Trận động đất mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản khiến trục Trái Đất lệch khoảng 17 cm và có thể khiến hòn đảo chính xê dịch khoảng 2,4 m. Giống như các trận động đất lớn tương tự khác, nó cũng thay đổi tốc độ quay của Trái Đất, theo IFL Science đưa tin hôm 9/3.
"Động đất có thể thay đổi vòng quay của Trái Đất thông qua sắp xếp lại khối lượng hành tinh, tương tự cách một vận động viên trượt băng xoay tròn để khiến bản thân quay nhanh hơn. Cô ấy sẽ đặt tay sát cơ thể để dịch chuyển khối lượng lại gần trục quay hơn", tiến sĩ Richard Gross ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, giải thích. "Động đất cũng có tác động tương tự. Trận động đất này chắc chắn dịch chuyển khối lượng trung bình lại gần trục quay của Trái Đất hơn, khiến Trái Đất quay nhanh hơn và thời gian một ngày ngắn đi đôi chút".
Thông qua xem xét mô hình phân bố khối lượng của Trái Đất trước động đất và sử dụng ước tính về cách đứt gãy trượt trong động đất, Gross có thể tính toán sự phân bố khối lượng thay đổi như thế nào. Sau đó, dựa vào định luật bảo toàn mô men động lượng, nếu biết khối lượng Trái Đất được sắp xếp lại như thế nào, nhà nghiên cứu có thể biết vòng quay của Trái Đất thay đổi ra sao.
Trận động đất ngoài khơi Nhật Bản khiến Trái Đất quay nhanh hơn khoảng 1,8 micro giây. Để so sánh, trận động đất năm 2004 ở Indonesia khiến ngày trên Trái Đất rút ngắn ước tính 2,68 micro giây. Động đất không phải sự kiện duy nhất ảnh hưởng tới tốc độ quay của Trái Đất. Theo tiến sĩ Benjamin Fong Chao ở Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA, bất kỳ sự kiện nào làm dịch chuyển khối lượng đều tác động đến vòng quay Trái Đất, từ thời tiết theo mùa, thay đổi mực nước biển và xê dịch trong lòng đất, trong đó yếu tố lớn nhất là Mặt Trăng.
Thông qua xem xét mẫu vật san hô cổ đại, các nhà khoa học suy đoán Trái Đất từng quay nhanh hơn cách đây 444 - 419 triệu năm. Mỗi ngày, san hô có thêm một lớp canxi mới khi phát triển. Do san hô phát triển mạnh hơn vào mùa khô so với mùa ướt, giới nghiên cứu có thể đếm số vòng canxi carbonate trong mỗi mùa và tính toán có bao nhiêu ngày trong một năm. Sử dụng phương pháp này, các nhà nghiên cứu tính toán Trái Đất từng có 420 ngày vào 444 - 419 triệu năm trước trước khi quay chậm lại dưới ảnh hưởng của Mặt Trăng.
An Khang (Theo IFL Science)