![]() |
Áp phích Mùa hè chiều thẳng đứng, đạo diễn Trần Anh Hùng. |
- Làm phim theo cảm giác bản năng, dường như là thế mạnh khiến phim của anh có ngôn ngữ điện ảnh khá riêng biệt. Tuy nhiên, đôi khi những bộ phim đó hơi chủ quan và khó tìm được sự đồng cảm ở số đông khán giả. Anh nghĩ sao?
- Tôi quan niệm điện ảnh làm một bộ môn nghệ thuật rất đa dạng, và khi theo đuổi loại hình nghệ thuật này, tôi luôn tự nhủ còn có nhiều con đường cho mình khám phá và tìm một lối đi riêng. Đó có thể là con đường mạo hiểm nhưng cảm giác được khám phá nó là một hạnh phúc khó có thể diễn đạt. Và khi làm phim, tôi luôn trở lại với cái căn bản và cảm xúc tinh tế ban đầu của chính mình. Tôi cũng rất tự tin vào linh cảm và bản năng của mình.
Đôi nét về đạo diễn Trần Anh Hùng |
- Anh quan niệm như thế nào về sự duy mỹ trong điện ảnh, bởi có những hình ảnh đẹp ngoại cảnh theo kiểu video clip và có những hình ảnh lại đẹp theo kiểu ẩn dụ và luôn tiềm ẩn một cái gì đó đằng sau chúng?
- Trong điện ảnh có hai loại hình ảnh khác nhau. Có loại thuộc ngôn ngữ của nhiếp ảnh và có loại thuộc ngôn ngữ của điện ảnh, và thường thì hình ảnh của nhiếp ảnh đẹp về mặt tạo hình nhưng bị cũ rất nhanh. Tôi cho rằng nếu muốn đi vào một cái gì đó thực sự điện ảnh thì hình ảnh của nó phải tạo được hiệu quả đặc biệt. Những đạo diễn giỏi về mặt hình ảnh thường luôn chú trọng đến “trọng lượng” của hình ảnh và ý nghĩa ẩn sau nó. Thậm chí hình ảnh đó phải tạo ra được sức mạnh “tàn nhẫn” của sự kiện. Tôi nghĩ những nghệ sĩ phải “ngạo mạn” kinh khủng mới tìm ra được sức mạnh “tàn nhẫn” của hình ảnh hay còn gọi là sức mạnh của “hình Thánh”…
- Những nhân vật trong phim của anh đều được diễn viên thể hiện xuất sắc, anh chọn diễn viên theo tiêu chí nào?
- Chọn diễn viên cho nhân vật của mình, yếu tố tôi nghĩ đến đầu tiên là “chất nhân văn” trên gương mặt họ chứ tôi không quan tâm họ là diễn viên nghiệp dư hay chuyên nghiệp, tài năng hay không tài năng.
Khi quay, tôi cũng thường yêu cầu quay phim phải quay cận để diễn viên thể hiện được chất nội tâm trên gương mặt họ. Với một diễn viên, không có gì diễn tả và biểu đạt nội tâm quý bằng khuôn mặt họ.
- Vậy sự can thiệp về mặt diễn xuất của anh đối với diễn viên có nhiều không?
Tuỳ thuộc vào mỗi bộ phim và cái chất riêng của nó. Ví dụ, khi quay Xích lô, tôi yêu cầu diễn viên phải tập trước khá nhiều vì bộ phim này đòi hỏi sự diễn xuất khá mạnh của diễn viên, đặc biệt là vai diễn của Lê Văn Lộc, Như Quỳnh. Tuy nhiên, trong Mùa hè chiều thẳng đứng, tôi lại để diễn viên thoải mái diễn xuất và tạo cho họ sự tự nhiên như chính cuộc sống thật của họ ngoài đời vậy.
- Những cái tên phim của anh cũng khá đặc biệt, nó gợi nhiều về mặt cảm giác nhưng dường như không biểu đạt một điều gì cụ thể về nội dung của bộ phim. Vì sao vậy?
- Tôi luôn lựa chọn những tiêu đề mới nghe qua không có ý nghĩa gì cả và càng ít sự liên hệ để khán giả đoán về nội dung phim càng tốt. Chỉ cần chúng tạo được một chút chất nhạc hay chất hình là được. Và thực sự những bộ phim đã làm của tôi giống như nhật ký và tôi kể lại chúng bằng cảm giác của chính mình.
- Khi làm phim, đặc biệt là phim không kể chuyện thông thường theo “kiểu của Trần Anh Hùng”, anh có ảnh hưởng bởi đạo diễn nào trên thế giới không?
- Khi bắt tay vào làm phim, tôi thường quên hết những cái xung quanh mình, quên hết những thứ mình đã xem, đã thấy và làm theo sự chỉ dẫn cảm xúc của chính mình. Nói chung đấy là một kiểu… điếc không sợ súng nên rất… can đảm. Nhiều đạo diễn trước khi vào nghề thường làm trợ lý cho một số đạo diễn khác nhưng tôi thì không, bởi đơn giản tôi muốn làm như chính mình nghĩ và không muốn học hỏi ai cả. Tôi cũng sẵn sàng chấp nhận 10 năm làm một phim và tìm cách khác để sống nếu như không thể làm phim giống như mình nghĩ.
- Anh nghĩ sao khi có nhận xét Mùi đu đủ xanh có một sự tương đồng nào đó với một số phim của đạo diễn huyền thoại Nhật Bản Yasujiro Ozu?
- Tôi cũng rất thích phim của Ozu và đó là một trong những đạo diễn lớn của thế giới mà tôi ngưỡng mộ nhất, đặc biệt là chất “đạo” trong phim của ông ấy. Và rất có thể phim của ông đã làm “ô nhiễm” tôi từ trong tiềm thức. Một người Nhật nữa mà tôi cũng rất thích là Kawabata (nhà văn đoạt giải Nobel 1968, tác giả của Người đẹp say ngủ, Ngàn cánh hạc…). Tôi có ảnh hưởng phần nào đó chất văn của ông khi xây dựng ông già câu cá ở vịnh Hạ Long trong Mùa hè chiều thẳng đứng.
- Gần đây, phim Trung Quốc, Hàn Quốc phát triển mạnh, anh có ấn tượng với đạo diễn nào không?
- Nói chung là gần đây ít đạo diễn tạo cho tôi ấn tượng về mặt hình ảnh và ngôn ngữ điện ảnh.
- Ngay cả Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca?
- Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca là ai?
- Vậy Vương Gia Vệ, Hầu Hiếu Hiền, Thái Minh Lượng, những đạo diễn thuộc trường phái “phim cảm giác”, “phim không kể chuyện” thì sao?
- Tâm trạng khi yêu của Vương Gia Vệ thì chỉ là một dạng phim quảng cáo, phim video clip. Hai người sau thì tôi rất thích và ấn tượng, đặc biệt là Thành phố buồn, Vũ điệu thiên niên kỷ của Hầu Hiếu Hiền hay Dòng sông, Bên đó bây giờ là mấy giờ của Thái Minh Lượng. Phim của hai ông này thường khi chiếu khán giả bỏ về gần hết, đặc biệt là phim của Thái Minh Lượng. Có một lần trong buổi chiếu, chưa được nửa phim thì khán giả lục tục bỏ về rất nhiều, ông đạo diễn phải đứng lên nhắc khéo ai về thì giữ im lặng để những người ở lại trong rạp còn... ngủ.
(Theo Thị Trường Tiêu Dùng)