Cuối năm 1974, cục diện chiến tranh chuyển biến có lợi để Việt Nam mở cuộc tiến công và nổi dậy trong hai năm 1975-1976. Tháng 3/1975, quân Giải phóng miền Nam Việt Nam liên tiếp thắng lớn trên chiến trường Tây Nguyên và Trung Trung Bộ, với giải phóng Buôn Mê Thuật ngày 11/3, thị xã Kon Tum ngày 16/3, thị xã Pleiku ngày 17/3, thị xã Gia Ngãi và quận Lỵ An Khê tối 23/4, thị xã Tam Kỳ trưa 24/3, thị xã Quảng Ngãi tối 24/3.
Quân lính của Việt Nam Cộng hòa ở căn cứ Đà Nẵng bị cô lập đường bộ, suy sụp tinh thần. Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình thời cơ đã đến và hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa. Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, là nơi Mỹ chọn xây dựng cứ điểm quân sự lớn nhất miền Trung. Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng được mở từ ngày 26/3 đến 29/3/1975.
Quân Việt Nam Cộng hòa ngoài số lượng đông đảo còn được trang bị khí tài hiện đại với 7 tiểu đoàn pháo binh (194 khẩu), một trung đoàn thiết giáp (70 xe), một sư đoàn không quân (370 máy bay các loại). Tuy nhiên, hơn 100.000 binh lính đã như "rắn mất đầu" vì tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1, bỏ sở chỉ huy lên tàu Hạm đội 7 chạy từ tối hôm trước. Nhiều người ra hàng hoặc lo thu vén tài sản tháo chạy ra cảng biển, sân bay.
Trong bối cảnh đó, Thường vụ khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết tâm giải phóng Đà Nẵng theo phương pháp quần chúng nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang nội thành chiến đấu, trong lúc quân chủ lực đang từ bên ngoài tiến vào.
Biệt động thành Phạm Kiều Đa, Chỉ huy trưởng Biệt động tự vệ cánh Đông Đà Nẵng, được ông Nguyễn Ngọc Phỉ, Phó tham mưu trưởng Mặt trận 4 Quảng Đà, giao cho một trung đội đặc công Lê Độ để tăng cường xuống quận 1 (nay là quận Hải Châu) hỗ trợ các mũi tiến công. Đến ngày 28/3/1975, ông nhận nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu ở tòa thị chính Đà Nẵng, quân vụ thị trấn, Bộ tư lệnh quân đoàn 1 và Đài Phát thanh của đối phương.

Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Kiều Đa năm nay 78 tuổi, còn minh mẫn và nhớ chi tiết về nhiệm vụ đánh chiếm tòa thị chính Đà Nẵng ngày 29/3/1975 để giải phóng thành phố. Ảnh: Nguyễn Đông
Sáng 29/3, Đà Nẵng vang rền nhiều loạt đạn pháo của quân Giải phóng tấn công vào các cứ điểm của quân Việt Nam Cộng hòa ở cảng biển, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn... Sau chiến thắng ở Huế và Quảng Nam, quân Giải phóng nhanh chóng tạo thế gọng kìm bao vây quân địch ở Đà Nẵng.
Khoảng 9h, chiếc Dame màu xanh do ông Trần Phú chở biệt động Phạm Kiều Đa len lỏi qua những ngõ nhỏ ở nội đô, rồi dừng lại ven sông Hàn, trước cổng tòa thị chính trên đường Bạch Đằng, quận 1. Ông Đa đặt tay lên eo phải, nơi giấu khẩu súng ngắn K-54 trong áo, từ từ tiến về phía cổng tòa nhà kiến trúc tân cổ điển do người Pháp xây dựng từ năm 1900.
Sau một hồi thám thính không thấy động tĩnh, ông quyết định đi vào trong sân, không gặp một bóng người, trái ngược với ngoài đường đang hỗn loạn bởi các tốp lính giành giật tài sản, phương tiện để chạy trốn.
Vì mục tiêu là tòa nhà trung tâm hành chính của chính quyền Sài Gòn tại Đà Nẵng nên ông Đa đi men theo vách tường, dùng tay rà mìn và vật liệu nổ dọc theo cầu thang bộ. Nhưng khi đi lên đến tầng 3 tòa nhà, ông vẫn không gặp chướng ngại nào. Mọi thứ im lặng đến bất thường.
"Tôi vào phòng làm việc của Thị trưởng ở tầng 2, thấy trên bàn đặt một ấm trà, nước trong ly còn nóng, chứng tỏ người mới rời đi", ông Đa kể. Phát hiện phòng này có hai điện thoại nên ông đã chủ động liên lạc cho cấp trên báo cáo đã chiếm giữ được tòa thị chính, nhưng hệ thống dây đã bị cắt từ trước.

Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc tòa thị chính Đà Nẵng, lúc 11h30 ngày 29/3/1975. Ảnh tư liệu
Ông Đa sau đó nhấc lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa cắm trên bàn làm việc của Thị trưởng ném xuống đất. "Không gì hạnh phúc với tôi bằng giây phút đó. Chúng tôi đã chiếm giữ cơ quan chính quyền đầu não của Việt Nam Cộng hòa mà không phải nổ một tiếng súng", ông Đa nhớ lại.
Trên nóc tòa thị chính thời điểm đó không có cờ. Ông Đa giao nhiệm vụ cho một số bộ đội vừa canh phòng mục tiêu, vừa cơ động đi lấy cờ. Đồng đội Huỳnh Xuân Mai và một người khác nhận lệnh lên nóc tòa nhà cắm cờ. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc tòa thị chính Đà Nẵng lúc 11h30 ngày 29/3/1975, báo hiệu thành phố đã được giải phóng.
12h, nhân dân quận 1 tràn ra đường chào đón bộ đội tiến vào thành phố. Trong hồi ký của trung tướng Phan Hoan, Tư lệnh Mặt trận 4 và đại tá Lê Công Thạnh, Phó chính ủy Mặt trận 4, đi bên cạnh ôtô, xe tăng chở bộ đội, cán bộ vào giải phóng thành phố là xe Jeep, xe gắn máy của tự vệ, thanh niên, phụ nữ, thậm chí có cả một số tàn quân của Việt Nam Cộng hòa cũng nhập cuộc.
15h ngày 29/3/1975, Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng.

Tòa nhà thị chính đã được UBND TP Đà Nẵng đầu tư 500 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo thành Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Đêm 29/3, Đà Nẵng mưa to nhưng điện vẫn sáng, nước vẫn đầy đủ. Ông Đa cho biết vì quân Giải phóng đã bảo vệ được các cơ sở đài phát thanh, nhà máy điện Liên Trì, cảng Đà Nẵng... Nhờ đó hệ thống thông tin liên lạc, điện chiếu sáng được duy trì. Các bệnh viện cũng được tiếp quản nguyên vẹn, kịp thời cứu chữa các chiến sĩ bị thương, chăm lo sức khỏe người dân.
Trong hồi ký, ông Trần Thận, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, cho biết khi cùng các ông Võ Chí Công và Hồ Nghinh vào trung tâm TP Đà Nẵng lúc chập tối 29/3, mọi người chứng kiến trong sân tòa thị chính lực lượng bộ đội chủ lực, biệt động thành và nhân dân làm nhiệm vụ tiếp tế đang quây quần đông nghịt. Cảnh tượng khiến ông nhớ lại những ngày khởi nghĩa tháng 8/1945.
Ông Thận đã chứng kiến một phụ nữ ở quận 3 vào vận động tiểu đoàn lính thủy đánh bộ bỏ súng đầu hàng và cùng nhân dân nấu cơm cho họ ăn. Báo cáo sau ngày 29/3/1975, quân giải phóng chỉ có một chiến sĩ hy sinh tại phía tây cầu sắt, nay là cầu Trần Thị Lý. Còn phía binh lính Việt Nam Cộng hòa có hơn 100.000 người ra trình diện.
"Sau mấy ngày thành phố được giải phóng, một đoàn phóng viên báo chí phương Tây từ Hà Nội vào thăm Đà Nẵng đã đưa tin Không xảy ra sự đẫm máu khi quân Việt Cộng vào thành phố như chính quyền Oasinton và Sài Gòn rêu rao", ông Thận viết trong hồi ký.
Ông Thận kể khi nghe tin TP Đà Nẵng bị quân giải phóng đánh chiếm, Tổng thống Mỹ khi đó là Gerald Rudolph Ford đã nói: "Thất bại ở Đà Nẵng là một thất bại mênh mông của loài người". Còn Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam Võ Chí Công đánh giá: "Kế hoạch giải phóng khu V đề ra hai năm, thực hiện chỉ có 20 ngày".
Tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng sáng 29/3, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá chiến thắng giải phóng Đà Nẵng là đòn tiến công quyết định làm sụp đổ chiến lược của quân Việt Nam Cộng hòa ở Trung Nam Bộ, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
"Ngày giải phóng TP Đà Nẵng 29/3/1975 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của con người Việt Nam nói chung, người Đà Nẵng nói riêng, là kết tinh những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam anh hùng", Tổng Bí thư nói.
Nguyễn Đông