Ông lang thang vô định và cuối cùng vất vưởng sống ở một làng quê nhỏ. Ở đó, tuy phương tiện thô sơ nhưng với kiến thức uyên bác, ông vẫn chữa được bệnh cho rất nhiều người.
Một lần vì muốn cứu người, ông ăn trộm bộ dụng cụ phẫu thuật của tình địch khi xưa và phải ra tòa vì không có giấy phép hành nghề.
Có thể đây là một phần động lực để tôi theo đuổi ngành Y và năng đến các địa phương khó khăn cả trong và ngoài nước. Mới đây, khi cùng đoàn Giám sát tối cao Quốc hội đến các trạm y tế xã, chúng tôi nhìn thấy rõ những khó khăn về nhân lực, thu nhập, chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở vật chất của y tế tuyến dưới.
Các bất cập này sẽ tạo thành vòng luẩn quẩn không có lối ra nếu việc khắc phục chỉ mang tính chắp vá. Tăng lương, xây trụ sở, mua máy móc... không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Lương không thể tăng mãi, cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân, máy móc hiện đại mà không ai biết sử dụng... cuối cùng lại gây lãng phí lớn.
Trạm y tế xã phường có hai nhiệm vụ: dự phòng (tiêm chủng, phòng chống dịch, giáo dục tuyên truyền) và điều trị (chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý các bệnh mạn tính, sơ cấp cứu tại cộng đồng). Tuy nhiên nhiệm vụ thứ hai ngày càng "teo tóp" khiến việc hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất trở nên bội phần khó khăn so với trước đây. Dự phòng là mục tiêu quan trọng nhưng chữa bệnh cũng cần được coi là chìa khóa để y tế cơ sở có đủ sức tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
Nhưng sự bất hợp lý về chính sách đã bóp nghẹt khả năng phát triển của các trạm y tế xã phường. Không lý gì cùng một bệnh nếu chữa ở xã chỉ được dùng thuốc hạ áp giá 100 đồng một viên. Còn lên tỉnh, huyện lại được cấp viên thuốc đắt tiền hơn. Trao đổi với tôi, vị trạm trưởng đã gần tuổi hưu tâm sự, tuyển được nhân viên đã khó, giữ được người còn khó hơn. Điều này là dễ hiểu vì một đêm trực, họ được thù lao chẳng đáng là bao, khám một bệnh nhân, họ nhận chỉ 27.000 đồng, chưa kể còn trừ ngược trừ xuôi. Trước đây, quầy thuốc luôn có chỗ đứng trong các trạm y tế, vừa là nơi phục vụ cho người bệnh cần mua những sản phẩm bảo đảm với giá cả được kiểm soát, vừa là nguồn thu nhập tăng thêm chính đáng cho nhân viên y tế. Hiện nay, việc này không thể thực hiện được vì không có nguồn đầu tư thiết lập nhà thuốc đạt chuẩn GPP.
Vậy làm cách nào để một hệ thống dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị? Theo tôi, cần thử nghiệm mô hình mới: coi các trạm y tế xã phường là phòng khám của trung tâm y tế quận huyện; các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau, cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ trung tâm y tế quận huyện sẽ có những buổi khám ngoại trú cố định ở xã phường, đặc biệt là với các bệnh mãn tính, không lây nhiễm như huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm thần... Họ đồng thời cũng sẽ có các buổi khám về ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa... để xử lý tại chỗ các vấn đề đơn giản hoặc tư vấn cho người bệnh đi chữa đúng địa chỉ, nếu cần chuyển lên tuyến trên.
Ngoài ra với từng địa phương, cần có kế hoạch chi tiết tới từng trạm y tế theo địa chính trị. Việc này phải được "may đo" cẩn thận, không để lãng phí, mặc đồng phục cho tất cả trạm y tế trong cả hệ thống. Ví dụ: một trạm trưởng giỏi về siêu âm cần đầu tư máy tốt để phát huy khả năng này; một y sĩ đông y giỏi châm cứu cần có phương tiện chuyên biệt để hành nghề; một trạm y tế vùng cao không thể trang bị như y tế phường cách bệnh viện huyện có vài km.
Trưởng các trạm y tế cũng cần được giao thêm quyền và trách nhiệm để phát triển thế mạnh của mình. Khi những việc này đã vận hành trơn tru, chúng ta sẽ tiến lên một bước nữa: phối hợp giữa bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận huyện. Bác sĩ giỏi ở tỉnh sẽ về huyện làm việc định kỳ trong tuần, những bệnh nhân sau mổ sẽ được khám lại ở huyện khi hệ thống đã liên thông thực sự. Việc này rất nhiều bệnh viện tỉnh đã tiến hành với tuyến trung ương, các bác sĩ đầu ngành đã có các buổi khám tại địa phương theo lịch.
Số hoá ngành y tế, bao gồm cả khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), sẽ là chìa khoá thành công cho việc đổi mới mô hình hoạt động của hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Ở những địa phương đã có kết nối Telehealth hoặc có hệ thống Telerad (lưu trữ hình ảnh số hoá PACS), bệnh nhân sẽ được hướng dẫn đến bệnh viện gần, bác sĩ tái khám từ xa theo lịch hẹn. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã triển khai khám từ xa tại các bệnh viện huyện vùng cao từ hai năm nay. Số lượng bệnh nhân chưa nhiều, có thể do hình thức quá mới mẻ và luật chưa quy định cụ thể. Năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm tái khám từ xa cho các bệnh nhân sau phẫu thuật, can thiệp tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Đào tạo liên tục (CME) cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao tay nghề cho nhân viên y tế tuyến cơ sở. Cũng vị trạm trưởng lớn tuổi chia sẻ, đã 10 năm nay chẳng có lớp học nào triển khai đến trạm y tế cách trung tâm thành phố đáng sống nhất Việt Nam chưa đầy 30 phút lái xe. Tới đây, khi Luật Khám chữa bệnh sửa đổi chính thức có hiệu lực, 50 giờ CME bắt buộc để tiếp tục gia hạn giấy phép hành nghề sẽ là động lực cho các lớp học trực tuyến. Tổ chức có hiệu quả, tiết kiệm là trách nhiệm của các trường đại học và các bệnh viện thực hành. Đầu tư phần cứng (máy tính, camera, đường truyền) và phần mềm là trách nhiệm của sở y tế và chính quyền địa phương. Không đào tạo, thiếu cập nhật kiến thức, kém phản biện là nguồn gốc sự đi xuống của bất kỳ hệ thống nào trong cuộc sống.
Cả hệ thống đã nhận ra nếu không lo dự phòng, các cơ sở bệnh viện sẽ quá tải, gánh nặng tiền bạc đè nặng lên cả người dân và nhà nước. Càng đi nhiều tôi càng thấy sự cần thiết phải đầu tư đúng cách cho y tế tuyến dưới trước khi quá muộn.
Nguyễn Lân Hiếu