- Tại vòng 5 V-League 2022, Trần Đình Trọng đã tái xuất sau hơn hai năm chấn thương. Cảm giác của anh thế nào?
- Đầu tiên là mệt. Bình Định ghi bàn sớm, nhưng việc mất người vì thẻ đỏ ngay trong hiệp một khiến đội phải chạy nhiều. Bên cạnh đó là một chút tiếc nuối khi không giữ được chiến thắng, để HAGL gỡ hòa vào cuối trận đấu trên sân nhà. Nhưng nói chung, tôi vui vì lâu lắm mới được đá ở V-League. Tôi không quá hồi hộp bởi đã chờ đợi và chuẩn bị kỹ cả tinh thần lẫn thể chất.
- Ngay trận đầu trở lại anh đã chơi trái sở trường, đá tiền vệ phòng ngự thay vì trung vệ. Điều đó gây khó khăn thế nào?
- Là cầu thủ chuyên nghiệp, HLV giao ở đâu thì tôi đá ở đó. Tôi cũng từng chơi vị trí này khi còn là cầu thủ trẻ nên không bỡ ngỡ lắm. Vào trận, tôi cứ tập trung thi đấu thôi, không nghĩ ngợi nhiều. Sang hiệp hai, khi thay đổi nhân sự, tôi lại được kéo về trung vệ. Nói thực, tôi vẫn thích đá trung vệ hơn vì dù sao đó cũng là vị trí sở trường.
- Từng được đánh giá là một trong những trung vệ xuất sắc của Việt Nam, nhưng hơn hai năm qua anh gần như "mất tích" vì chấn thương. Tại sao vấn đề lại nghiêm trọng đến vậy?
- Câu chuyện của tôi là bài học cho nhiều đồng nghiệp. Tôi mắc sai lầm lớn là cố quay trở lại khi thể trạng chưa tốt nhất, dẫn đến chấn thương dai dẳng từ năm 2019. Tôi ước mình đã sáng suốt hơn.
Có người hỏi tôi lỗi này từ đâu ra, do đội tuyển, CLB hay áp lực kỳ vọng từ người hâm mộ. Thực sự, tôi không trách ai cả. Lỗi là do tôi. Tôi quá nóng vội trở lại. Giá như tôi bình tĩnh, mọi chuyện đã tốt hơn. Tôi cũng ước ở các đội tuyển hay CLB có bác sĩ "quyết đoán" hơn. Họ sẽ đánh giá đúng tình trạng cầu thủ, quyết định có được tập luyện và thi đấu không, chứ không phải để cầu thủ muốn là được. Đã là cầu thủ thì ai cũng muốn cống hiến, muốn được thi đấu. Quan trọng là có người "phanh" họ lại khi tình trạng chưa hồi phục hoàn toàn.
Cố thi đấu ở vòng loại U23 châu Á tại Mỹ Đình năm 2020 cũng là bài học lớn của tôi. Nhưng phải ở trong vị trí của chúng tôi, mọi người mới hiểu được. Lên đội tuyển là ước mơ của tất cả cầu thủ, ai cũng khát khao cống hiến, không kìm được. Với tôi, kể cả khi đau hay thể trạng chưa tốt, tôi chưa bao giờ từ chối, nhất là khi đội tuyển cần. Nhưng sau thời gian dài vật lộn với chấn thương, giờ tôi đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Tôi sẽ chỉ chơi khi cơ thể ổn.
- Thời điểm nào khó khăn nhất với Đình Trọng khi đấu tranh với chấn thương?
- Đang chạy nhảy tung tăng, bỗng chốc chấn thương, phẫu thuật rồi ở phòng tập suốt, tôi chán lắm. Những ngày đầu vật vờ ở nhà, thực sự buồn kinh khủng. Tuổi nghề trong bóng đá vốn ngắn ngủi, mà mất nhiều thời gian điều trị chấn thương như vậy thì lãng phí. Khoảng thời gian mới chấn thương, nghỉ thi đấu dài hạn, tôi cuồng chân, lúc nào cũng chỉ muốn được ra sân chạy. Tôi đếm từng ngày để được trở lại.
Rồi khi chấn thương kéo dài, có lúc tôi nghĩ mình không thể trở lại được nữa. Tôi đã khóc. Đôi khi đi ăn uống với bạn bè, tâm sự, trải lòng, tôi không kìm chế được, lại rơi nước mắt. Rất nhiều đêm tôi khó ngủ, suy nghĩ nhiều về tương lai. Rồi khi đội tuyển thi đấu, tôi cũng tủi thân. Tôi hay gọi cho các đồng đội tâm sự, nhưng chỉ nói các chuyện ngoài bóng đá. Nhưng giờ nỗi ám ảnh cũng qua rồi. Tình trạng của tôi đang ổn định.
- Ai là người có tác động đến sự trưởng thành trong suy nghĩ của Đình Trọng về vấn đề chấn thương?
