Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 đang rơi mất kiểm soát và sẽ lao qua khí quyển Trái Đất vào cuối tháng 3 nhưng không gây nhiều rủi ro cho con người, CNN hôm qua đưa tin. "Nguy cơ thực sự rất nhỏ, nhưng những vật thể lớn như vậy không nên rơi trên bầu trời theo cách như thế", Jonathan McDowell, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonia, cho biết.
Các chuyên gia vũ trụ nhấn mạnh nguy cơ tiềm ẩn do trạm vũ trụ này gây ra với con người vô cùng thấp. Rủi ro mảnh vỡ từ trạm vũ trụ rơi trúng con người ước tính chưa đến 0,0000000001%. Phần lớn trạm Thiên Cung 1 nhiều khả năng sẽ bốc cháy trong khí quyển Trái Đất bên trên đại dương và một vài bộ phận sẽ chìm xuống đáy biển.
Trạm vũ trụ 8,5 tấn của Trung Quốc sắp rơi xuống Trái Đất. Video: Next.
"Trường hợp xấu nhất là trạm Thiên Cung 1 rơi xuống khu vực đông dân cư và những mảnh vỡ lớn nhất chạm đất, có thể gây ra một số thiệt hại nhỏ về tài sản. Nhưng điều này chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử 60 năm từ khi mảnh vỡ vũ trụ rơi trở lại khí quyển", McDowel nói.
Trạm Thiên Cung 1 ngừng hoạt động
Trạm Thiên Cung 1 nặng 8,5 tấn, dài 12,2 mét phóng vào vũ trụ hồi tháng 9/2011. Cùng với trạm kế nhiệm là Thiên Cung 2 phóng năm 2016, Thiên Cung 1 là mô hình thử nghiệm cho tham vọng vũ trụ của Trung Quốc. Đó là phóng một trạm vũ trụ 20 tấn hoạt động vĩnh viễn trên quỹ đạo Trái Đất trong khoảng năm 2022, từ đó đưa người lên Mặt Trăng và phóng thiết bị thăm dò lên sao Hỏa.
Trạm Thiên Cung 1 được các phi hành gia sử dụng lần cuối cùng năm 2013. "Kế hoạch ban đầu là để Thiên Cung 1 ngừng hoạt động sớm và rơi có kiểm soát xuống đại dương. Nhưng nhà chức trách Trung Quốc lo ngại trạm Thiên Cung 2 có thể không bay vào quỹ đạo thành công, do đó họ quyết định duy trì hoạt động của trạm Thiên Cung 1 để dự phòng", McDowell giải thích.
Nhưng trạm Thiên Cung 1 dừng vận hành vào ngày 16/3/2016, theo báo cáo của Trung Quốc gửi lên Liên Hiệp Quốc (UN). Trung Quốc có thể mất khả năng kiểm soát trạm do Thiên Cung 1 cạn nhiên liệu, Roger Handberg, giáo sư ở Đại học Central Florida, cho biết.
Sáu tháng sau khi trạm Thiên Cung 1 ngừng hoạt đông, trạm Thiên Cung 2 bay vào quỹ đạo thành công. "Tất nhiên, Trung Quốc không mong muốn sự kiện này xảy ra, nhưng nó không đe dọa các kế hoạch bay vào vũ trụ có người lái trong dài hạn của họ", Joan Johnson-Freese, giáo sư ở Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ tại Rhode Island, cho biết.
Nguy cơ từ nhiên liệu còn sót lại
Vài ngày 24/12/2017, trạm Thiên Cung 1 bay ở độ cao 286,5 km so với 348,3 km vào tháng 3 năm ngoái, theo báo cáo cập nhật hàng tuần tuần về vị trí của trạm vũ trụ đăng trên website về chương trình vũ trụ có người lái của Trung Quốc. Trong báo cáo trình lên UN về khả năng rơi xuống Trái Đất của trạm Thiên Cung 1, Trung Quốc dự đoán phần lớn các bộ phận sẽ bốc cháy và bị phá hủy trong quá trình rơi trở lại khí quyển. Khả năng mảnh vỡ gây nguy hiểm cho hàng không và các hoạt động trên mặt đất rất thấp.
