- Từ một diễn viên, đạo diễn, giờ đây anh trở thành tác giả viết sách. Anh chia sẻ gì về cuốn sách đầu tay - "Chuyện nhà Bông, Bờm, Bách"?
- Khi các bạn bên nhà sách đặt vấn đề, sau một hồi suy nghĩ tôi cảm thấy hay hay và bắt đầu viết các mẩu chuyện. Đạo diễn, diễn viên chúng tôi vẫn thường xuyên viết kịch bản phân cảnh. Gia đình tôi cũng có truyền thống về văn chương nên việc viết không phải khó khăn.
Tôi viết những mẩu chuyện in thành sách để bọn nhóc nhà tôi khi đọc biết tuổi thơ của chúng nó. Ai cũng có tuổi thơ nhưng khi thành người lớn, áp lực công việc và cuộc sống khiến mình quên đi quãng thời gian đẹp nhất. Cuốn sách này là tôi giữ cho các con. Khi chúng lớn, khi chúng căng thẳng hay gặp bất cứ vấn đề gì, hãy đọc để sống lại thời xưa cho nó cân bằng, để thấy cuộc đời đẹp lắm, chẳng việc gì phải đau đầu cả.
Hình minh họa gia đình Trần Lực trong cuốn sách. |
- Ngoài các con, theo anh, sách còn có thể dành cho những đối tượng nào?
- Trước hết, trong thâm tâm tôi viết cho gia đình. Vì thế, tôi không có ý gì về tính giáo dục hay chỉ bảo ai cách nuôi con. Câu chuyện là của gia đình tôi nhưng rất gần gũi với cuộc sống của nhiều người. Có hư cấu chút thôi chứ về cơ bản đó là chuyện thật. Khi in thành sách tất nhiên sẽ có ảnh hưởng. Tôi hy vọng mọi người đọc và thấy cuộc sống thoải mái, đáng yêu.
Mặt khác, cách viết hài hước nhưng ẩn sâu trong đó có tính nhân văn, tình thương gia đình. Bản thân tôi khi đọc lại thấy hóa ra tôi yêu con thật sự. Cuốn sách xuất phát từ trái tim tôi với các con. Tôi nghĩ các gia đình khác cũng thế chỉ có điều họ không có thời gian mà viết ra.
- Ở tuổi U60, Trần Lực là bố của ba trẻ nhỏ. Điều đó có gì khó khăn với anh?
- Sướng hay khổ, vất vả hay bình thường là do mình mặc dù cũng có những lúc mệt lắm. Ví dụ cậu Bách (con út) chỉ có tôi mới tắm được cho nó. Không làm cho thì "ông ấy" mè nheo, lèm bèm, uất ức úp mặt vào tường, thôi thì "bốc" vào tắm cho xong. Tắm ra lại vui như Tết.
Tôi có cách dạy con rất khác, nhiều người có khi không thích. Tôi không bao giờ bắt các con "phải" thế này thế kia. Khi chúng cãi nhau, trong mấy đứa con chắc chắn mình phải bênh một đứa nhưng cũng không thể để hai đứa còn lại buồn. Những lúc đó, mình phải hòa với chúng, phải thành ông Trần Lực bốn, năm tuổi như chúng và cũng cãi chí chóe bên này, bên kia.
Nhà tôi lúc nào cũng có vấn đề, nhưng thế mới vui chứ nếu chúng ngoan cả lũ, cắm đầu vào học hành thì buồn lắm. Ba đứa nhà này không đứa nào chịu đứa nào. Gia đình nào nề nếp gia phong, ngăn nắp quá thì bọn này ăn đòn đủ. Nhưng với tôi, chuyện đó là bình thường. Tôi muốn bọn trẻ thoải mái. Lớn lớn một chút ra ngoài cuộc sống, cứ để cho ngơ ngáo, bị ăn đòn vài lần rồi chúng sẽ tự hiểu. Điều quan trọng là chúng rất biết yêu thương gia đình, anh chị em. Khi có các con tôi thấy mình trẻ ra, không phải trẻ tuổi mà trẻ ở tâm hồn.
Ba con của Trần Lực: Bông, Bách và Bờm (từ trái qua). |
- So với vợ, tầm ảnh hưởng của anh trong nhà với các con thế nào?
- Nhà nào cũng thế, các con ảnh hưởng mẹ nhiều hơn. Nhưng được cái nhà tôi luôn dung hòa. Lúc đầu vợ tôi cũng không hiểu lắm, thấy tôi chơi với trẻ con nghĩ tôi chỉ chơi chứ không chăm nó. Mãi cô ấy cũng hiểu ra tôi chăm con theo cách của tôi. Ví dụ con đói là thò ra cái bánh cho ăn ngay chứ tôi không bắt đợi đến bữa cơm rồi ép ăn. Con thích chơi cho chơi. Còn vợ tôi chăm con theo cách của cô ấy.
Lắm lúc cũng mâu thuẫn chứ. Ví dụ khi vợ tôi nóng tính, dọa con hay xót con thì ép chúng ăn. Nếu tôi cũng đang sẵn tâm trạng bực bội thì quạt nhau ngay. Ngược lại, có những lúc tôi cáu trẻ con, vợ tôi cũng phản ứng. Nhà nào cũng thế cả thôi. Chuyện đấy rất nhỏ, vì chúng tôi làm tất cả vì các con.
