vợ, người mẹ.
- Là người từng tu nghiệp tại nước ngoài, theo chị, phải mất bao lâu nữa thì múa đương đại Việt Nam mới theo kịp được với nền múa đương đại của các nước phát triển trên thế giới?
- Múa đương đại Việt Nam hoàn toàn sánh ngang với các nước phát triển trên thế giới. Xét về kỹ năng của nghệ sĩ, về tư duy của biên đạo là như nhau, bởi sáng tạo nghệ thuật là vô cùng. Hơn nữa, sáng tạo nghệ thuật là công việc mang tính chất cá nhân nên nó phụ thuộc vào trình độ và chiều sâu của từng người. Nhưng môi trường làm việc của các nghệ sĩ Việt Nam quả thực là kém xa so với đồng nghiệp ở các nước phát triển khác.
- Nhiều nghệ sĩ múa đang làm việc tại Việt Nam cho rằng thu nhập mà họ có được từ nghề này không tương xứng với lao động nghệ thuật mà họ bỏ ra. Chị nghĩ sao về điều này?
- Thực ra, người giỏi thì luôn có thu nhập cao dù không thể so sánh được với doanh nhân hoặc những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng nói chung, thu nhập của nghệ sĩ múa đúng là chưa tương xứng với lao động nghệ thuật mà họ phải bỏ ra. Mà ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng vậy, nghệ sĩ không bao giờ giàu nhưng rất sang. Sang vì họ giàu có về mặt tư duy, kiến thức và những hiểu biết về văn hóa, xã hội.
Thu Hà thực hiện