Một nguy cơ là người dân có thể tiếp xúc với tàn dư của nhiên liệu tên lửa hydrazine độc hại còn lưu lại trong tàu vũ trụ, theo Johnson-Freese. "Trong trường hợp xấu nhất, trạm Thiên Cung 1 rơi xuống vùng đông dân và những người tò mò định đến xem xét, qua đó tiếp xúc với nhiên liệu hydrazine", Johnson-Freese suy đoán. Hít phải hydrazine trong thời gian ngắn có thể gây ho, dị ứng cổ họng và phổi, co giật, run rẩy hoặc động kinh, theo Cơ quan Độc chất Mỹ.
Vị trí và thời gian rơi
Dù Trung Quốc dự kiến trạm Thiên Cung 1 sẽ rơi xuống mặt đất cuối tháng 3, thời tiết vũ trụ không thể đoán trước dưới dạng lóa Mặt Trời khiến việc tính toán chính xác thời gian và địa điểm rơi trở nên khó khăn. McDowell ước tính thời gian sớm nhất trạm Thiên Cung 1 rơi trở lại khí quyển là cuối tháng 2.
Các chuyên gia biết khoảng vĩ độ mà trạm Thiên Cung 1 sẽ rơi, trong đó có thể loại trừ Canada và Anh. Nhưng rất có thể quá trình rơi sẽ nằm ngoài tầm quan sát của phần lớn người dân trên thế giới.
"Những vệ tinh cảnh báo tên lửa bí mật sẽ quan sát thấy một vệt sáng lớn lóe lên bằng hồng ngoại khi trạm bốc cháy, nhưng thông tin đó không thể phát tới công chúng trong vòng vài giờ. Trừ khi trạm rơi ở nơi mọi người thực sự có thể trông thấy, chúng ta sẽ không biết gì cho đến khi sự kiện kết thúc", McDowell cho biết.
Thông tin từ mảnh vỡ
Chương trình vũ trụ của Trung Quốc chưa gặp phải những sự cố chết người như thảm họa tàu Challenger và Columbia khiến 14 phi hành gia người Mỹ thiệt mạng, nhưng không phải luôn thuận lợi. Năm 2007, một vệ tinh thời tiết của Trung Quốc bị bắn trúng ở độ cao 853 km phía trên Trái Đất, tạo ra hàng chục nghìn mãnh vỡ, buộc Trạm Vũ trụ Quốc tế phải điều chỉnh vài lần để tránh ca chạm.
Nếu xác trạm Thiên Cung 1 rơi xuống mặt đất, nó có thể hé lộ nhiều điều về chương trình vũ trụ của Trung Quốc. "Đó là một cơ hội để các nhà phân tích phương Tây xem xét tàn dư từ phần cứng vũ trụ. Đó là một rủi ro cho Trung Quốc", Michael Listner, luật sư kiêm chuyên gia về luật vũ trụ, nhận xét.
Tần suất rơi của những mảnh vỡ vũ trụ
Những mảnh vỡ vũ trụ như vệ tinh và các tầng tên lửa thường rơi xuống Trái Đất. Năm 2017, 5 vật thể nặng hơn ba tấn rơi mất kiểm soát qua khí quyển, theo McDowell. Cả 5 vật thể đều nóng chảy khi tiến vào khí quyển Trái Đất.
Trạm vũ trụ gần nhất rơi xuống Trái Đất là trạm Mir nặng 135 tấn của Nga rơi năm 2001. Đó là sự kiện rơi có kiểm soát, với phần lớn bộ phận bốc cháy khi trở lại khí quyển và phần còn lại rơi xuống đại dương. Skylab, trạm vũ trụ đầu tiên nặng 74 tấn của Mỹ, rơi không kiểm soát năm 1979. Một số mảnh vỡ đáp xuống bang Western Australia thưa dân nhưng không gây ra thiệt hại nào.
Các chuyên gia ước tính hơn 5.400 tấn vật liệu vũ trụ không bị phá hủy sau khi lao qua khí quyển trong 50 năm qua nhưng không có báo cáo tử vong nào. Phần lớn mảnh vỡ rơi xuống khu vực xa xôi ở phía nam Thái Bình Dương có tên nghĩa địa tàu vũ trụ.
Phương Hoa