![]() |
Giám đốc Netnam Trần Bá Thái. |
Hiện nay, Trần Bá Thái là Giám đốc Công ty Netnam, một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) "khiêm tốn" nhất trong số các ISP của VN chỉ với khoảng 8.000 thuê bao. Nhưng giới trong nghề ai cũng biết ông Thái cùng các đồng sự ở Viện Công nghệ thông tin quốc gia là những người có công đầu trong việc đưa Internet du nhập vào VN.
Năm 1992, ông Thái đã tháp tùng Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin Bạch Hưng Khang sang dự Hội nghị Internet thế giới lần 2 ở Kobe, Nhật Bản bằng... tiền túi. Trở về tự tin hơn, ông cùng các đồng nghiệp lập ra một nhóm nghiên cứu về Internet, loay hoay tự tìm các đối tác quốc tế. Cuối cùng, họ may mắn bắt tay được với trường Đại học Quốc gia Australia. Với sự trợ giúp của trường này, một hệ thống e-mail "bán hợp pháp" đã được ông và các đồng nghiệp lặng lẽ thiết lập tại VN, mới đầu chỉ là một bộ phận của trường Đại học Quốc gia Australia. Đầu năm 1994, không hài lòng với tình trạng "tranh tối tranh sáng" này, nhóm của ông đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đăng ký tên miền VN. Nhờ đó, tên miền của VN đã chính thức xuất hiện trên bản đồ Internet thế giới, có thể coi như một cuộc cách mạng Internet ở VN.
Những năm 1995-1996, đầu tư nước ngoài tăng mạnh, nhiều công ty, các tổ chức quốc tế tới VN. Netnam trở thành công ty đầu tiên của VN cung cấp dịch vụ Internet, địa chỉ e-mail cho các công ty, tổ chức này với đuôi là netnam.vn.
Lắp đặt e-mail cho thủ tướng
Tháng 4/1994, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ nhận được một yêu cầu từ Văn phòng Thủ tướng Thụy Điển: Thiết lập một hệ thống e-mail để thủ tướng Thụy Điển (lúc bấy giờ là ông Carl Bildt) trực tiếp liên lạc, trao đổi công việc với cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trước đó, thủ tướng Carl Bildt và tổng thống Clinton là những nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện trao đổi công việc qua e-mail. Thủ tướng C.Bildt có nhã ý mời nguyên thủ của một nước thuộc "thế giới thứ ba" cùng áp dụng phương thức làm việc này và lời mời được chuyển đến thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã giới thiệu nhóm làm việc của ông Thái cho Văn phòng Thủ tướng. Với một chiếc máy tính xách tay, ông Thái cùng một số người đến Văn phòng Thủ tướng lắp đặt e-mail cho thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ trong nửa giờ đồng hồ. Với địa chỉ vvk@badinh.ac.vn, thủ tướng Võ Văn Kiệt và C.Bildt đã trở thành cặp nguyên thủ thứ hai trên thế giới trao đổi công việc qua Internet.
Đưa Internet đến với người nghèo
Tháng tới, Công ty Netnam sẽ cung cấp một dịch vụ mới bên cạnh các dịch vụ sẵn có của công ty: Nghe e-mail. Chỉ cần một điện thoại (cố định hoặc di động), bạn có thể tiếp nhận các e-mail gửi đến dưới dạng giọng nói. Nếu e-mail đó có nội dung phức tạp như bảng biểu, hình ảnh, bạn có thể chuyển nó thành một bản fax. Ngược lại, bạn có thể dùng điện thoại gọi đến tổng đài của Netnam, đọc địa chỉ e-mail và nội dung mà bạn muốn gửi, thông điệp này sẽ được chuyển thành ký tự và trở thành một e-mail.
Việc áp dụng phần mềm "Nhận dạng giọng nói tiếng Việt" sẽ là một bước ngoặt giúp mở rộng số người tiếp cận các dịch vụ của Internet tại VN. "Thật bàng quan nếu nghĩ rằng những người nghèo, nông dân không có nhu cầu tiếp xúc với thông tin. Họ có đấy, nhưng không thể", ông Thái nói về mục đích công việc mà ông và các nhân viên đang tích cực nghiên cứu từ tháng 8/2000. "Chúng tôi còn có tham vọng xa hơn. Đó là chuyển nội dung thông tin của các trang web thành giọng nói. Nông dân sẽ được bổ sung thêm một nguồn thông tin, ngoài vô tuyến và đài... Một nông dân hằng ngày có thể dùng điện thoại của mình, hoặc điện thoại của xã, truy cập vào một trang web bất kỳ để nắm thông tin về thời tiết, giá cả, thị trường, chính sách nông thôn... Giấc mơ Internet của người nghèo sẽ không cần sự hiện diện của chiếc máy tính đắt tiền ngoài tầm tay của họ nữa".
Trước mắt, dịch vụ nghe e-mail chỉ được áp dụng cho các thuê bao của Netnam. Nhưng theo ông Thái, nếu các ISP khác muốn sử dụng phần mềm này phục vụ thuê bao của họ, Netnam cũng sẵn sàng cung cấp. Ông Thái cũng rất tự hào vì phần mềm "Nhận dạng giọng nói" mà công ty ông đang triển khai là dự án đầu tiên "nhận dạng ngôn ngữ bản địa" do Intel tài trợ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
(Theo Tuổi Trẻ)