Mở đầu bài chia sẻ trên trang cá nhân, Trần Lập cho biết gần đây anh nhận được rất nhiều câu hỏi về chuyến đi Hà Giang, trong đó đề cập đến việc sẽ đến những đâu vào hai ngày cuối tuần. Với kinh nghiệm của một biker (thành viên cộng đồng xe máy Việt Nam), anh thẳng thắn góp ý: "Nếu đi từ Hà Nội mà chỉ có 2 ngày, bạn nên chọn vùng khác cho đỡ phí công vì có đi cũng không tới nơi tới chốn". Theo anh, muốn tới những điểm đến trứ danh để tim đập mạnh vào những cảm xúc miền xuôi không thể có được, hãy dành ra ít nhất 4 ngày và 3 đêm.
Nghỉ một đêm ở thành phố Hà Giang sẽ giúp bạn dành sức cho ngày hôm sau. Đây là trung tâm để bạn bắt đầu cho các cung khám phá khác nhau. Theo kinh nghiệm của anh, có thể sẽ mất nguyên một ngày cho khoảng 165 km từ thành phố Hà Giang đến các điểm, trừ khi bạn nhịn dừng xe chụp hình, không ăn uống và "xả đáy".
Đường quốc lộ 4C hẹp, quanh co dốc và vực với các góc khuất sau vách núi. Anh nhắn nhủ đừng "phấn khởi" nhấn ga mà đuổi bắt những vạt nắng hay cố nhướn mình ngó góc mắt để tóm cảnh đẹp mới trải ra. Một tích tắc không được đo bằng thời gian mà là độ bất trắc của địa lý.
Đến Cổng Trời, cứ dừng chân uống nước chè và ăn kẹo ngọt ngay trạm quan trắc bên trái đường. Nhẩn nha ngắm cảnh và tìm hiểu văn hoá Tam Sơn Quản Bạ rồi hãy đi. Lưu ý là nếu bạn định mua món đồ gì như chè shan tuyết, trâu gác bếp, bánh kẹo Hà Giang thì hãy mua ngay bởi sau đây hàng trăm km chưa chắc bạn sẽ về bằng lối cũ như dự định.
Trở lại với quốc lộ 4C từ Quản Bạ, bạn sẽ đến Yên Minh, Phó Bảng. Ngay bên phải đường dưới con dốc dài là Sủng Là - nơi các bạn trẻ thích chụp với tam giác mạch nhất. Trần Lập cũng chia sẻ suy nghĩ về việc thu phí chụp ảnh tại nhà của Pao.
"Có nhiều người phàn nàn về việc mất tiền này nhưng mình nghĩ khác. Số tiền không lớn nhưng giúp được bản nghèo và dân vùng núi đấy. Cứ nhìn họ thì thấy dù đã khác xưa nhưng ấm no dư đủ thì còn xa mới sánh với miền xuôi. Mình không mất gì là mấy đâu", anh bày tỏ.
Tới Đồng Văn, Trần Lập kể thường hay ăn tối ở một hàng nhỏ sâu bên trong chợ cổ nhưng nay họ đã đổi chủ. Buổi sáng, anh lững thững đi ăn bánh cuốn trứng, dù không khác nhiều như vị của Lạng Sơn hay Cao Bằng nhưng khác xa bánh cuốn miền xuôi, nhất là nước chấm.
"Họ đựng trong một chiếc bát có miếng chả thơm, hành lá mùi tàu thái nhỏ. Nếu không quan sát, lấy thìa múc húp trước hoặc ăn bánh rồi húp là sai. Cứ xắt nhỏ miếng bánh thả vào nuớc chấm mới thấy", anh tả.
Lên đường đi Mã Pì Lèng và sang Mèo Vạc chơi, anh nhắc nhở đổ xăng ngay ở trấn Đồng Văn, bởi trên đèo không có trạm nào. Với Trần Lập, trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc, Ô Quy Hồ và Mã Pì Lèng là hoành tráng nhất: "Mình cảm nhận rằng Ô Quy Hồ vắt từ Lai Châu sang Sa Pa đẹp kiểu lãng mạn, bất tận thì Mã Pì Lèng dữ dội và cương mãnh vô cùng".
Về tam giác mạch, anh thấy hoa ở Mèo Vạc có vẻ đượm sắc hơn bên Phó Bảng, Sà Phìn. Chưa có dịp đến đúng phiên chợ tình Khâu Vai nhưng Trần Lập từng đi chợ phiên gia súc. Với anh, ngồi ăn miếng xôi màu sắc ở đầu chợ huyện cũng có thể tìm hiểu được nhiều điều thú vị.
Để kết thúc cung đường, Trần Lập gợi ý, dân biker tham lam sẽ chọn đi tiếp qua Bảo Lâm, Bảo Lạc sang Cao Bằng, tham quan Đông Bắc hoặc rẽ lối về Yên Minh để trở ngược lại thành phố Hà Giang khép tròn cung đường. Còn một lối nữa qua Bắc Mê và mặt đường rất thách thức cho các tay lái. Với hành trình 4 ngày 3 đêm, bạn nên quay lại thành phố Hà Giang hoặc xuống Tuyên Quang nghỉ đêm rồi hôm sau về Hà Nội.
Cuối bài chia sẻ, anh không quên khuyên những người sắp đi Hà Giang, không nhất thiết phải đi ngay cho kẹt xe tắc đường. Bạn cũng đừng lo lắng du lịch tốn tiền hay thời gian, bởi có tốn nhưng lại là cái được khi bạn còn sức mà đi.
Chỉ ít ngày sau khi chia sẻ kinh nghiệm phượt, bạn bè và người hâm mộ Trần Lập bất ngờ khi nhận thông tin ca sĩ bị ung thư. Anh vừa trải qua ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng ngày hôm qua. Hiện tình trạng sức khỏe của Trần Lập chưa được báo cụ thể.
Xem thêm: Lưu ý phượt Hà Giang mùa tam giác mạch
Vy An