NSƯT Trần Lực. |
- Ấn tượng của anh khi lần đầu tiên đến Trung Quốc làm phim?
- Trung Quốc có nhiều hãng phim, không khí làm phim rất sôi nổi. Trong thời gian đóng phim, tôi tranh thủ đi xem bộ phim Anh hùng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu và thấy người xem tấp nập đến rạp. Điều này làm tôi ngẫm nghĩ nhiều về điện ảnh Việt Nam.
- Cảm nghĩ của anh khi làm việc với các thành phần làm phim người Trung Quốc?
- Điều làm cho tôi chú ý nhất là sự phân công khoa học trong công việc. Khi đạo diễn đưa ra yêu cầu, các cộng sự tìm mọi cách để đáp ứng ngay. Nói chung, phong cách làm việc của họ rất chuyên nghiệp. Còn về thái độ và tinh thần làm việc, họ rất chịu khó và tốt bụng, sự hợp tác cao. Vì thế, tôi có cảm giác như làm phim ở nhà.
- Còn về bối cảnh trang thiết bị làm phim?
- Họ có đủ điều kiện để thực hiện hầu hết ý tưởng của mình. Tôi thấy Châu Giang chưa phải là hãng phim lớn, nhưng vẫn đầu tư 5-6 trường quay nội cảnh. Còn ngoại cảnh, ví dụ cảnh Hong Kong những năm 1930 thì phải thuê trường quay lớn, mỗi ngày trả 1.000 USD. Trang thiết bị máy móc kỹ thuật của họ sánh ngang với các nước phát triển. Tất cả các khâu dựng phim, âm thanh... đều được thực hiện hoàn toàn bằng kỹ thuật số.
- Anh nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng anh vẫn không giống Bác Hồ thời kỳ đó, mặc dù được hóa trang kỹ?
- Tôi nhớ một nhà nghiên cứu sân khấu nói rằng, nếu muốn xem người giống thật thì xin mời đến viện bảo tàng, còn đến sân khấu thì xem tinh thần, tích cách của nhân vật là chính. Tôi nghĩ điện ảnh cũng vậy. Các chuyên gia hóa trang rất lành nghề. Mỗi ngày, trước khi quay, họ làm việc với tôi khoảng 2 giờ. Các công việc chủ yếu là độn tóc phía sau phần trên gáy, đắp thêm dái tai, dán một mảng da giả để mắt to hơn, che bớt phần đuôi lông mày và xóa các nốt ruồi. Điều tôi rất thán phục là mặc dù khi hóa trang dùng nhiều phấn để tạo các mảng khối màu sắc trên khuôn mặt tạo cảm giác hốc hác, nhưng khi vào phim, ngay cả lúc quay cận cảnh cũng không bị lộ. Quan điểm của họ là tạo một gương mặt mang tinh thần của Nguyến Ái Quốc.
- Anh đã thể hiện như thế nào để làm toát lên tâm hồn, khí phách của Nguyễn Ái Quốc?
- Trong phim, các chi tiết xung đột, va chạm bên ngoài của nhân vật rất ít nên có nhiều cái khó. Chúng tôi tâm niệm là phải thể hiện sao cho toát lên được tính cách một con người vĩ đại nhưng bình dị. Điều tôi chú ý là trong giao tiếp, phong cách của Bác rất linh hoạt, tuỳ theo đối tượng của mình là người Âu hay Á Đông.
- Khó khăn của anh khi tham gia bộ phim này?
- Có lẽ là yếu tố thời tiết. Có lúc nhiệt độ xuống 5 độ C, gió thổi lạnh buốt. Cái khó nữa là làm việc với những diễn viên nói nhiều thứ tiếng khác nhau (Nga, Anh, Pháp...). Mặc dù có người phiên dịch, nhưng để diễn thông suốt, đôi khi tôi cũng phải... đoán.
(Theo Thể Thao & Văn Hóa)