Đạo diễn Trần Anh Hùng cho biết, anh chưa nắm rõ hết những điều được và chưa được của phim "Rừng Nauy". Với anh, tất cả bây giờ mới chỉ là những cảm giác mờ mờ và phải vài năm nữa mới ngấm hết được. |
- "Rừng Nauy" được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Anh làm thế nào để những khán giả đã đọc truyện không bị thất vọng khi xem phim, khi thấy phim khác với tưởng tượng của mình?
- Tôi không quan tâm tới chuyện đó. Cái tôi cần quan tâm là làm được cuốn phim hay. Còn nếu nó hay nhưng không ăn khớp với tưởng tượng, tiềm thức của khán giả thì đó là chuyện của người xem chứ không phải chuyện của đạo diễn.
Mỗi lần làm phim là một quá trình khó khăn về mọi mặt. Đây là lần đầu tiên, tôi làm tác phẩm điện ảnh từ một tiểu thuyết nổi tiếng. Tôi không phải chỉ chuyển thể cốt truyện mà còn phải chuyển những suy nghĩ, những tình cảm của mình khi đọc truyện vào phim. Tôi chọn cách đi thẳng vào vấn đề chứ không bắt đầu bằng những hồi tưởng của nhân vật bởi việc hồi tưởng đã quá quen thuộc, tôi không thích làm lại. Hơn nữa, quá khứ - hiện tại cần mối liên hệ nguyên nhân - hệ quả mà sách thì không có điều đó. Nếu muốn giữ bố cục như sách, mình phải bịa thêm một số chuyện xảy ra ở hiện tại trong khi nguyên tác đã quá nhiều thông tin. Vì thế tôi chọn một mốc thời gian, không đi qua đi lại giữa hai thời điểm của đời người.
Phim của tôi quay từ mùa đông, sau đó ngừng 5 tháng để chờ quay mùa hè. Đó là một quá trình dài nhưng khi làm việc, tôi không hề thấy mệt mỏi. Diễn xuất của diễn viên rất tuyệt và làm việc với họ cũng không có gì quá phức tạp. Vấn đề không phải tiếng Nhật - tiếng Pháp hay tiếng Việt, chúng tôi có chung ngôn ngữ điện ảnh nên rất dễ để hiểu nhau.
- Năm 1991, “L’amant” (Người tình) ra đời, giữa đạo diễn Jean-Jacques Annaud và nhà văn Marguerite Duras đã xảy ra một cuộc bút chiến, khi nhà văn viết nghiêng về câu chuyện tình còn đạo diễn lại chú trọng khai thác yếu tố tình dục. “Rừng Nauy” cũng được biết tới với các cảnh nóng. Liệu có sự bất đồng nào giữa anh và Haruki Murakami - người vốn được xem là rất khó tính?
- Tôi và Murakami không có vấn đề gì cả. Ông ấy hiểu rõ chuyện làm nghệ thuật, nhà văn không thể can thiệp vào công việc đạo diễn. Chúng tôi cũng có trao đổi và sự trao đổi đó rất tốt cho tôi, giúp tôi xây dựng kịch bản. Chỉ một lần duy nhất, sau đó, ông ấy để tôi tự do làm mọi việc. Khi xem phim, ông ấy rất hài lòng.
Tôi thấy mình may mắn khi hỏi Murakami đúng lúc. Theo tôi biết, trước đây ông ấy không muốn ai chuyển thể sách của mình. Bây giờ có lẽ ông ấy nghĩ, đã tới lúc. Nói theo người Việt Nam mình thì đó là “cái duyên”.
Quan trọng trong phim là câu chuyện tình. Mối tình đầu tiên vừa gặp đã bị mất qua cái chết của Naoko và làm sao để sau mất mát đó, Watanabe Toru có thể vượt qua - đó mới là sợi dây ý tưởng của phim. Tất nhiên, tính dục vẫn là cốt lõi. Naoko không thể làm tình, điều đó tạo ra rất nhiều vấn đề xung quanh cô ấy. Bị khủng hoảng về chuyện đó, Kizuki tìm đến cái chết, Watanabe không thể đến với Naoko và cuối cùng cũng dẫn Naoko đến cái chết. Nhưng cách thể hiện thế nào mới là điều quan trọng. Đạo diễn phải có cái nhìn rất chính xác. Tôi cho rằng, những cảnh nóng luôn câu khách nhưng phải có lý do hợp lý. Mỗi lần Watanabe làm tình đều có những yếu tố tâm lý rất quan trọng xảy ra. Vì thế, tôi cũng quay những cảnh đó rất đặc biệt. Sự đặc biệt này thì khi xem phim, khán giả mới cảm nhận được.
