Ngày 10/1, dịch giả Trần Đình Hiến có buổi trò chuyện với hội viên Hội nhà văn Hà Nội về "Nhà văn Mạc Ngôn, Nobel Văn học 2012 và văn hóa văn nghệ Trung Quốc". Trần Đình Hiến là dịch giả tiếng Việt, nổi tiếng với các tiểu thuyết của Mạc Ngôn. Ông cũng dành gần như cả cuộc đời mình để nghiên cứu văn hóa Trung Quốc.
Một trong những chủ đề trọng tâm của buổi nói chuyện là Mạc Ngôn - nhà văn đã thể hiện xuất sắc bản sắc văn hóa dân tộc; tâm hồn và những khát vọng kìm nén của người dân Trung Quốc. Ông Hiến cho rằng giải thưởng Nobel 2012 được trao cho Mạc Ngôn bởi ông viết về cuộc đấu tranh của người dân giành "quyền sống và quyền tự do được sống" - theo nhận định của Viện hàn lâm Thụy Điển - chứ không phải viết về thể chế Trung Quốc. Chính Mạc Ngôn cũng từng chia sẻ rằng lịch sử trong cuốn tiểu thuyết "Báu vật của đời" của ông là "lịch sử trong con mắt nhân dân" chứ không của riêng ai. Theo Trần Đình Hiến, Mạc Ngôn là một nhà văn "lách" tốt, khi không trực tiếp đụng đến chế độ hiện hành Trung Quốc nhưng vẫn phản ánh cuộc sống một cách quyết liệt. Cũng vì chĩa ngòi bút khốc liệt vào đời sống xã hội hiện đại, Mạc Ngôn không thực sự được thích ở Trung Quốc. 15 năm nay tác phẩm ông không được giới thiệu rộng rãi trên chính quê hương mình.

Phần trò chuyện về Mạc Ngôn còn nhiều điểm thú vị như khi dịch giả Trần Đình Hiến chia sẻ về việc nhà văn đưa toàn bộ cuộc sống của người dân quê ông ở vùng đông bắc Cao Mật vào tác phẩm. Theo dịch giả, việc sử dụng chất liệu trên chính quê hương mình để viết là phương pháp sáng tác của một nhà văn đã thành danh: nâng cấp không gian địa lý thành không gian văn hóa. Ở đó, Mạc Ngôn đặt vấn đề nghiêm túc về quyền sống con người.
Cuộc trò chuyện còn xoay quanh một số tác phẩm khác của Mạc Ngôn chưa được lưu hành rộng rãi ở Việt Nam.
Văn hóa văn nghệ Trung Quốc cũng là một chủ đề được vị dịch giả nhắc tới. Trong cuộc nói chuyện, Trần Đình Hiến nêu ra và tập trung lý giải: Hạt nhân của văn hóa Trung Quốc là ý thức bầy đàn. Biểu hiện đầu tiên của nó nằm ở mong muốn của người dân về sự trường tồn, sinh con đẻ cái, con đàn cháu đống. Vì vậy, họ đề cao và tôn vinh trăng - một thực thể siêu nhiên dù lúc tròn lúc khuyết nhưng tồn tại vĩnh cửu. Mặt khác, trăng, theo họ, hiện thân cho người phụ nữ, cho sự sinh sôi, nảy nở.
Tâm lý bầy đàn xuất phát từ xa xưa trong văn hóa Trung Quốc và ảnh hưởng chi phối tới cuộc sống của người dân nước này đến tận ngày nay. Ý thức bầy đàn thể hiện rõ trong đời sống tinh thần và sinh hoạt của con người. Sự phát triển của xã hội Trung Quốc bồi đắp dần thêm điều đó. Tuy nhiên, diễn giả cũng cho rằng Trung Quốc đã bỏ quên một điều, một bầy đàn muốn mạnh thì từng cá nhân phải mạnh. Theo ông, chế độ tông pháp cha truyền con nối của nước này đã làm cho chân lý này bị coi nhẹ. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhiều cá nhân xuất sắc, nổi lên trong xã hội Trung Quốc thường không được trọng dụng, thậm chí là kết thúc số phận trong bi kịch.

Dịch giả Trần Đình Hiến cũng đề cập tới hiện trạng bất bình đẳng nam nữ có cội rễ từ xa xưa tại Trung Quốc, khi xã hội chuyển dần từ chế độ nữ quyền sang nam quyền. Thậm chí, thuyết âm dương, vốn nhấn mạnh sự hài hòa giữa các thái cực đối lập, được áp đặt cách hiểu theo hướng cực đoan hóa: dương là mặt trời - mạnh, âm là mặt đất - yếu, trời cao quý - đất thấp hèn, đàn ông là vua - đàn bà là hạng ti tiện... Dần dà, nhận thức thiên lệch này trở thành chân lý, bám rễ trong văn hóa Trung Quốc.
Buổi trò chuyện của Trần Đình Hiến về Mạc Ngôn, Nobel Văn học và văn hóa văn nghệ Trung Quốc mở màn cho chuỗi sinh hoạt chuyên đề ý nghĩa của Hội nhà văn Hà Nội năm 2013. Bắt đầu từ năm nay, vào ngày 10 hàng tháng, tại 19 Hàng Buồm, các diễn giả nổi tiếng sẽ được mời tới nói chuyện về văn hóa, kinh tế, văn học, nghệ thuật, khoa học, giáo dục... với các hội viên và những người quan tâm.
Theo Chủ tịch Hội Phạm Xuân Nguyên, hoạt động nhằm tăng cường cung cấp thông tin, cập nhật tình hình văn hóa văn nghệ cho các hội viên. Không chỉ dừng lại ở văn học, các hội viên có dịp nghe, trao đổi, thảo luận với chuyên gia của nhiều lĩnh vực khác nhau về nhiều vấn đề của xã hội đang được dư luận quan tâm. Các buổi sinh hoạt còn tạo cơ hội tăng cường trao đổi, giao lưu, gắn bó giữa các thành viên trong Hội.
Song Ngư