Ngồi trong căn nhà hai tầng ở xã Phú Thượng (huyện Phú Vang), ông Thân Văn Giới (56 tuổi) nhớ như in trận lũ lịch sử ập đến cách đây tròn 20 năm. Cơn lũ mà bốn thành viên trong gia đình ông thoát chết trong gang tấc.
Sáng 2/11/1999, thấy nước lũ lên nhanh, sắp dâng đến gác, ông thuê chiếc thuyền nhôm chở vợ, hai con nhỏ và cô em vợ từ đường Nguyễn Chí Diễu ở nội thành ra nhà mẹ vợ ở đường Mai Thúc Loan tránh lũ. Thuyền vừa ra cửa Đông Ba thì bị lật, cả 5 người trong gia đình cùng hai người lái đò bị lũ cuốn trôi. Ông Giới may mắn bám vào cây ổi.
Trong dòng nước lũ chảy xiết, thấy con gái ba tuổi được dì ruột ôm nổi lên mặt nước, ông Giới liền giơ tay chụp lấy rồi ba người cùng bám vào hai cành ổi. Trong lúc đó, vợ ông ôm con trai 6 tuổi bị lũ cuốn tấp vào bụi chuối gần đó.
"Lúc này, tôi nghĩ cả gia đình chết chắc vì nước lũ lên nhanh lại chảy xiết. Một số người dân đứng trên nhà nhìn xuống thấy chúng tôi đã quăng can nhựa để bám vào song không được. May mắn anh Lộc làm nghề xây dựng, trong nhà có sẵn dây thừng nên quăng dây ra để tôi bắt rồi cột vào cây ổi. Sau đó, tôi cõng từng người, bám theo dây đu vào nhà anh Lộc", ông Giới nhớ lại.
Cuối tháng 10/1999, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp với áp thấp nhiệt đới ở phía nam, tỉnh Thừa Thiên Huế được dự báo mưa lớn. Người dân được thông báo qua tivi và một số phương tiện truyền thông khác.
Sáng 1/11/1999, thời tiết ở vùng gò đồi, đồng bằng mát mẻ, không nắng. Trên các tuyến đường ở thành phố Huế, cuộc sống người dân diễn ra bình thường.
Khoảng 14h30 ngày 1/11/1999, người dân ở thôn La Khê Trẹm (xã Hương Thọ, huyện Hương Trà) nằm giữa hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch của thượng nguồn sông Hương thấy nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhanh. Trong phút chốc, nhiều ngôi nhà ngập sâu, gia súc bị cuốn trôi. Trước sức nước quá lớn, người dân vội dùng thuyền di tản lên núi để tránh lũ.
Chiều tối cùng ngày, nước lũ kết hợp với mưa lớn gây ngập cục bộ nhiều nơi ở thành phố Huế và vùng phụ cận. Mưa to kéo dài trong đêm 1/11 và ngày 2/11. Đến sáng 2/11, các xã vùng trũng thuộc huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà đã ngập sâu 1,5-4 m.
Hàng nghìn ngôi nhà chìm trong biển nước màu trắng bạc. Lúc này nhiều người dân không may đã bị cuốn trôi trong dòng nước chảy xiết. Hệ thống giao thông, điện, viễn thông ở địa phương tê liệt. Thừa Thiên Huế bị cô lập hoàn toàn.
Từ sáng 2/11, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập bộ phận chỉ đạo tập trung để đối phó lũ. Lực lượng chức năng phối hợp với ngành bưu điện thiết lập đường dây qua tổng đài Đà Nẵng để liên lạc với Trung ương, thông báo tình hình khẩn cấp. Phương án di dời dân, huy động lực lượng tại chỗ được triển khai.
Trong đêm 2/11 và rạng sáng 3/11, ôtô bánh cao của ngành giao thông vận tải và toàn bộ canô của công an, quân đội địa phương được huy động làm nhiệm vụ cứu hộ, tiếp tế ở những vùng bị cô lập. Tuy nhiên, do nước lũ chảy xiết, mưa lớn cùng gió giật mạnh, các phương tiện cứu hộ chỉ có thể hoạt động cự ly gần.
