Bạch Hạc Than là trạm thủy điện lớn thứ hai trên thế giới về tổng công suất lắp đặt, chỉ xếp sau dự án đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc thuộc miền trung Trung Quốc. Với 16 máy phát điện thuộc hàng lớn nhất thế giới, mỗi máy có công suất lắp đặt 1 gigawatt, trạm có thể sản xuất 62.400 gigawatt giờ điện một năm, đủ để đáp ứng nhu cầu điện của xấp xỉ 75 triệu người, theo CGTN.
Đập Bạch Hạc Than là một kỳ quan kỹ thuật trên sông Kim Sa, nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử, chảy qua tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam ở tây nam Trung Quốc. Với chênh lệch độ cao 5.100 m, dòng sông này rất lý tưởng để sản xuất thủy điện, nhưng cũng thách thức bất kỳ đập nước nào với áp suất nước lớn như vậy.
Đập Bạch Hạc Than sử dụng cấu hình vòm cong kép siêu cao, uốn cong theo cả chiều rộng và chiều dài, với độ cao tối đa 289 m và chiều dài vòm 709 m. Con đập nằm ở thung lũng sông, nơi áp suất thủy tĩnh có thể lan rộng tới các dãy núi bên sườn. Thiết kế như vậy cũng tiết kiệm đáng kể vật liệu xây dựng và nâng cao độ an toàn. Con đập tiêu tốn khoảng 8 triệu m3 xi măng nhiệt thấp. Ba đập tràn áp suất thấp hơn được xây cùng với đập để ngăn chặn lũ lụt và có thể xả nước ở tốc độ 47 m/s.
Ba dự án khác dọc theo hạ lưu sông Kim Sa là trạm Khê Lạc Độ 13,86 GW, trạm Ô Đông Đức 10,2 GW và trạm Hướng Gia Bá 6,4 GW, nâng tổng công suất lên hơn gấp đôi đập Tam Hiệp. Cùng với đập Tam Hiệp 22,5 GW, Trung Quốc đang xây dựng hành lang năng lượng mới lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử. Năng lượng sạch sản xuất bởi Bạch Hạc Than có thể tiết kiệm 19,68 triệu tấn than đá, cắt giảm 51,6 triệu tấn khí thải carbon dioxide. Dự án Bạch Hạc Than đã sản xuất hơn 53 tỷ kWh điện từ khi bàn giao hai tổ máy đầu tiên vào tháng 6/2021.
An Khang (Theo CGTN)