- Anh nói vợ chăm con ổn, thế còn chăm chồng thì sao?
- Mình thì lớn rồi, không cần chăm (Cười). Thực ra tôi có kiểu sống, cách sinh hoạt khác mọi người. Nhiều khi vợ nấu, trẻ con ăn thì thích nhưng tôi không thích nên mò ra ngoài ăn. Hâm nó thế. Chả phải vì sao đâu, chỉ đơn giản tôi thích ăn món khác. Bọn trẻ con cũng giống tôi, đói là vào ăn chứ không có kiểu ngồi mâm ngay ngắn mời bố, mời mẹ. Đến giờ cơm, mỗi người một bát vút ra ngồi xem tivi. Ở nhà tôi, cuộc sống thoải mái đã thành thói quen.
- Ngoài ba con nhỏ, anh còn cậu con trai lớn Trần Hoàng với người vợ đầu. Hai bố con kết nối với nhau thế nào?
- Cậu ấy lớn rồi, năm nay 27 tuổi. Trong cuốn sách mà 3B (Bông, Bờm, Bách) là chính, Hoàng là nạn nhân của ba nhân vật này. Ví dụ đưa người yêu đến nhà chơi bị chúng nó săm soi.
Bố con tôi vẫn dành nhiều thời gian cho nhau. Ngày bé Hoàng cũng như Bông, Bờm, Bách, mỗi lần bố đi làm phim về là dính tịt lấy bố. Chiều bố đi nhậu với bạn là ra ngồi hóng chuyện, tối cùng bố đi bar hay nghe nhạc. Tôi nhớ nhất sinh nhật năm tôi 40 tuổi, Trần Hoàng khoảng mười mấy tuổi. Những lần sinh nhật trước đó tôi thường chỉ đi với bạn bè. 40 tuổi sang ngưỡng khác, tâm trạng khác, sinh nhật tôi chỉ đúng hai bố con ngồi ăn, nói chuyện ngày xưa với nhau. Khi cậu ấy lớn rồi, hai bố con kết nối theo kiểu khác. Thi thoảng cậu ấy nhắn tin: "Bố đang ở đâu, bia bố nhá". Thế là hai bố con lại đi với nhau.
- Ngoài những điều hạnh phúc, trải nghiệm nào khó khăn nhất trong cuộc đời làm bố của anh?
- Có hai điều nặng nhất trong trái tim tôi. Thứ nhất là với Trần Hoàng. Chuyện đời tư của tôi không nói làm gì rồi nhưng Hoàng phải chịu ảnh hưởng. Lúc tôi và vợ đầu bỏ nhau, tôi mới 27 - 28 tuổi, trẻ nên hung hăng, nhiều tự ái, đẩy xung đột cao hơn. Tất nhiên trong cuộc cả hai đều có lỗi, nhưng mình là đàn ông thì có thể ngăn chặn được, lẽ ra không để đổ vỡ. Khi nói với Hoàng, tôi cũng nói trên tinh thần người có lỗi là bố. Giờ cậu ấy cũng có nhiều bạn gái. Tôi nói với con một khi xác định rồi phải rất nghiêm túc. Kể cả chia tay người này đến với người khác cũng đừng để họ nghĩ mình là thằng đàn ông không ra gì. Bố con tôi vẫn trao đổi thế. Được cái Hoàng rất nghiêm túc trong chuyện tình cảm.
Còn trong lũ 3B, Bách là vất vả nhất. Khi cháu mới 15 tháng tuổi, chúng tôi tưởng mất con. Thời gian đó kinh khủng với gia đình tôi vì đúng lúc bố tôi ốm nặng, nguy kịch. Vừa mổ cho bố xong thì vào phòng cấp cứu con vì cháu bị viêm màng não mủ. Thường con nhà người ta bệnh mười ngày là khỏi, cậu này gần ba tháng vì kháng thuốc. Kéo dài đằng đẵng, mãi mới có phác đồ điều trị chính xác. Thời đó vợ tôi cũng mê tín, bắt cúng bái này nọ. Mình hoang mang, cũng cúng. Nhờ giời, con khỏi. Bây giờ kiểm tra lại, người ta còn bảo độ thông minh hơn người bình thường. Cho đến giờ thì Bách là đứa khổ nhất, nguy hiểm nhất.
Đại gia đình Trần Lực. Bố anh là NSND Trần Bảng - đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo. |
- Đi qua những giai đoạn khó khăn, điều anh mong mỏi với các con bây giờ là gì?
- Tôi chỉ mong con khỏe mạnh, sống lành mạnh, vui vẻ, thoải mái. Tôi chọn trường cho ba nhóc nhà tôi cũng là trường thoải mái chứ không phải để học cho giỏi. Hoàng nhà tôi từ lớp một đến đại học không đi học thêm ngày nào. Tôi cho nó chơi. Ngày xưa cậu ấy nhảy hip hop, chơi bóng bàn, bóng rổ... cũng oách lắm. Giờ như con nhà người ta là đã lao vào làm phim này phim kia, nhưng tôi cũng không quan trọng. Nếu bạn ấy không thích nghề đạo diễn mà thích dựng phim, làm hậu kỳ thì cũng không sao. Cứ để con thoải mái, quan trọng nó thích cái gì. Với tôi quan trọng là phải thích, không thích thì làm chán lắm.