Phố bên sông ngày ấy là phố Ngõ Gạch - ngôi nhà số 14 rêu phong bây giờ vẫn còn đó, nơi những năm tháng tuổi thơ của họ trôi qua. Đó là những giấc mơ, nỗi ám ảnh, những ánh sáng đầu tiên vẽ vào cuộc đời họ, làm nên một Trần Hiếu tài hoa, hóm hỉnh, hồn hậu và một Trần Tiến lãng tử, du ca.
Trần Hiếu nhớ lại tuổi thơ từ những kỷ niệm vui cùng cậu em. "Tôi là người bế Tiến đi chơi, mẹ thì bận bán đống vôi gạch chất đầy vỉa hè, các chị thì còn bé, ông anh thư sinh ốm yếu. Tôi thứ hai, hơn Tiến 11 tuổi nên bấy giờ đã có đủ sức khỏe và tình yêu để bế. Tiến lúc đấy nặng gần ba, bốn cân chứ không phải nhẹ. Tôi là vú em đầu tiên của Tiến đấy, hà hà” - điệu cười nhẹ tênh và hóm hỉnh, giản dị vẫn thường thấy ở ông khi trên sân khấu.
Những năm sau đó, khi Trần Hiếu khoảng 17 - 18 tuổi, Trần Tiến lên sáu, lên bảy theo anh ra sông Hồng chơi. "Nhà cách sông Hồng vài trăm mét. Hồi đó có bãi cát ở giữa sông, từ con đê lội xuống bãi cát để đi sang bên kia. Sông ngày ấy dính với thành phố. Tôi học võ nên thường ra sông tập, kéo thằng em ra chơi cùng. Chúng tôi dẫn nhau ra giữa bãi cát đầy lau sậy, nơi dân chài làm ăn đông đúc. Trần Tiến viết Ngẫu hứng sông Hồng, trong có câu ‘Tôi ôm con sáo bé bỏng của tôi, lang thang theo cha dọc bờ sông trắng xóa...’ thì đó chính là tôi chứ còn ai. Bố mất khi Tiến mới bảy tuổi".
Nhạc sĩ Trần Tiến nhớ rằng mình đã có được những bài học từ người anh. Ông nói: "Hai anh em khi lớn lên, mỗi người một ngả, rẽ theo dòng đời. Mà lúc còn bé thì nhiều kỷ niệm, dưới 10 tuổi làm sao nhớ. Có một điều, anh chẳng bao giờ đánh tôi. Tôi còn lấy gậy vụt cô em út một lần, bị anh mắng: 'Sao lại đánh em mình'. Chỉ một câu đó thôi, mở ra cho tôi cõi nhân bản bao la vô bờ của kiếp người. Sau này tôi căm thù chiến tranh là vậy".
Bên dòng sông, hai anh em họ Trần lớn lên. Trần Hiếu nhớ những ngày sống trong phố nghèo, đồn Pháp giăng mắc, thường xuyên bị chúng đánh đuổi. Sinh ra trong một gia đình nhà giáo, nghèo như bao gia đình khác bấy giờ. Cùng khu phố, họ tham gia cách mạng.
"Ngày xưa vốn là học sinh kháng chiến, tôi thạo mọi con ngõ ở Hà Nội, để giặc có đuổi thì còn biết lối mà chạy. Kháng chiến chống Mỹ thì đi khắp nẻo hát, phục vụ người dân chiến đấu. Hà Nội với tôi không chỉ là mồ hôi mà là máu, là nước mắt ứa ra từ ký ức. Giờ ở trong này (TP HCM), thi thoảng có người hỏi có nhớ không. 66 năm ở Hà Nội. Sao có thể nói là không", Trần Hiếu nói.
Với Trần Tiến, hỏi ông: “Bên dòng sông ấy, cuộc đời ông, đâu là nốt thăng, đâu là nốt trầm”, ông nói: "Trong nốt trầm đã giấu một nốt thăng. Và ngược lại. Đó là hòa âm của nhạc Jazz. Nghe khó chịu như khỉ nếm mắm tôm vậy. Nhưng nếu đã ăn được rồi thì sẽ nghiền, muốn ăn nữa. Cuộc đời tôi cũng chẳng nhiều điều khác biệt, có chăng chỉ là một chút mùi… mắm tôm.
