Sáng 6/7, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến xã. Cả nước hiện có hơn 12.000 trạm y tế. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhìn nhận thực tế vắng vẻ tại trạm y tế. Trung bình mỗi trạm một ngày chỉ khám 10-15 bệnh nhân, có nơi chỉ một vài người.
Trạm y tế thiếu trang thiết bị y tế, kể cả các thiết bị tối thiểu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết máu mao mạch... Có trạm trang bị máy siêu âm xách tay, máy điện tim nhưng rất hạn chế sử dụng. Một khảo sát năm 2010 cho thấy chỉ khoảng 26% trạm đủ trang thiết bị y tế thiết yếu, gần 43% ở mức chấp nhận được, 31% thiếu trang thiết bị cơ bản theo yêu cầu. Hầu hết trạm y tế thiếu thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị bệnh mạn tính, thông thường.
Theo ông Khuê, số lượng cán bộ y tế cơ bản ở trạm y tế đủ nhưng chất lượng hạn chế. Khảo sát năm 2012 tại một số trạm y tế khu vực miền núi cho thấy đến 50% cán bộ y tế không nắm được chính xác huyết áp ở mức nào là tăng huyết áp, 90% không biết cách sơ cấp cứu dị vật đường thở.
Năm 2017, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản, gồm 78 dịch vụ kỹ thuật, 244 thuốc. Đây là những dịch vụ tối thiểu trạm y tế xã phải cung cấp được. Tuy nhiên, qua khảo sát các trạm y tế chưa cung ứng được ở mức tối thiểu này.
Nhiều trạm y tế không thực hiện được những kỹ thuật như đặt ống thông dạ dày, rạch rộng vòng thắt nghẹt bao quy đầu trong nhi khoa. Các trạm chỉ thực hiện được 2 trong số 7 kỹ thuật ngoại khoa như phẫu thuật vết thương phần mềm 5-10 cm, chích rạch áp xe... Tuyến xã mới chỉ quản lý số lượng người bệnh tăng huyết áp hoặc chỉ khám, kê đơn theo các đơn thuốc đã được kê tại tuyến trên, không đánh giá tiến trình đạt mục tiêu điều trị...
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì vấn đề chất lượng, cán bộ y tế, mức chi trả quá thấp, danh mục thuốc kỹ thuật ít. Vì thế bệnh nhân vượt lên tuyến trên, gây quá tải bệnh viện tuyến trên, tăng chi phí cho người dân, quỹ bảo hiểm.
Từ khi thực hiện quy định thông tuyến huyện, người dân càng ít đến trạm y tế. Số lượt khám chữa tại xã trước đây là 28% thì đến nay còn 19%; ngược lại tuyến huyện đã tăng lên đến hơn 50%.
Theo Bộ trưởng, cần chi nhiều hơn cho y tế cơ sở, phân công bác sĩ từ trạm y tế xã lên tuyến huyện học chuyên môn, cử bác sĩ từ tuyến trên xuống một thời gian để người dân tin tưởng vào chất lượng của y tế tuyến dưới, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế. Mục đích là “kéo” bệnh nhân về trạm y tế xã, tăng chi trả cho người bệnh, tăng chất lượng để giảm tải cho tuyến trên.
“Bác sĩ ở trạm y tế xã mãi thì cả đời họ không phát triển nghề được. Có trạm đến 3 bác sĩ y học cổ truyền, 2 bác sĩ sản mà bác sĩ gia đình không có”, Bộ trưởng nói.
Chung quan điểm này, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng người dân không dám giao tính mạng, sức khoẻ của mình cho cán bộ y tế tuyến xã. Vì thế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ là yếu tố quyết định. Đồng thời đổi mới cơ chế chính sách đầu tư, quản lý cho tuyến xã. Đầu tư trang thiết bị phải phù hợp với năng lực chuyên môn của trạm y tế xã, trước mắt cho các thiết bị khám chữa thông thường.
“Có thực tế có nhiều xã thiếu trang thiết bị y tế, một số được trang bị hiện đại nhưng lại không sử dụng được. Đây là điều rất đáng tiếc”, bà Minh cho biết.
Y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế, đáp ứng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường của người dân. Trạm y tế có nhiệm vụ cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng... Mục tiêu đến năm 2025, trên 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Đến năm 2030, hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế dự phòng, quản lý, điều trị một số một số bệnh không lây nhiễm. |