Thứ ba, 14/1/2025
Chủ nhật, 12/3/2017, 00:00 (GMT+7)

Trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương tại Vũng Tàu

Trên các đỉnh núi ở Vũng Tàu, hơn 100 năm trước người Pháp lập trận địa với hàng chục khẩu đại pháo lớn nhất Đông Dương nhằm phát triển tuyến phòng thủ ven biển.

Sau khi chiếm được Nam Kỳ (1862), thực dân Pháp liền quan tâm đến việc phát triển tuyến phòng thủ ven biển. Từ năm 1895, một trận địa pháo phòng thủ bờ biển lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ trên các ngọn núi tại Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) được thiết lập.

Sau khi hoàn thành vào năm 1905, Vũng Tàu đã trở thành một phòng tuyến phòng thủ bờ biển quy mô hiện đại nhất Đông Dương lúc bấy giờ với ba trận địa pháo lớn: trận địa núi Tao Phùng (núi Nhỏ), núi Lớn, Cầu Đá gồm 23 khẩu trọng pháo từ 140 ly đến 300 ly. Trong đó, trận địa pháo ở núi Lớn gồm 6 khẩu đại pháo, là trận địa kiên cố nhất.

Trận địa pháo ở Núi Lớn nằm ở độ cao hơn 100 m so với mực nước biển. Các đại pháo được đặt trên bệ, bố trí theo hình vòng cung, mỗi khẩu cách nhau 17,5 m.

Các khẩu pháo được đặt trên mâm pháo có thể quay 360 độ và nâng cao hay hạ thấp tầm bắn nhờ vào hệ thống đĩa có răng cưa gắn với bệ pháo cố định.

Những đại pháo tại trận địa núi Lớn do người Pháp chế tạo từ năm 1872-1876. Mỗi khẩu pháo dài trên 4 m, nặng trên 15 tấn và có cỡ nòng 240 ly.

Những khẩu đại pháo núi Lớn đều hướng ra biển Đông. Phía sau mỗi khẩu pháo đều có hầm chứa đạn và hệ thống giao thông hào, liên kết với các cổ pháo khác xung quanh là hệ thống kho đạn và hầm pháo thủ.

Đóng vai trò quan trọng thứ hai trọng tuyến phòng thủ biển Vũng Tàu đó chính là trận địa pháo núi Tao Phùng (núi Nhỏ). Trận địa pháo này đã được xây dựng thành 3 cụm pháo nhỏ. Cụm thứ nhất gồm 3 đại pháo ngay dưới chân tượng Chúa Kitô.

Cụm pháo này bao gồm 3 khẩu trọng pháo 240 ly dài 12,33 m có hình dáng giống nhau, ở độ cao 136 m so với mực nước biển.

Ba khẩu pháo dưới chân tượng Chúa Giêsu được xây dựng cùng thời điểm với trận địa pháo Núi Lớn, có chức năng là chốt tiền tiêu. Các khẩu pháo được đặt trong một công sự đào sâu dưới mặt đất, có đường kính 10,5 m, hướng về vùng biển Cần Giờ, cửa ngỏ dẫn vào Sài Gòn - Gia Định.

Cụm pháo thứ hai được đặt tại ngọn hải đăng cách cụm pháo thứ nhất 300 m về hướng Bắc. Hiện nay, cụm pháo này đã được di dời, có một khẩu pháo được đặt tại Bạch Dinh trưng bày. Cụm pháo thứ 3 được đặt tại tịnh xá Ngọc Bích, cách cụm pháo thứ hai 300 m, do nhà chùa quản lý.

Trận địa pháo thứ 3 đặt tại Cầu Đá là một bộ phận trong phòng tuyến Vũng Tàu của thực dân Pháp, được xây dựng cuối thế kỷ XIX nằm ở phía Bắc Núi Nhỏ ở độ cao 15 m, gồm 4 khẩu pháo. Hiện nay, những khẩu pháo ở trận địa này đã nằm gọn trong khu vực dân cư, cơ quan nhà nước.

Trải qua hơn 110 năm, những khẩu pháo bị người dân tháo nhiều bộ phận để lấy kim loại. Ba khẩu pháo dưới tượng chúa Kitô cũng đã hư hỏng hoặc bị viết bậy lên.

Hiện tại, những trận địa pháo là một địa điểm tham quan du lịch tại thành phố biển Vũng Tàu. Dù vậy, di tích vẫn hàng ngày bị người dân, du khách xâm phạm. Trong ảnh, một nam thanh niên vô tư tiểu tiện bên cạnh đại pháo ở núi Lớn.

Quỳnh Trần