Nơi ấy, dòng sông tuổi thơ trôi qua kinh thành cổ. Bây giờ dòng sông đã qua đời, những phố thị Tây, Tàu đủ kiểu đè lên dòng sông bằng những khối bê tông lạnh lùng. Làm sao tìm được chú dế trong đám cỏ. Nốt thăng đè nốt trầm.
Nơi ấy, con phố nghèo xưa. Bây giờ hàng ngoại chất đầy. Nhạc thị trường xập xình chói tai, tóc vàng, tóc đỏ, xe rú ga, người la hét. Tôi về thăm phố cũ, giai điệu vẫn rung lên trong tôi âm thầm, kể về một âm bản màu đen trắng của những ngày xưa thân ái. Nốt trầm đè nốt thăng".
Nhà họ ở Ngõ Gạch cho đến năm 1954 thì dọn về nhà bà ngoại ở phố Hàng Lọng. Nhiều người không ngờ chính là đường Nam bộ hoặc Lê Duẩn bây giờ. Trần Tiến vẫn thích cái tên Hàng Lọng, hoặc phố Ga Hàng cỏ. Bài Phố nghèo ra đời ở đây. Nhiều năm sau đó, họ đều vào Nam sinh sống. Từ ngày rời “phố bên sông”, cuộc sống của anh em họ cũng nhiều biến động.
"Chúng tôi đã sống và làm việc hết mình để vượt qua số phận đen đủi của lý lịch không phải công nông. Anh Hiếu nổi tiếng trước, tôi nghiến răng chịu làm phận không có tên riêng. Chỉ là 'em Trần Hiếu'. Rồi một ngày anh Hiếu vào Sài Gòn tìm khán giả mới, cũng phải bật cười vì phải mang phận là 'anh Trần Tiến'. Thời gian lại trôi đi cho đến nay, chúng tôi vẫn cố gắng sống để không hổ danh là con của ông Đốc học trường Tây, của bà mẹ quý phái phố Hàng Lọng. Bây giờ ở Sài Gòn, chúng tôi có tuổi nên ít xuất hiện trên sân khấu hơn, tuy nhiên còn mãi một câu đố: Không biết ai là Trần Hiếu, Trần Tiến. Tiện chuyện lầm lẫn vì giống nhau này, có scandal tình ái nào, tôi cứ đổ thừa cho ông anh. Anh Hiếu thì không. Anh ấy hiền lắm. Rủ đi massage tử tế, anh cũng không chịu. Anh bảo 'chả ai được sờ vào người tao, ngoài vợ. Vì... nhột lắm !!!'", nhạc sĩ Trần Tiến hài hước kể.
Giấc mơ hát về "phố bên sông"
Sắp sửa trở về Hà Nội với đêm nhạc tái hiện "chuyện phố bên sông”, NSND Trần Hiếu đầy cảm xúc. Ông cho biết đêm nhạc đã được ông ấp ủ từ lâu. "Tôi đi hát từ những năm 1945, thuộc lớp đầu tiên tham gia phong trào của đội Thiếu nhi Tháng Tám. Cất tiếng hát từ năm 9 tuổi, đến giờ 80 tuổi, tôi có 70 năm ca hát trong đó nhiều năm hát cho Hà Nội. Tôi xa nơi đó đến nay đã 14 năm rồi. Thi thoảng cũng có về hát nhưng chỉ trong những chương trình nhỏ, mỗi tối chỉ được hát khoảng hai, ba bài. Lần này về được hát thỏa thuê một chút, khoảng sáu, bảy bài".
Nghệ sĩ 80 tuổi cho rằng hát như thế "mới đã" và xứng đáng tình cảm của người nghệ sĩ đi hát thuộc hàng lâu năm nhất của Hà Nội. Ông đã sẵn sàng cả về sức khỏe lẫn tinh thần để bay ra Hà Nội vào ngày 30/9, ghép nhạc cho chương trình diễn ra vào 3/10.
Còn với Trần Tiến, cuộc trở về này cũng ngẫu hứng như bao cuộc khác: "Chỉ có ý nghĩa như một câu chuyện trong nhiều câu chuyện nếu bạn muốn biết. Và tất nhiên, về hát cho quê hương, bao giờ chả háo hức. Với riêng tôi, thì… còn có ý nghĩa ẩm thực. Đây là dịp tôi được tìm 'người tình bún ốc nguội, bánh đúc nộm, phở Cồ' và... những chiều bia hơi vỉa hè cùng bạn bè thuở hàn vi".
