Ở giọng hát người Hà Nội này, còn có nhiều "ngõ nhỏ" ấm áp khác. Ông bảo, nếu có thời gian rảnh rang hơn trong mỗi chuyến ra Hà Nội, nhất định ông sẽ tìm đến những nơi quanh Hồ Tây. Ở đó lưu giữ tuổi trẻ của cậu học trò trường Bưởi đong đầy ký ức buồn, vui, cả tình yêu, cả kỷ niệm... hung dữ. Giờ mới biết, người NSND này có chút võ vẽ từ nhỏ. Hai anh em Trần Hiếu, Trần Tiến nhà ở ngõ Gạch, cách sông Hồng có mấy trăm mét, ngày ngày rủ nhau ra sông bơi lội, đánh võ, chơi đủ trò con trẻ bên bãi bồi lớn lúp xúp lau sậy. Ngày ấy, Trần Hiếu đã bộc lộ cá tính riêng. Cậu bé không ưa gò mình bên chiếc bàn học, chỉ thích đến những nơi yên tĩnh: núi Nùng ở vườn Bách Thảo, chỗ mấy cây si trong đền Ngọc Sơn (Bờ Hồ) hoặc chui xuống nhà hầm của Thư viện Quốc gia.
Cha con Trần Hiếu - Trần Thu Hà. |
Lầm lì ấy lớn lên, Trần Hiếu vẫn giữ thế giới riêng thuở trước. Có gia đình, có bạn thân, cả người yêu nữa - song nguyên tắc sống của ông "lúc nào tách ra được là tách". Lạ là Trần Hiếu vẫn đảm đương các chức vụ đoàn thể, thực hiện nhiệm vụ BCH Đoàn thanh niên 13 năm, BCH Công đoàn 13 năm cùng với cái tôi ưa lủi thủi ấy. Hễ xong nhiệm vụ, ông lại lui về thế giới riêng của mình, nơi không ai có thể chạm vào. Khi sang Bulgaria học, Trần Hiếu còn thử nghiệm và áp dụng chế độ "một ngày trong tuần không nói". Lúc đầu, nó như một trò chơi, không ngờ ông phát hiện một điều rất hay: những ngày không nói nghĩ ra bao điều thú vị. Sau này, Trần Hiếu dạy con gái mình bài học: Trước hết, cần biết phủ nhận mình. Với người nghệ sĩ, tự phủ nhận sẽ giúp họ luôn tìm ra cái mới.
Trần Hiếu kể lại, con gái ông, ca sĩ Trần Thu Hà, đã mất rất nhiều nước mắt để trở thành ca sĩ. Mê hát, nhưng bởi bị tật ở giọng không được như ý, Hà đã khóc trước mặt ông bao nhiêu lần vì thất vọng với chính mình. Mẹ của Hà là giảng viên Nhạc viện HN quả quyết: "Nó không hát được đâu, hát phô quá". Bố mẹ hướng cho Hà học piano và lẽ ra, Hà đang là một nữ nhạc công nếu cuộc thi trung cấp ngày ấy không thiếu điểm (dù chỉ 0,5). Chính lúc đó, Hà xin được học hát và người cha đã "bảo lãnh" trước vợ, bởi trước kia, ông cũng như con gái, hát bằng giọng mũi nhiều hơn. Bố, rồi đến con gái đã bền bỉ "cải tạo" cho giọng của mình đẹp hơn, dẹp "rác" để lộ giọng chính bằng bao công sức, mồ hôi và cả những giọt nước mắt. Cô bé Thu Hà hát phô ngày nào giờ đã trở thành một giọng ca đẹp của Việt Nam.
"Trần gia nhã nhạc" là cách nói vui của nhạc sĩ Trần Tiến khi 3 nghệ sĩ họ Trần cùng đứng trên sân khấu. Trần Hiếu bảo, lâu lâu mới gặp nhau một lần bởi cả 3 đều thấm một điều "càng làm nhiều càng dại". Cùng một dòng họ, nhưng 3 người không ai ảnh hưởng của ai, mỗi người tung hoành một con đường. Với Trần Hiếu là nhạc cổ điển, Trần Thu Hà thích nhạc nhẹ, Trần Tiến theo đuổi những ca khúc mang phong cách độc đáo. Ngoài những show diễn, Trần Hiếu dành chủ yếu thời gian của mình cho nghề làm thày. Ông vốn không thích chốn ồn ào, nhưng cuối cùng lại trở thành người của công chúng. Ông thích được chìm vào cõi yên tĩnh nhưng bên cạnh không thể thiếu bóng hồng.
Trần Hiếu cười hiền lành khi giới thiệu về vợ: "Chúng tôi là 2 con sóng nhỏ gặp nhau, cô ấy tên Ngà, trước là giáo viên". Cùng cảnh rổ rá cạp lại, hai người đều có con riêng, song nụ cười của họ lúc này đang lấp lánh tình yêu.
(Theo VTV)