Ngày 3/11, Trạm Y tế phường 27 có khoảng 60-80 bệnh nhân khám, điều trị bằng cả tây y và đông y. Đây là ngày trạm bắt đầu hoạt động theo mô hình y học gia đình.
Bà Trần Thị Ngọc, 61 tuổi, bị thoái hóa cột sống, đau khớp gối mạn tính, ba năm qua điều trị ở phòng y học cổ truyền thuộc Trạm Y tế phường 27. Mỗi tuần bà đến trạm vài lần để châm cứu và tập vật lý trị liệu bằng máy kéo cột sống tự động. Nằm thư giãn khi máy đang xoay chuyển theo lập trình sẵn của bác sĩ, bà Ngọc cho biết điều trị ở nhiều nơi, bệnh tiến triển tốt hơn song bà khó duy trì tái khám đều đặn
Bà chuyển về trạm y tế gần nhà để theo dõi, chăm sóc sức khỏe, kết quả điều trị khá hơn hẳn. Lưng bà bớt đau nhức, đi lại dễ dàng, không còn phải uống thuốc giảm đau thường xuyên.
"Trạm y tế phòng ốc rộng rãi, sạch sẽ, nhân viên nhiệt tình. Hơn nữa tôi không phải mất thời gian di chuyển, xếp hàng chờ đợi", bà nói.
Bác sĩ Phạm Khắc Thành, Phòng Y học Cổ truyền tại Trạm Y tế phường 27, cho biết trước đây công việc của anh và hai y sĩ khá nhàn, hàng ngày chỉ tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân, thiếu máy móc, thuốc men. Nay, trạm mở rộng phạm vi và chất lượng phục vụ, khoảng 40 bệnh nhân tới khám và điều trị mỗi ngày.
"Nhân viên y tế hoạt động hết công suất, có thời điểm quá tải nhưng chúng tôi không từ chối bất kỳ bệnh nhân nào. Chúng tôi chủ động hẹn giờ để sắp xếp lịch tiếp đón hợp lý, tiết kiệm thời gian cho người bệnh", bác sĩ Thành cho biết.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết Trạm Y tế phường 27 là trạm y tế thứ 26 thành phố được chọn làm "cánh tay nối dài của Trung tâm y tế quận, huyện", điểm khác là đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Mô hình này biến trạm y tế thành cơ sở tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh cho cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn phường, thay vì để bệnh nhân vượt tuyến, gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên như cách hoạt động truyền thống. Trạm y tế cũng đảm nhận chức năng y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh, như trong đại dịch Covid-19.
Để hoạt động theo mô hình mới, Trạm y tế được đầu tư cơ sở hạ tầng rộng rãi, khang trang, thiết bị hiện đại, đa dạng thuốc men. Đặc biệt, đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản, giỏi chuyên môn. Trạm y tế phát triển thành đa khoa, có đầy đủ các phòng cấp cứu, khám bệnh, nha khoa, y học cổ truyền, chẩn đoán hình ành, sản phụ khoa, tiêm chủng... điều trị được hầu hết bệnh thông thường, mạn tính.
Ca bệnh khó, bác sĩ trạm y tế kết nối trực tuyến với bác sĩ các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối để hội chẩn và đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Người bệnh điều trị tại trạm y tế vẫn được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định.
Bệnh nhân cấp tính, Bệnh viện quận Bình Thạnh hỗ trợ trạm y tế cấp cứu và chuyển viện khi cần thiết.
Bác sĩ Thượng khẳng định các trạm y tế hoạt động theo mô hình y học gia đình "sẽ đơn lẻ mà được toàn bộ hệ thống y tế thành phố hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân".
Trạm Y tế phường 27 hiện được Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh tăng cường một bác sĩ. Ngoài ra, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh hỗ trợ chuyên môn trực tiếp cho trạm.
Trạm Y tế phường 27 cũng triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử cho khoảng 30.000 người dân sinh sống tại phường. Giai đoạn đầu, nhân viên y tế thu thập thông tin sức khỏe của mỗi người dân, nhập vào hệ thống dữ liệu. Mỗi người được cấp một mã hồ sơ riêng. Sau này, khám ở bất kỳ đâu, người dân chỉ cần cung cấp mã hồ sơ của mình, các bác sĩ sẽ truy cập được lịch sử sức khỏe của họ.
Thư Anh