Đêm nhạc chủ yếu do Hà Trần đứng ra lo khâu tổ chức. Nhạc sĩ Trần Tiến cười khà khà đầy lạc quan tếu - tiếng cười rõ chất bụi, chất ngông hơn ông anh - khi được hỏi về ý nghĩa đêm nhạc gia đình: "Hà nó muốn cho hai bố được cùng có mặt ở Hà Nội, kẻo nhỡ... đi mất thì sao".
Hỏi ông đã chuẩn bị tổng lực (tinh thần, sức khỏe, giọng hát, ý tưởng...) thế nào cho đêm diễn, Trần Tiến nói: "Hát thôi, chứ có gì mà như đi đánh nhau vậy. Chắc việc 'chuẩn bị tổng lực' nên hỏi cháu Hà. Mà Hà cũng không bật mí đâu. Nói trước, bước không qua. Cháu Hà là người thiết kế chương trình và hát chính. Cháu có gen họ Trần, làm nghệ thuật cẩn thận và hết mình, dù chỉ là làm thuê. Chỉ tiếc, cháu ở tận bên Mỹ, không biết có điều kiện thực hiện ý tưởng cho hoàn hảo không thôi. Tôi còn chả biết chương trình thế nào. Chỉ biết mình sẽ lên 'hụ hợ một hai bài' và 'Bố nói gì thì nói'. Hết! Tuy vậy, vô tình tôi được đọc một đoạn cháu mail cho ai đó, nên rất yên tâm: 'Các bạn đừng có làm sân khấu cầu kỳ và ăn mặc màu mè kiểu thính phòng. Chỉ cần hát cho hay, chân thực và cảm xúc hết mình. Nhạc bố là nhạc du ca. Bụi mà trí thức. Đơn giản mà sâu sắc. Gần gũi đấy mà cách xa lắm đấy. Mình mong lần này chúng ta sẽ cùng nhau làm ra được chất Trần Tiến'”.
Còn đây là cách Trần Tiến nói về "sợi dây gắn Trần gia”: "Trước hết là 'chung một dòng máu đào còn hơn ao nước lã'. Chung một tiếng gọi nơi hoang dã, chung một văn hóa nằm sâu trong ADN. Khác nhau chỉ ở hoàn cảnh xã hội, địa dư, tuổi tác và kinh nghiệm. Và như thế mới bổ sung cho nhau".
Mọi người thường mong chờ những câu chuyện về phố bên sông của ông, với cách nói dí dỏm mà triết lý và đầy lôi cuốn của những đêm nhạc trước đây. Trước câu hỏi "ông có định tặng mọi người tiếp những phần còn lại của 43 khúc 'Ra ngõ'?", Trần Tiến trả lời: “Cũng còn tùy không khí khán giả đêm đó, gặp người tri âm, uống ngàn chung rượu không say, nói cười rổn rả, cởi bỏ cõi lòng, như Bá Nha xưa có duyên gặp được Tử Kỳ. Chẳng may gặp khán giả thích xem diễn nhiều hơn nghe, thích nhảy cỡn, màn hình led, ánh sáng, khói sịt, là tôi…'mất điện' ngay. Chả còn biết hát gì, nói gì nữa. Tôi định hát những khúc ra ngõ về Trương Chi, Chí Phèo, Thị Nở. Về Xúy Vân, Sọ Dừa cũng như Jesus, Đức Phật, Nato, Kosovo. Gặp khán giả không biết Nguyễn Du là ai, thì tôi sẽ ngã xuống sàn… bất tỉnh”.
Câu chuyện họ sắp kể có thể vui hay buồn, có thể cười hay khóc, với Trần gia nhã nhạc, lúc nào họ cũng cháy hết mình. Nhưng, trên tất cả, những lần xuất hiện như thế này, chắc không còn nhiều nữa. Thời gian ca hát vụt bay như bóng câu qua cửa. Hãy đón nghe họ như những dấu tích tâm hồn quý giá còn lại, của dòng sông chảy qua kinh thành cổ… của Hà Nội xưa.
Anh Sa