Sách Trần Hải Minh dài 430 trang, tái hiện các lát cắt tiêu biểu của cuộc đời cây cọ 62 tuổi. Ông dành một phần ba nội dung kể chặng đầu theo nghề, giai đoạn mới đi lính về sau thời gian phục vụ trong Bộ Tư lệnh pháo binh, nhận học bổng sang Đức năm 1986. Tại đây, suốt bảy năm nghiên cứu, ông được mở mang về kiến thức lẫn tâm hồn, phong cách có nhiều chuyển biến, từ đó kiên trì theo đuổi nghiệp vẽ đến nay. Phần còn lại của sách giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu qua từng giai đoạn.
Trần Hải Minh nói viết sách để lớp trẻ hiểu thêm về kinh nghiệm làm nghề. Với ông, vẽ không chỉ là sở thích mà còn là những lần dấn thân để thử nghiệm các phong cách khác nhau. Nhiều năm qua, ông theo đuổi nhiều trường phái như trừu tượng biểu hiện kinh điển, trữ tình, thư pháp và hình thể tự do. "Hội họa trong tôi có cả khổ đau và nước mắt. Tôi không lập gia đình, chấp nhận cô độc cả đời để được tự do theo đuổi nghệ thuật", ông nói.
Bên cạnh ra sách, ông tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, diễn ra từ ngày 3 đến 13/7. Sự kiện giới thiệu 70 tranh, đa số là trừu tượng biểu hiện, hình thể tự do, với chất liệu acrylic, tổng hợp trên toan hoặc giấy chuối. Họa sĩ cho biết sức sáng tác của ông vẫn dồi dào, mỗi ngày dành thời gian từ sáng đến tối trong xưởng vẽ.
Không gian triển lãm chia thành bốn phòng, tương ứng bốn phong cách ông đang theo đuổi. Với loạt tác phẩm chủ đề Hình nhân múa quạt, ông chọn phong cách hình thể tự do, pha trộn các gam màu đỏ, hồng, đen, trắng, dung hòa giữa phương Đông và phương Tây. Lối vẽ này giúp Trần Hải Minh gây chú ý khi hoạt động tại Đức những năm 1990. Với các bức Thư họa đồng nhất thể, ông tối giản màu sắc, chỉ dùng mực đen trên giấy chuối - chất liệu sản xuất thủ công truyền thống.
Họa sĩ Trần Hải Minh sinh tại Hà Nội, theo học hệ trung cấp Mỹ thuật 5 năm tại Đại học Mỹ Thuật (1977-1982). Năm 1985, sau thời gian đi nghĩa vụ quân sự, ông theo học hội họa ở Đại học Mỹ Thuật, đồng thời học tiếng Đức ở Đại học Ngoại ngữ, Hà Nội. Năm 1987, ông là sinh viên khoa Hội họa, Đại học Nghệ thuật Berlin, Đức, sau đó sống và sáng tác tại đây suốt 5 năm.
Ông chịu ảnh hưởng bởi trào lưu hội họa ấn tượng sau một lần xem triển lãm của các họa sĩ tên tuổi như Emil Schmacher, Sigmar Polke, Ansem Kiefer, Wilhem Nay. Từ năm 1997, ông về nước, sống và sáng tác chủ yếu tại TP HCM. Họa sĩ được đánh giá là một trong những người tiên phong đưa hội họa trừu tượng biểu hiện về Việt Nam.
Mai Nhật