- Đầu tiên là nhận thức của bản thân. Bên cạnh đó là tác động từ HLV Nguyễn Đức Thắng. Chú luôn nhắc nhở tôi rằng "Khi nào thực sự khoẻ thì hãy tập luyện và thi đấu". Câu nói đó làm cho tôi dễ chịu. Tôi không còn cảm giác sợ chấn thương, hay tâm lý vội vàng trở lại. Có hôm đến sân, thấy tôi mệt là chú bắt nghỉ, "đuổi" về. Ở trận hòa Sài Gòn FC 1-1 hôm 9/7, tôi bị đau, có dịch trong gối nên chú cũng yêu cầu nghỉ ngơi để giữ chân.
Tôi làm việc cùng HLV Nguyễn Đức Thắng từ khi 17 tuổi, từ đội trẻ, đá hạng Nhất rồi V-League, nên rất hiểu nhau. Cũng nhờ vậy, khi đến Bình Định, tôi không bị bỡ ngỡ. Chỉ có chút không may là ba trận đầu của V-League 2022 thì tôi vắng mặt vì mắc Covid-19.
- Chuyển đến Bình Định, xa gia đình, anh gặp những khó khăn gì?
- Hồi còn ở Hà Nội, tôi thường xuyên được về nhà. Bây giờ phải đá ở nơi xa, ít gặp gia đình thì đương nhiên có chút buồn. Nhưng đổi lại, tôi có nhiều thời gian hơn cho tập luyện. Hôm nào tập hai buổi thì tôi theo giáo án của đội. Hôm nào buổi sáng được nghỉ thì tôi tự tập thêm bổ trợ các nhóm cơ nhỏ. Hôm thì tôi ra sân, hôm thì trải thảm yoga để tập ngay trước cửa phòng.
- Đình Trọng đánh giá thế nào về việc Bình Định được đưa vào danh sách ứng viên vô địch V-League 2022?
- Được các đội bóng quan tâm và tôn trọng thì đấy là vinh dự. Nhưng Bình Định còn nhiều việc phải làm để vươn tới tầm như vậy. Các đội bóng ở V-League bây giờ trình độ không cách quá xa nhau, nên chúng tôi phải cố từng trận.
- Đồng đội cũ của Đình Trọng ở CLB Hà Nội và các đội tuyển là Nguyễn Quang Hải vừa sang Pháp. Anh đánh giá ra sao về quyết định này?
- Xét về kỹ - chiến thuật của Quang Hải, chắc không cần nói nhiều thì ai cũng biết rồi. Đó là một trong những cầu thủ xuất sắc của Việt Nam hiện nay. Nhưng điểm hay của cậu ấy còn là biết dựa vào đồng đội. Quang Hải biết chính xác khi nào cần dùng kỹ thuật cá nhân để qua người, khi nào cần phối hợp, xử lý tình huống rất hợp lý. Cậu ấy có nhãn quan chiến thuật xuất sắc, quan sát, thoát pressing tốt, xử lý trong không gian hẹp tuyệt vời. Dường như cậu ấy biết phải làm gì trước khi bóng đến chân. Điều đó giúp Quang Hải khoả lấp điểm yếu thể hình. Tôi tập cùng Quang Hải từ khi 10-11 tuổi nên rất hiểu. Tôi tin cậu ấy sẽ thành công ở Pháp.
Đình Trọng, sinh năm 1997, trưởng thành từ Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Hà Nội, từng vô địch giải trẻ quốc gia cùng U19, U21 Hà Nội giai đoạn 2014-2016. Sau đó, anh được đem cho Sài Gòn FC mượn. Mùa 2018, anh trở lại khoác áo Hà Nội, góp phần quan trọng vào chức vô địch V-League 2018, 2019, đoạt Cup Quốc gia 2019, 2020, Siêu Cup Quốc gia 2018, 2019, 2020. Đình Trọng là nhân tố chính giúp Việt Nam về nhì tại giải U23 châu Á 2018. Hợp cùng Quế Ngọc Hải và Đỗ Duy Mạnh, anh tạo nên bức tường thép ở đội tuyển Việt Nam lên ngôi tại AFF Cup 2018. Tuy nhiên, những năm gần đây Đình Trọng liên tục chấn thương, và từng phải sang Singapore chữa trị. Anh vì vậy lỡ hẹn SEA Games 30 tại Philippines, nơi U22 Việt Nam hiện thực hoá giấc mơ đoạt HC vàng. Đình Trọng trở lại khi U23 Việt Nam dự VCK U23 châu Á 2020. Nhưng anh chỉ vào sân từ ghế dự bị ở giải đấu trên đất Thái Lan, rồi sau đó tái phát chấn thương. Gần hai năm qua, anh phải nghỉ nhiều trận ở V-League, thường xuyên vắng mặt khi đội tuyển đá vòng loại World Cup. Tại AFF Cup 2020, Đình Trọng tham dự, nhưng ít được HLV Park Hang-seo sử dụng. |
Lâm Thoả