Đã 72 năm trôi qua kể từ ngày ấy, ngày những người Ukraine ra trận với niềm tự hào dân tộc dù biết sẽ bị xử tử nếu chiến thắng. Một trận đấu huyền thoại được ghi lại trong những câu chuyện truyền miệng. Trận đấu được nhiều lần dựng thành phim và là sự cổ vũ cho tinh thần của Hồng quân Liên Xô.
Ngày 19/9/1941, phát xít Đức chiếm giữ Kiev. Chỉ vài ngày sau đó, 33.000 người Do Thái bị giết ở khe núi Babi Yar. Sự tàn bạo của quân phát xít khiến mọi người khiếp sợ và Kiev nhanh chóng chịu sự quản chế khắt khe.
Trong nỗ lực quản lý số lượng lớn dân Ukraine, phát xít Đức tổ chức một loạt các trận đấu bóng đá vào tháng 6/1942 với mục đích đánh lạc hướng và làm yên lòng dân chúng. Tuy nhiên, họ không biết rằng, một tập hợp các cầu thủ của Dynamo và Lokomotiv Kiev đã hợp lại với nhau để sau này trở thành biểu tượng khi đánh gục đội tuyển phát xít trong trận đấu tử thần.
Đội bóng tại xưởng bánh mỳ
Cầu thủ đầu tiên của đội bóng có tên F.C. Start là Nikolai Trusevich - cựu thủ môn của Dynamo Kiev. Trong Thế chiến thứ hai, anh là người lính bảo vệ Kiev sau đó bị bắt khi phát xít Đức tràn vào Kiev và bị giam tại trại Darnitsa.
Trusevich được thả sau ký giấy cam kết trung thành với chế độ mới và anh trở về Kiev. Trusevich được Josef Kordik tuyển về làm lao công tại xưởng bánh mỳ số 3. Dù Trusevich là người Tiệp Khắc, Kordik thuyết phục lính Đức rằng anh là người Áo và có vợ là người Ukraine. Trusevich sau đó nhận được sự tin tưởng và được giao quản lý xưởng bánh mỳ số 3.
Josef Kordik vốn là một cổ động viên của Dynamo Kiev và rất quen mặt người trấn giữ khung thành Nikolai Trusevich. Kordik gặp Trusevich khi anh đang vội vã kiếm một công việc trên đường phố Kiev để tránh sự nhòm ngó. Trusevich sau đó đã liên lạc một số cựu cầu thủ của Dynamo và Lokomotiv Kiev để đưa về làm việc tại xưởng.
Người đầu tiên nhập hội với Trusevich là đồng đội cũ Makar Goncharenko, sau đó là một loạt những cái tên như Mikhail Putistin, Feodor Tyutchev, Ivan Kuzmenko, Alexei Klimenko, Mikhail Sviridovsky và Nikolai Korotkykh. Với sự góp mặt sau đó của ba cựu cầu thủ Lokomotiv là Vladimir Balakin, Vasiliy Sukharev và Mikhail Melnik, đội bóng F.C. Start ra đời.
Dấn thân vào giải đấu tử thần
F.C Start quyết định tham dự giải đấu do phát xít Đức mở ra và được chủ trì bởi Georgi Shvetsov - một cựu cầu thủ thân với chính quyền Hitler. Trận đấu diễn ra vào ngày 7/6/1942, Start hạ Rukh - đội bóng ưa thích của Shvetsov trong trận đấu ra mắt với tỉ số 7-2. Điều này làm Georgi Shvetsov tức điên và ông ta đề nghị chính quyền cấm F.C Start tập luyện tại sân bóng của Rukh.
Đã có nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ F.C Start trước khi đăng ký tham gia thi đấu. Họ lo sợ bị đánh tội phản quốc và ngả về phía quân phát xít. Tuy nhiên cuối cùng, họ kết luận rằng bóng đá cũng là một cách kích động người dân chiếm lại Kiev.
Trusevich đã nhắn nhủ với đồng đội như sau: “Chúng ta không có vũ khí nhưng chúng ta có thể đấu tranh bằng những chiến thắng trên sân cỏ. Các thành viên của Dynamo và Lokomotiv sẽ chơi chung dưới một sắc áo, dưới một màu cờ. Quân phát xít nên biết rằng màu áo này sẽ không thể bị đánh bại”.
