Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank cho biết, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước không có trần cho vay, các ngân hàng cũng chủ động đưa ra chương trình ưu đãi với lãi suất thấp để kích thích tín dụng. Ông nói thêm, hiện VPBank có gói tín dụng lãi suất ưu đãi 5.000 tỷ đồng mà chưa dùng hết.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP HCM cho rằng, mức chênh 3% giữa lãi suất huy động và cho vay là hợp lý. Trước đó, nhiều nhà băng có các gói tín dụng ưu tiên với lãi suất 15-16% một năm. "Với mức lãi suất này, chúng tôi vẫn đảm bảo lợi nhuận. Hơn nữa, ngân hàng đang tắc đầu ra, nếu không cho vay được thì chúng tôi cũng chết", ông nói.
Tuy nhiên Tổng giám đốc VPBank cho rằng, lãi suất không phải là nguyên nhân chính khiến cho vay tăng trưởng chậm. Ông phân tích, năm 2008 kinh tế khủng hoảng, tín dụng ngân hàng vẫn phát triển tốt. Còn hiện nay, lãi suất tương đương với 2008, nhiều ngân hàng nỗ lực giảm lãi suất với một số nhóm ngành nhưng khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp vẫn không hào hứng vay.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng bày tỏ, việc Ngân hàng Nhà nước khống chế chênh lệch huy động và cho vay 3% là một giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn, nhất là về mặt tâm lý.
Với trần lãi suất huy động 12% hiện nay, lãi cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên sẽ không quá 15% một năm. Ảnh: Tuệ Minh. |
Dù vậy, ngoài lãi suất, ông cho rằng, bản thân doanh nghiệp cũng có những hạn chế. Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp còn hàng tồn kho cũng không mặn mà với sản xuất hay nhu cầu vay vốn nên ngay cả khi lãi suất thấp họ cũng không hào hứng. Trong khi đó, không ít ngân hàng sợ nợ xấu, rủi ro nên có xu hướng ôm vốn thay vì cho vay.
Chuyên gia này kiến nghị, thay vì áp đặt các biện pháp hành chính, nên có phương án cụ thể. Chẳng hạn như thành lập quỹ bảo lãnh đứng ra đánh giá các chỉ tiêu như vốn phải có, chỉ số đòn bẩy, tính thanh khoản của người đi vay theo tiêu chí, và là cầu nối ngân hàng với doanh nghiệp.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước khống chế lãi huy động và áp biên độ đầu ra là cách làm tốt nhất trong bối cảnh hiện nay.
Ông phân tích, động thái nói trên vừa đảm bảo mục tiêu kéo lãi suất giảm ngay, thay vì đợi các nhà băng chủ động, vừa hạn chế được tính lợi ích nhóm (ngân hàng chỉ ăn lợi nhuận trong một giới hạn nhất định). Lạm phát cũng không bị ảnh hưởng vì cung tiền giữ nguyên, nhưng lại có thể kéo biên lợi nhuận của ngân hàng xuống để gỡ khó cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. "Quan trọng hơn nữa là đảm bảo mức lãi suất phù hợp giúp doanh nghiệp không bị thiệt. Hiện nay người dân và doanh nghiệp đều thiệt, chỉ ngân hàng được lợi do hưởng chênh lệch giá cao", ông Dương nói.
Tiến sĩ Dương cho biết, thực tế, một số ngân hàng đã giảm lãi cho vay những đối tượng ưu tiên trước khi khống chế biên độ, nhưng không đồng đều và thường lắt nhắt. Do đó, khi áp biên độ 3%, lãi suất sẽ có thể giảm nhanh, đồng loạt hơn vì Ngân hàng Nhà nước sẽ "thổi còi" các đơn vị cho vay quá 15% một năm với 4 nhóm đối tượng. Theo chuyên gia này, dù mức 15% vẫn quá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp, nhưng những giải pháp đi kèm như giảm thuế, giãn nợ, được vay USD... có thể giúp doanh nghiệp cầm cự.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khống chế biên độ cho vay-huy động 3% dưới dạng hành chính, các ngân hàng có thể sẽ lách. Vì trước kia, khi ngân hàng áp dụng trần lãi suất cho vay, một số đơn vị vẫn lách bằng cách áp đặt các lệ phí, khiến cho lãi vượt trần quy định.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cũng nêu ý kiến: "Nếu đã hành chính thì phải làm thật nghiêm. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường việc thanh kiểm tra các nhà băng. Với những ngân hàng yếu thanh khoản không thể cho vay lãi suất thấp được thì buộc phải sáp nhập".
Lệ Chi - Tuệ Minh