Ngày cuối tháng ba, xưởng gỗ gia đình bà Hồ Thị Liền tiếng búa, đục gõ đều trên tấm gỗ chừng 4 m2. Ba người thợ chạm chăm chú làm việc với bộ đục hơn 10 món, nhiều kích cỡ. Sau khi đôi tay người thợ chạm lướt, trên tấm gỗ thô kệch dần thành hình đôi rồng, phượng uốn lượn, xen lẫn hoa lá.
Bà Liền (68 tuổi) là con gái của nghệ nhân chạm gỗ Hồ Xuân Lai - người đầu tiên phát triển kỹ thuật chạm trổ và phát triển đến mức tinh hoa ở Chợ Thủ. Mới 11 tuổi, trong khi các bạn bè mãi chơi nhảy dây, lò cò, bà lại mê đục đẽo trên gỗ. "Thấy cha làm tôi bắt chước làm theo, trưa ông đi vắng tôi lén lấy gỗ đục. Đến chiều làm được hai chân quỳ là mừng dữ lắm", bà kể. Sợ con làm hư đục song ông Lai nhận ra con gái có hoa tay, sáng ý nên chính thức cho học nghề.
Ở Chợ Thủ, người theo nghề chạm không tốn tiền khi học kể cả không quen biết. Người sáng ý chỉ mất hai năm là thành thạo, song cũng có người học mãi vẫn không thành, tự thấy khó có thể phát triển sẽ rời đi tìm nghề khác. "Có người chạm đoá hoa tươi như thật, chim muông như đang tung bay, có người lại không làm được vậy, muốn chỉ cũng khó vì tuỳ vào tư chất mỗi người", bà Liền kể.
Nghề chạm phát triển cực thịnh khi các chùa, gia đình giàu có tìm đến Chợ Thủ mời thợ về chạm trổ tấm liễn, bức hoành phi, các vật trang trí. Có khi nhóm thợ phải đi mấy tháng ròng mới hoàn thành công việc. Việc làm không hết nhưng người làng nghề như gia đình bà Liền luôn tâm niệm phải làm có tâm, gia chủ xài hàng chục năm cũng không hư hao. Khi khách mang hàng đến sửa, thợ vẫn được trả công, nhưng sẽ mang tiếng suốt đời.
Ông Trần Minh Đoàn, đại diện làng nghề cho biết địa danh Chợ Thủ hơn trăm năm trước là nơi có nhiều người làm nghề thủ công. Nữ dệt vải Lãnh Mỹ A, nam làm mộc. Năm 2006 làng nghề được tỉnh An Giang công nhận làng nghề truyền thống với hơn 1.000 cơ sở, khoảng 2.000 thợ. Từ cái nôi này nghề mộc phát triển ra 4 xã lân cận của huyện Chợ Mới, với hơn 1.700 hộ, gần 3.000 lao động.
Làng nghề phát triển cực thịnh trước năm 1975. Người trong làng nếu có đôi tay khéo léo sẽ học chạm trổ còn không sẽ làm thợ mộc, làm ra những vật dụng sinh hoạt thường ngày. Hàng chục công đoạn được các gia đình chia nhau làm, thu nhập ổn định hơn làm ruộng.
Ông Bùi Văn Nhàn, theo nghề hơn 40 năm, cho biết nghề mộc đòi hỏi người học ngoài đam mê phải có trì nhớ tốt, nếu nếu không làm trước quên sau. Hiện, nghề mộc được máy móc hỗ trợ rất nhiều nhất là các kỹ thuật khắc CNC (khắc máy) từ 3D đến 4D, song có những công đoạn phải cần đôi tay và khối óc của con người.
Nét đặc trưng sản phẩm của làng nghề Chợ Thủ là độ tinh xảo pha lẫn nét mộc và truyền thống, không lạm dụng khắc máy như các nơi. Thợ làng mộc chợ Thủ quan niệm dù máy móc chính xác đến đâu cũng không bằng đôi tay, khối óc của con người thổi hồn vào từng đường nét trên sản phẩm. Đó cũng chính là nét độc đáo khó pha lẫn để làng nghề trường tồn đến hôm nay.
Ngọc Tài