Hình ảnh kinh hoàng về đàn ông, phụ nữ, trẻ em và gia súc ngụp lặn trong làn nước lũ băng giá nhấn chìm làng xóm và hàng nghìn hecta đất nông nghiệp trong trận đại hồng thủy năm 1953 vẫn khắc sâu trong ký ức của nhiều người Hà Lan, đất nước có 1/3 diện tích nằm dưới mực nước biển.
Đúng 70 năm trước, vào đêm 31/1/1953, cơn bão dữ dội từ Biển Bắc kết hợp với thủy triều dâng đã khiến nước biển tràn qua đê ở phía tây nam Hà Lan, gây ra trận lũ tồi tệ, khiến hơn 2.500 người ở Hà Lan, Bỉ và Anh thiệt mạng, trong đó có 1.836 người Hà Lan.
Vào đêm định mệnh đó, con đê bảo vệ gia đình Chiem de Vos và ngôi làng nhỏ Heijingen xinh đẹp cách Rotterdam khoảng 40 km về phía nam bị vỡ. De Vos khi ấy mới 7 tuổi, bỗng tỉnh giấc và nghe thấy tiếng bão gào rú, cây cối gãy đổ, tiếng kêu tuyệt vọng của người hàng xóm: "Con tôi sắp chết đuối".
"Trong nhà chúng tôi có mảnh đất trồng rau, nuôi gà, lợn, bò và một vườn cây ăn quả. Cơn sóng lớn cao tới 4 mét ập đến, cuối trôi mọi thứ", de Vos nhớ lại.
Hơn 10% người dân trong làng thiệt mạng. Ngày nay, một đài tưởng niệm những người đã mất được dựng lên giữa làng.
Cú sốc khiến cả đất nước Hà Lan choáng váng. Ngay trong năm sau, nước này đưa ra kế hoạch Delta Works đầy tham vọng về dự án ngăn lũ lớn nhất thế giới bằng hàng loạt hàng rào chắn sóng và đê điều bằng bêtông. Công trình chống lũ này được hoàn thành vào giữa những năm 1980.
Nhưng 70 năm sau, nhiệt độ và mực nước biển toàn cầu dâng cao một lần nữa làm sống lại nỗi ám ảnh về trận đại hồng thủy, khiến biến đổi khí hậu trở thành chủ đề thảo luận trung tâm của lễ kỷ niệm.
"Ngay cả khi đê được xây cao hơn, khi nước biển tràn vào, không gì có thể ngăn lại", de Vos, 77 tuổi, nói. "Đó là điều tôi luôn sợ hãi".
"Do biến đổi khí hậu, vài năm gần đây, những người sống sót sau trận đại hồng thủy ngày càng lo lắng, liên tục đặt câu hỏi 'liệu thảm kịch có tái diễn không?'" Johan van Doorn, 59 tuổi, nhà sử học sống ở Heijingen, cho hay.
Khi dự án Delta Works hoàn thành vào những năm 1980, thông điệp được gửi đến tỉnh duyên hải Zeeland là khu vực này bây giờ đã "an toàn", ông cho hay. "Nhưng chúng ta đang chứng kiến khí hậu thay đổi chóng mặt trong 10-15 năm qua".
Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan (KNMI) cho hay mực nước biển dâng cao ở Hà Lan là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu.
KNMI cho biết mực nước biển đã tăng tới 25 cm ngoài khơi bờ biển Hà Lan từ năm 1900 tới năm 2020 và tới 2100, mực nước sẽ tăng thêm từ 34 cm tới 1,25 mét, tùy vào nỗ lực cắt giảm khí thải của nhân loại.
Hà Lan đang tìm cách thích nghi với vấn đề này, chấp nhận thực tế một số khu vực có thể bị ngập lụt, thay vì cố gắng xây đê ngăn nước biển như Delta Works.
Nhưng van Doorn tự hỏi liệu những biện pháp này có đủ hay không. Ông nhắc đến sự cố sông vỡ bờ gây lũ lụt ở miền năm Hà Lan và nhiều vùng ở Tây Âu năm 202, cho hay những người sống sót sau trận lụt năm 1953 "sẽ không bao giờ có thể ngủ yên" khi có bão lũ.
De Vos đã vạch chiến lược để tránh cơn ác mộng tương tự. Ông dặn dò cháu nội 14 tuổi hãy xây ngôi nhà tương lai ở Veluwe, một vùng đất cao ở miền trung Hà Lan, cách xa vùng Biển Bắc dữ dội.
Hồng Hạnh (Theo AFP)