Ảnh: Thanh Niên. |
Chơi thua bạc, Danh về nhà lấy dao kề cổ vợ vì cho là tại vợ đưa ít tiền. Đau quá, chị Hoài lén đến trạm y tế băng bó. Lấy cớ vợ ra khỏi nhà không xin phép, Danh hầm hừ đuổi theo, nắm tóc, lột sạch quần áo vợ.
Với các ông chồng có máu côn đồ (gồm cả giới lao động chân tay, công chức...), có không biết bao nhiêu lý do để họ mắng nhiếc, thượng cẳng tay hạ cẳng chân với vợ. Nhẹ thì chửi mắng, đánh đập u đầu mẻ trán, nặng thì dùng hung khí gây thương tật, tử vong. Những ông chồng vũ phu có đủ cớ gây sự ầm ĩ, nào là ghen tuông, hết tiền tiêu, bực bội trong người, hay vợ làm trái ý hoặc thấy mặt vợ "sao ngu ngu, xấu xấu" là ra đòn.
Ở khu nhà trọ trên đường 30 Tháng 4, TP Cần Thơ, hàng xóm đêm nào cũng nghe một bác sĩ trẻ chửi vợ om xòm bằng ngôn ngữ đường phố, nào là vợ ngu đần cản bước công danh chồng, dạy mãi vẫn ngu, chỉ biết ăn với ngủ không giúp gì được cho chồng...
Lúc ông chồng chửi, đánh, cô vợ trẻ ngồi im phục tùng thì không sao nhưng hễ cô tủi phận, rớt giọt nước mắt là càng bị đánh chửi hăng. Các mối quan hệ của cô với chung quanh bị cấm tuyệt. Cô qua nhà nào chơi mà để ông thấy được thì thể nào về cũng bị no đòn.
Còn tại một nhà trọ gần trường Cao đẳng sư phạm Cần Thơ cũng có chuyện khôi hài về anh chồng thích bạo lực.
Cứ có rượu vào là anh ta lải nhải chửi vợ. Anh ta chửi mà vợ im lặng thì cho là vợ... xem thường nên lao vào nện túi bụi, còn vợ trả lời thì cho là hỗn nên phải "dạy" cho biết thế nào là "hiền nội". Lắm khi không thể chịu được đòn đau, chị khóc lóc đập cửa các phòng kế bên xin tạm tá túc. Mấy cô gái trẻ thông cảm nhưng chẳng ai dám chứa, bởi ông chồng mà nổi điên lên thì khó biết chuyện gì có thể xảy ra.
Theo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình do tư tưởng bất bình đẳng giới, cụ thể là "trọng nam, khinh nữ", lối xử sự gia trưởng tồn tại dai dẳng. Có huyện, mỗi năm có hàng trăm người tự tử vì bạo lực gia đình nhưng chưa có ai lên tiếng về vấn đề này.
Chuyện của chị Hoài ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Ninh, Long Hồ, Vĩnh Long là ví dụ. Ngày 8/3 nhưng chị phải chịu tủi nhục ê chề với hàng xóm. Chồng chị là Huỳnh Văn Danh cần tiền đánh bạc, chị móc túi đưa 50.000 đồng. Chơi thua, Danh đổ quạu lấy dao kề cổ vợ vì cho rằng vợ đưa tiền quá "kẹo". Đau quá, chị Hoài phải dịn vết thương, lén đến trạm y tế băng bó. Lấy cớ vợ ra khỏi nhà không xin phép, Danh hầm hừ đuổi theo. Bất chấp người qua lại đang nhìn trân trân, anh ta nắm đầu vợ, lột sạch quần áo. Tồng ngồng, chị Hoài phải chạy vào nhà một người quen mượn quần áo rồi bỏ đi. Nghi vợ mình đi tố cáo công an nên Danh lại rượt theo xé nát đồ của vợ vừa mượn hàng xóm.
Mới đây, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã điều tra tại 8 tỉnh thành (Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hà Nội, Lào Cai, Sơn La) về tình trạng bạo lực trong gia đình. Kết quả cho thấy, việc phòng chống bạo hành gia đình hiện chưa được quan tâm đúng mức. Ngay cả những nạn nhân của tệ nạn này khi phỏng vấn vẫn cho rằng họ không phải chịu bạo lực, nhưng khi kể ví dụ cụ thể thì nêu ra vô số các trường hợp là hậu quả của hành vi này.
Một nữ y tá 50 tuổi lắc đầu khi nói về phu quân: "Chồng tôi luôn uống rượu suốt ngày đêm, về lại quậy phá, gây gổ với vợ con, có khi dựng tôi dậy cả đêm. Nhà có nuôi 4 con heo, tôi đi công tác, ở nhà anh ấy bán hết lấy tiền đánh bạc".
Còn chị y tá ở Lấp Vò, Đồng Tháp hết chịu nổi ông chồng quá quắt bỏ trốn ra hải đảo, tức tưởi: "Chồng tôi bảo tôi đi trực mang con đi, anh không giữ con giúp đâu. Tối đến, anh ấy lượn qua lượn lại trung tâm y tế để... rình. Có hôm mấy mẹ con đang ngủ, anh ấy vén màn lên thấy ngủ mới về. Lúc khám bệnh, anh ấy lại rình. Một đêm trực anh ấy đi 'thăm' đến mấy lần".
Một nạn nhân khác chán nản: "Khi nào ông ấy đánh hăng tôi chạy ra khỏi nhà, nếu không, tôi sợ mình chết mất. Mấy lần ông ấy đánh tôi, tôi không chịu được đã làm đơn (trên 10 cái) gửi đến xã. Xã gọi chồng tôi lên giáo dục nhưng về nhà ông ấy vẫn vậy".
Có người lại chịu không nổi "đòi hỏi" của chồng: "Có những ngày mệt, tôi xin 'nghỉ', anh ấy lại nói: 'quyền tao, vợ tao, tao thích làm gì thì tao làm"...
Hiện nay, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã hoàn tất dự thảo "Luật phòng chống bạo lực gia đình" với 44 điều khoản và trình cho Quốc hội. Mong rằng, có Luật, người phụ nữ sẽ được bảo vệ trước nạn bạo lực gia đình hoành hành.
(Theo Thanh Niên)