Có lần, một nhà sản xuất hỏi tôi, vì sao trong các bộ phim của anh, khi có yếu tố tình dục lại thấy trái cây khắp nơi, tôi nói tôi không biết, tự nhiên nó thế thôi. Phim phản ánh người thực hiện, tôi vẫn thường mang tính cách, câu chuyện của mình vào phim, đó là cái không thể tránh được.
Trần Anh Hùng về Việt Nam lần này cùng vợ và hai con. Ba diễn viên chính người Nhật do quá bận nên không thể sang dự lễ ra mắt phim tại Việt Nam. |
- Truyện nghiêng về miêu tả tâm lý nhân vật, ít tình huống gay cấn, tạo cảm giác nặng nề. Khi dựng phim, anh làm thế nào để đảm bảo sự thu hút từ đầu tới cuối?
- Truyện Rừng Nauy gợi cho tôi lại thời trai trẻ của mình và đó là lý do để tôi thực hiện bộ phim này. Nó nhắc cho tôi những cảm xúc về tình yêu, những cái mình đã trải qua. Nó đưa tôi đến nỗi buồn rất đặc biệt về đời sống, về những gì mình đánh mất hoặc không đủ can đảm, hoặc có cơ hội nhưng không nhìn thấy nó. Tôi tin đó là cái đánh động vào tâm trạng người xem nhiều nhất.
"Khi không làm phim, tôi chẳng biết trả lời phỏng vấn về điều gì. Tôi chỉ chia sẻ khi có những dự án điện ảnh mới. Nhiều nghệ sĩ thích được PR cho tên tuổi của mình nhưng tôi thì thích trốn lắm, nhiều lúc tôi còn nói dối cơ: dối về tuổi, dối về tên, dối về nhiều thứ lắm. Tôi lúc nào cũng nói mình 26 tuổi. Nhiều khi không nên tin vào những điều tôi nói. Tôi muốn tạo ra một vỏ bọc để trốn vào trong đó". (Trần Anh Hùng) |
Nếu phim làm cho người xem cảm thấy có gì gần với mình hoặc nhắc lại những cảm xúc mình đã có về mối tình đầu, về sự sợ hãi mất người mình yêu thì chứng tỏ tôi đã thành công. Ngoài ra, căng thẳng và mệt mỏi cũng là điều tốt bởi đó là cảm xúc của người ta khi hồi tưởng và nuối tiếc. Nếu ai bỏ về giữa chừng thì chứng tỏ, phim tôi không dành cho họ.
Phim đã trình chiếu ở Nhật trước khi ra mắt khán giả Việt Nam và nhận được rất nhiều phản hồi nhưng tất cả đều bằng tiếng Nhật. Tôi thì lại quá bận để nhờ những người làm việc cùng dịch cho mình. Chắc phải vài tuần nữa mới có thể biết được. Với khán giả Việt Nam, tôi không thể dự đoán trước phản ứng của họ. Tôi chỉ biết chờ đợi thôi. Tất nhiên, tôi mong họ sẽ xúc động sau khi bước ra khỏi rạp.
- Trong tác phẩm nào của anh cũng có sự xuất hiện của Trần Nữ Yên Khê, thường là trong vai trò diễn viên. Còn trong “Rừng Nauy” là vai trò phục trang. Anh nghĩ thế nào nếu có ý kiến cho rằng, anh quá ưu ái vợ mình?
- Khi làm việc với diễn viên, điều thú vị là bạn nhìn thấy cái đẹp của họ và thấy cái mà mình muốn đưa đến cho người xem. Tôi cũng yêu Rinko Kikuchi, Kiko Mizuhara, Lê Khanh, Như Quỳnh như thế thôi.
Trong phim này, Yên Khê phụ trách phục trang, bối cảnh. Trước đây, cô ấy thường đưa ra cho tôi nhiều lời khuyên về phục trang, hóa trang, bối cảnh. Nhân tiện lần này không có vai diễn, cô ấy làm hộ tôi luôn những chuyện đó. Điều đó giúp tôi rất nhiều, cho tôi thời gian để tập trung vào những công việc khác.
Tôi thấy câu: Đằng sau thành công của người đàn ông có hình bóng của người đàn bà, rất đúng trong trường hợp của tôi. Tôi học rất nhiều từ vợ, biết yêu là từ vợ, biết làm cha cũng là nhờ vợ. Tâm hồn tôi hay bị treo lửng, Yên Khê là người kéo tôi về với sự thật. Giống như giữ cho quả bóng bay không bị bay lên trời.