Tại các xã vùng trũng, hàng chục nghìn hộ dân bị nước lũ vây quanh, thiếu nước sạch, thiếu lương thực. Nhiều gia đình phải nhịn đói. Một số người may mắn sơ tán kịp lên vùng cao thì nấu cơm vắt, ăn mì tôm qua ngày chờ lũ rút.
Ngày 4/11, nước lũ rút dần trong tiếng nấc nghẹn của người dân mất gia đình, nhà cửa, cảnh xơ xác và tang thương diễn ra khắp nơi. Tại bia Quốc Học Huế, hàng chục chiếc quan tài của người chết lũ được đặt thành hàng để chờ nhận mặt. Dọc bờ biển, bờ sông, nhiều người vừa đi vừa khóc tìm thi thể người thân.
Những ngày sau đó, nhiều hộ dân phải sống tạm bợ trong những căn nhà đổ nát và vật lộn với tình trạng thiếu lượng thực, nước sạch. Môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng bởi xác động vật.
"Đó là trận lũ trăm năm có một", ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế nói.
Theo ông Hùng, lượng mưa trong ba ngày đầu tháng 11 lên đến 2.300 mm, mực nước trong ngày 2/11 nhiều lúc dâng cao hơn 1m/giờ. Thời tiết trước lũ cũng khiến người dân và chính quyền chủ quan trong phương án phòng tránh; đến khi nước lũ về thì dâng quá nhanh khiến mọi người trở tay không kịp.
"Nếu người dân không tương trợ nhau, giúp nhau sơ tán thì số người chết trong trận lũ năm 1999 có thể còn lớn hơn nhiều", ông Hùng nói.
Trước tình hình khẩn cấp ở Thừa Thiên Huế lúc đó, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cùng nhiều lãnh đạo, cán bộ của Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào cố đô chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt. Lều trại dã chiến được lập nên tại những ngôi làng bị lũ xóa sổ như Hải Thành. Phong trào "lá lành đùm lá rách", kêu gọi hỗ trợ Huế cũng được phát động rộng khắp cả nước.
Trong khi đường sắt và đường bộ chưa hoạt động trở lại, Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân lập cầu hàng không ở sân bay Phú Bài phục vụ cứu hộ, cứu nạn và chở hàng cứu trợ. Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh công binh di chuyển qua Lào để vào Huế giúp dân khắc phục lũ lụt.
Bộ đội Quân khu 4, lực lượng công an, biên phòng, quân dân y từ thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành cũng có mặt ở những vùng bị lũ tàn phá nặng để hỗ trợ người dân, khám chữa bệnh và triển khai các giải pháp khẩn cấp cải thiện môi trường. Sinh viên nhiều trường đại học tình nguyện đến Huế giúp người dân dựng lại nhà cửa, dọn rác thải, chôn cất động vật bị chết trôi trong lũ.
Đến ngày 12/11, hơn 2.500 tấn gạo của Trung ương chi viện đã được tỉnh Thừa Thiên Huế đưa tận tay cho người dân vùng lũ; tỉnh cũng tiếp nhận 553 tấn hàng cứu trợ của các địa phương, tổ chức, cá nhân trong cả nước. "Sau lũ khoảng một tuần, cuộc sống của chúng tôi dần ổn định trở lại, nhưng ký ức đau thương thì có lẽ không bao giờ phai mờ", ông Thân Văn Giới chia sẻ.
Trận lũ đầu tháng 11 năm 1999 đã gây hậu quả nặng nề cho 10 tỉnh miền Trung với 595 người chết. Riêng tỉnh Thừa Thiên bị thiệt hại nặng nhất với 352 người chết, 21 người mất tích, 94 người bị thương, 90 vạn dân bị đói trong nhiều ngày; thiệt hại ước tính hơn 1.762 tỷ đồng.
Trong lễ truy điệu người dân chết trong lũ tháng 11/1999, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Ngô Yên Thi nói đây trận lũ khủng khiếp nhất mà người dân địa phương phải gánh chịu.
Võ Thạnh