Bản tin của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương ngày 15/11 dự báo, cơn áp thấp nhiệt đới hậu bão số 15 sẽ đi sâu vào các tỉnh Phú Yên - Bình Thuận nên người dân ở Quảng Ngãi và Bình Định "bình chân như vại". Đến khi mưa xối xả, kéo dài suốt từ đêm 15 đến chiều 16/11 cùng với lũ lớn tràn về khắp nơi, bà con đã không kịp trở tay.
Lượng mưa lớn đến 600 mm kéo dài được cho là nguyên nhân gây nên "đại hồng thủy" vượt đỉnh lịch sử, nhấn chìm nhiều khu dân cư ở vùng hạ lưu. Ảnh: Trí Tín. |
Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quảng Ngãi lý giải, do ảnh hưởng rìa bắc hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động gió Đông hoạt động mạnh trên cao và không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Đây là tổ hợp gây mưa dữ dội, trong đó lưu lượng mưa trút xuống huyện vùng cao hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi lên đến 600 mm và được cho là nguyên nhân gây ra lũ lớn.
Riêng Quảng Ngãi, mực nước lũ trên sông Trà Khúc vượt báo động 3 gần 2,3m; trên sông Vệ trên báo động 3 là hơn 1,5m.
Lũ cuồn cuộn tràn về như một trận "đại hồng thủy", dâng cao tới hơn 15 m và nhấn chìm nhiều bản làng vùng cao Ba Tơ. Con nước dữ cũng giật sập nhiều nhà cửa, cuốn phăng 10 chiếc cầu bắc ngang qua sông Liêng, sông Tô, gây cô lập hàng nghìn hộ dân ở 6 xã. Cũng trong đêm 16/11, hai quả núi lớn đổ ập xuống đường với hàng nghìn khối đất đá, gây tê liệt tuyến Quốc lộ 24 suốt cả ngày.
"Từ trước đến nay chưa có trận lũ nào dâng cao và nhanh khủng khiếp như vậy", Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lê Hàn Phong nói. Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ từ 16h đến 18h, nước đã dâng cao hơn 3 m, tràn vào nhấn chìm các khu dân cư khiến người dân chạy tán loạn trong đêm. "Vùng cao xã Ba Động chưa từng biết đến lũ là gì thì lần này, hàng trăm nhà dân bị nước tràn vào đến nửa nhà. Ước tính thiệt hại ban đầu sau trận lũ này ở địa phương là hơn 179 tỷ đồng", ông Phong nói.
Người dân miền Trung tất tả lùa heo chạy lũ trong đêm. Ảnh: Trí Tín. |
Ngoài huyện vùng cao Ba Tơ, hai địa phương khác ở Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng là huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 người chết, 1 người mất tích và 49 người bị thương do mưa lũ.
Ông Phan Bình, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành nói, trong phòng chống siêu bão Haiyan, từ trung ương đến địa phương mạnh mẽ kịp thời, nhưng trận lũ vừa qua thì thông tin, dự báo đến địa phương chậm đã gây nhiều khó khăn cho công tác ứng phó. Trước khi lũ về thời tiết khô ráo, đến rạng sáng 15/11 bắt đầu xuất hiện mưa, gió lớn. Khoảng 19h thì lũ dâng lên ào ạt, nhấn chìm các khu dân cư cao hơn đỉnh lũ lịch sử 1999 hơn 1m khiến hàng nghìn người dân kêu cứu.
Cùng cảnh ngộ chung với huyện Nghĩa Hành, lũ đã nhấn chìm hàng chục nhà dân ở huyện Tư Nghĩa làm chết 6 người, cuốn trôi hàng tấn lúa, bắp cùng hàng chục nghìn gia súc, gia cầm. Ông Lê Trung Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa bức xúc nói, dự báo ban đầu là đêm 15, rạng sáng ngày 16/11, lũ lên chỉ xấp xỉ như năm 1999 nhưng thực tế lũ tràn về vượt cả mét gây thiệt hại nặng cho địa phương.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 117 hồ chứa nước, do mưa lớn nên ngày 15/11 có 96 hồ chứa nước đã vượt qua tràn. Ngoài ra, Quảng Ngãi có 3 thủy điện, trong đó hai thủy điện Đakđrinh thì nước qua tràn tự do còn Nước Trong thì lưu lượng nước xả tràn là 1.500 m3/s. "Chiều hôm 15/11, Ban quản lý hồ chứa nước Nước Trong thông báo với huyện là nước đã dâng 115 m nên lưu lượng qua tràn cao 5 m với khoảng 1.500 m3/s kết hợp với lượng mưa lớn ở vùng hạ lưu nên dâng nhanh chứ không phải công trình xả lũ", bà Đinh Thị Thanh Hường, Phó chủ tịch UBND huyện miền núi Sơn Hà nói.
Lũ vượt đỉnh lịch sử làm hơn 40 người chết, để lại tang thương cho nhiều gia đình. Ảnh: Trí Tín. |
Tại Bình Định, hai ngày đêm trong biển nước, người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng vì cơn lũ mạnh nhất từ xưa đến giờ vừa càn quét qua. Nó đã nhấn chìm nhiều nơi ở Bình Định, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là thị xã An Nhơn.
"Cả nhà đang ngủ thì nước tràn ướt người. Chúng tôi hô hoán gọi nhau leo lên bàn, tủ rồi dỡ ngói chui lên nóc nhà. Sau 30 phút, biển nước dâng lên ngập đầu người, toàn thôn Liêm Trực chỉ còn một màu đục ngầu. Ngồi trên đó nhìn nước lên, không có một thứ gì có thể bấu víu được, sợ hãi vô cùng", anh Nguyễn Doãn Châu (32 tuổi) kể.
Theo thống kê, điểm lũ An Nhơn là nơi cướp đi sinh mạng 5 người trong tổng số 17 người chết ở Bình Định. Lũ dữ còn làm sạt mố cầu Liêm Trực, thị xã An Nhơn, đứt quốc lộ 1A gây tắc nghẽn giao thông Bắc - Nam 2 ngày liền.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho rằng, nước lũ dâng nhanh hoàn toàn là do mưa lớn 300 - 400 mm chứ không có tình trạng xả lũ trên địa bàn. Theo ông Lộc, hệ thống hồ chứa nước ở Bình Định chủ yếu là hồ thủy lợi, trong đó hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) được xem là hồ chứa lớn nhất với 220 triệu m3, mưa lớn, lượng nước đổ về quá tải khiến hồ bị tràn.
Trước mối nghi ngờ của người dân về việc các hồ chứa nước quy mô lớn ở Định Bình xả lũ gây chết 17 người, bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, do mưa lớn tràn về hồ Định Bình nên nước qua tràn khoảng 1.500 m3/s chứ đơn vị quản lý hồ này không xả lũ.
Tại các địa phương khác thuộc Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cơn áp thấp nhiệt đới này cũng gây thiệt hại nặng về người và của. Thống kê của Trung tâm phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn miền Trung - Tây Nguyên, đến sáng 19/11, đã có 41 người chết, 5 người mất tích, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập... Hiện lũ trên các sông đang xuống chậm.
Trí Tín