F.C Start sau đó giành một loạt các trận thắng đậm trước những đội bóng Hungary, Romania và Đức. Trong khoảng thời gian đó, Start nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân Kiev và cho họ hy vọng khi sống dưới sự đàn áp. Số lượng CĐV này ngày một tăng lên và chính quyền Đức quốc xã quyết định F.C Start cần phải bại trận để làm nhụt chí đám đông. Họ trông đợi đội bóng không quân Flakelf sẽ thắng Start nhưng rốt cuộc, trong trận đấu vào ngày 6/8, đoàn quân của Trusevich giành thắng lợi 5-1.
Ngày hôm sau, các tấm quảng cáo dán ngoài đường thông báo rằng hai đội bóng sẽ đấu lại vào ngày 9/8 tại sân vận động Zenit. Trận đấu để tạo cơ hội cho đội bóng phát xít phục thù và sau này được biết đến với cái tên “trận đấu tử thần”.
Trận đấu tử thần
Flakelf ra sức củng cố đội hình trong khi đó F.C Start bị hạn chế điều kiện dinh dưỡng và bị ép làm việc. Ban tổ chức bán vé trận đấu với giá năm rúp - bằng nửa tháng lương khi đó, tuy vậy, sân Zenit vẫn chật cứng người xem.
Một số câu chuyện kể lại rằng, trước trận đấu trọng tài đã đến thăm các cầu thủ F.C Start và đề nghị họ chào theo kiểu Đức quốc xã khi bắt đầu trận đấu. Tuy vậy, các cầu thủ từ lò bánh mì đã không tuân thủ theo chỉ dẫn đó, thay vào đó, họ hô vang: “Tinh thần thể thao bất diệt”, và đó là một hành động thách thức.
Một trận đấu xấu chơi của Flakelf diễn ra ngay sau đó. Các cầu thủ của F.C Start liên tục nhận những cú vào bóng ác ý còn trọng tài thì làm ngơ trước những tình huống đó. Nikolai Trusevich bị đánh bất tỉnh và trở lại sân trong tình trạng bị choáng vì không ai có thể thay vị trí thủ môn của anh. Dù vậy, các cầu thủ Start vẫn chơi kiên cường và giành thắng lợi 3-1 ở hiệp một nhờ bàn thắng của Ivan Kuzmenko và cú đúp do công Makar Goncharenko.
Goncharenko - người sống sót sau trận cầu tử thần sau này tiết lộ trên sóng phát thanh vào năm 1992 rằng một sỹ quan Đức đã vào phòng thay đồ của F.C Start trong giờ nghỉ giữa hiệp và lịch sự nhắc nhở đội bóng Ukraine về “hậu quả của chiến thắng”.
Không có nhiều thông tin về hiệp hai trận đấu, bốn bàn thắng được ghi chia đều cho hai đội và trận đấu kết thúc với tỉ số 5-3 nghiêng về F.C Start.
Sự ra đi của những anh hùng
Một vài thông tin cho rằng các thành viên của F.C Start đã bị xử tử ngay sau trận đấu là không đúng vì họ còn chơi một trận đấu sau đó, hạ Rukh với tỉ số 8-0.
Ngày 18/8/1942, lực lượng cảnh sát chìm Gestapo ập vào xưởng bánh mỳ số 3 và thẩm vấn các thành viên của đội bóng. Họ tìm được bức ảnh Nikolai Korotkykh trong trang phục của lực lượng mật vụ NKVD thuộc Liên bang Xô Viết và anh này ngay lập tức bị tra tấn đến chết sau đó.
Các thành viên còn lại bị gửi đến trại tập trung Syrets. Tại đây, Alexei Klimenko, Ivan Kuzmenko và Nikolai Trusevich bị bắn chết. Trong đó, Trusevich chết trong trang phục thủ môn anh đã mặc trong trận đấu tử thần. Makar Goncharenko, Mikhail Sviridovsky và Feodor Tyutchev là những người bỏ trốn thành công và sống sót qua Thế chiến thứ hai.
Sau này, Liên Xô đã sử dụng trận cầu tử thần và đội bóng F.C Start để tuyên truyền lý tưởng về sự hi sinh bất khuất. Tuy có nhiều sự tranh cãi xung quanh các nhân vật tham gia trận cầu này, đây vẫn là một câu chuyện được truyền tụng ở Ukraine.
Ở Kiev, một tượng đài của Nikolai Trusevich được dựng lên để tưởng nhớ ông. Sân vận động Zenit nơi diễn ra trận đấu tử thần được đổi tên thành sân Start vào năm 1981. Câu chuyện này cũng được nhiều lần dựng thành phim và được biết đến như một mốc son trong lịch sử bóng đá thế giới.
Di Khánh