"Tôi rất muốn trở về Việt Nam để làm một bộ phim khác. Chắc chắn vẫn là về tình yêu. Tôi muốn nói về một nhóm phụ nữ". |
- Vậy trong cuộc sống gia đình, Yên Khê hỗ trợ anh ra sao?
- Ngoài đời, tôi có cuộc sống rất đơn giản. Đơn giản tới mức chẳng có gì để nói. Tôi là người bố thường xuyên đưa đón con, dạy con học, lâu lâu mới có thời gian để viết, có khi đang viết lại bị con chạy ra quấy, nhiều khi phải quát nó để có vài phút riêng tư, hoặc yếu thế hơn thì chờ đến khi con đi ngủ. Tôi có một con trai, một con gái, chúng thường theo bố mẹ đến những nơi bố mẹ có công việc, rất may là hai đứa đều học giỏi. Tôi và Yên Khê chia nhau ra dạy con, những khi Yên Khê dịu dàng thì tôi nghiêm khắc và ngược lại. Tôi cũng phải rửa bát gần chết. Bây giờ tôi đang nguy, ngày xưa tôi tán tỉnh này kia nên còn thoát được chuyện nấu bếp. Hiện bài đó không hiệu quả nữa, đến lúc tôi phải học nấu ăn rồi.
Nói thế không có nghĩa, trong cuộc sống của chúng tôi, sự lãng mạn đã giảm. Yên Khê vẫn như bão hàng ngày, nhiều lúc tôi cũng hơi mệt. Chúng tôi đều là những người cá tính nên thường cãi nhau. Những khi căng thẳng, Yên Khê hay xuống nước trước (cười).
- Yên Khê là ai giữa hai con người, một trong sáng, lãng mạn, cảm xúc không ổn định như Naoko, một nóng bỏng, hiện đại, tháo vát như Midori?
- Cô ấy nằm giữa hai con người, vừa là Naoko vừa là Midori. Tôi vẫn nghĩ Murakami cố tình tách riêng chứ thực chất, hai tính cách đó là những biến thể trong một người đàn bà mà thôi. Người đàn bà bao giờ cũng có hai mặt, một nguy hiểm như thuốc độc mà đàn ông luôn muốn nếm, một cần thiết cho đời sống như cơm ăn nước uống hàng ngày. Naoko là người tình lý tưởng nhưng không thể làm vợ, chỉ có Midori mới có thể cùng chung sống suốt đời. Wantanabe chọn Midori - đó là lựa chọn rất thực tế. Trong gia đình tôi đến giờ vẫn còn sóng bão, bởi Yên Khê còn cái chất của Naoko trong đó.
Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Haruki Murakami với hơn 10 triệu bản sách đã được xuất bản ở Nhật, 2,6 triệu ấn bản khác cũng đã đến tay nhiều độc giả trên thế giới. Rừng Nauy là câu chuyện về quãng đời thời trai trẻ của Watanabe với nhiều biến động tình cảm. Trong quãng thời gian học đại học, Watanabe - chàng trai đa cảm đã rơi vào mê cung tình cảm giữa hai người con gái đối lập về tính cách: một Naoko trong sáng, nhạy cảm, yếu đuối và một Midori hoạt bát, sống động, luôn đem đến cho anh nhiều bất ngờ khám phá. Ở giữa hai người con gái, Watanabe rơi vào hai trường cảm xúc: vừa bi thương, tuyệt vọng vừa khát khao sống, không thôi hy vọng vào tương lai. Câu chuyện tình được đặt trong bối cảnh những năm 1960 đầy biến động đã miêu tả chân thực chân dung những người trẻ tuổi với nhiều mê đắm, thăng hoa, lạc lối và cả những bi kịch xót xa. Cuối năm 2008, các nhà sản xuất của Fuji TV và Asmik Ace Entertainment quyết định lựa chọn đạo diễn Trần Anh Hùng thực hiện bộ phim chuyển thể này. Nam diễn viên 25 tuổi Ken'ichi Matsuyama - từng nổi tiếng với phiên bản điện ảnh của loạt truyện tranh Death Note - là người thể hiện vai nam chính Watanabe. Trong khi đó, nữ diễn viên Nhật Bản từng được đề cử Oscar vào năm 2007 với phim Babel - Rinko Kikuchi hóa thân thành cô gái xinh đẹp Naoko, còn ngôi sao trẻ Kiko Mizuhara vào vai Midori. Phim sẽ ra mắt tại 36 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, "Rừng Nauy" do hãng phim Thiên Ngân phát hành, khởi chiếu ngày 31/12 tại TTCP Quốc Gia, Megastar (Hà Nội) và Galaxy Tân Bình (TP HCM). |
Ngọc Trần thực hiện
Ảnh: Ngọc Trần