Đây là phân tích tổng hợp 8 nghiên cứu về mối quan hệ hai chiều giữa trầm cảm và béo phì, do Liên đoàn phẫu thuật béo phì thế giới (IFSO) công bố mới đây. Năm 2019, IFSO cũng thống kê 16% người béo phì bị trầm cảm. Một nghiên cứu khác cho thấy nữ ở vị tuổi thành niên bị béo phì có nguy cơ mắc chứng trầm cảm nặng tăng gấp gần 4 lần. Tuy nhiên, nguy cơ này không đáng kể đối với nam giới.
Béo phì là một bệnh do tình trạng tích trữ mỡ quá mức trong cơ thể. Theo Bộ Y tế, người được xem là béo phì khi có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25, BMI trên 35 được coi là béo phì mức độ trầm trọng. Vấn đề lớn nhất của nhóm này là thân hình quá khổ gây rất nhiều khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, khiến họ không những mắc bệnh thể chất, mà còn nặng nề vấn đề tinh thần.
Như chị Trang, 30 tuổi, ở Hà Nội, tăng cân mất kiểm soát từ sau sinh con thứ hai. Khi Covid-19 bùng phát, chị phải ở nhà, chăm sóc con nhỏ, mọi thói quen sinh hoạt đảo lộn, không tập thể dục, cân nặng dư 30 kg so với tiêu chuẩn. Khi cân nặng lên 82 kg, chị dễ nổi cáu, luôn mệt mỏi, không tập trung và rối loạn giấc ngủ.
Béo phì khiến chị mắc nhiều bệnh lý như gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, ngủ ngáy, nguy hiểm là hội chứng ngưng thở khi ngủ. Chị mặc cảm ngoại hình, không còn hứng thú và động lực sống, thậm chí có ý định tự tử. Lo lắng, chồng chị đưa vợ đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám, được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm, xuất phát từ tình trạng béo phì.
Anh Cường, 35 tuổi, ở Hải Phòng, chỉ trong một năm tăng hơn 10 kg, lên 94 kg. Ba tháng gần đây, anh ở trong tình trạng lo âu, căng thẳng, ăn uống mất kiểm soát, dễ cáu gắt và mất ngủ, phải đến bác sĩ điều trị.
Đây là hai trong nhiều bệnh nhân béo phì được PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, điều trị. Phần nhiều là bệnh nhân béo phì quá mức, nặng hơn 100 kg, có người 180 kg.
Theo bác sĩ Tuấn, người béo phì thường cảm thấy tự ti về cơ thể, có xu hướng khó chấp nhận và yêu thích bản thân. Những người này thường bị kỳ thị và cô lập trong xã hội. Họ cảm thấy không thỏa mãn với hình ảnh bản thân hoặc chịu áp lực từ xã hội, khả năng chịu đựng thấp, dễ bị lo âu, căng thẳng. Lâu dần, tình trạng này dẫn đến trầm cảm, khi người bệnh đánh mất động lực sống, thường xuyên có ý định tự sát.
Căng thẳng, stress cũng là một trong những nguyên nhân gây béo phì. Tình trạng này tác động xấu đến nhận thức, làm thay đổi hành vi và thói quen một cách tiêu cực. Biểu hiện rõ nhất đó là ăn uống, sinh hoạt và vận động thiếu lành mạnh.
"Tâm lý chung của họ là nôn nóng giảm cân, tự dùng phương pháp hay sản phẩm hỗ trợ giảm cân khiến cho quá trình điều trị béo phì không hiệu quả", PGS Tuấn nói, thêm rằng điều này có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý và sức khỏe của người bệnh.
Theo bác sĩ Tuấn, đối với bệnh nhân béo phì, giảm cân là chìa khóa để phá vỡ vòng xoắn bệnh lý. Các dấu hiệu trầm cảm sẽ chuyển biến tích cực khi bản thân người bệnh lấy lại vóc dáng bằng thay đổi chế độ ăn, tập luyện thể dục thể thao, hoặc phẫu thuật.
Trên thực tế, nhiều người bế tắc và lo lắng, dùng thực phẩm chức năng dù không rõ thành phần. Một số người đi hút mỡ hoặc tiêm các chất không rõ nguồn gốc, dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Ông Tuấn lý giải người béo phì có ham muốn ăn uống luôn vượt quá tầm kiểm soát của bản thân. Đây là bệnh rối loạn về tâm lý và quá trình chuyển hóa, nội tiết, trao đổi chất. Do đó, bước tư vấn tâm lý rất quan trọng, nhằm đưa bệnh nhân ra khỏi bế tắc, tuyệt vọng, tạo cho họ động lực và niềm tin về khả năng có thể chiến thắng béo phì.
Thầy thuốc cần xây dựng kế hoạch điều trị và mục tiêu một cách rõ ràng cho bệnh nhân, tạo niềm tin cho người bệnh quyết tâm điều trị. Có bệnh nhân đến bác sĩ tư vấn hàng chục lần, có người tiếp cận và theo dõi các bài giảng từ bác sĩ tới ba năm mới chấp nhận điều trị. "Quá trình điều trị này không phải chỉ một vài năm mà là suốt cuộc đời của họ", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, điều trị béo phì cần kết hợp cả liệu pháp tâm lý hoặc phác đồ điều trị trầm cảm. Khi bệnh nhân cảm thấy tốt hơn và việc điều trị bắt đầu, có thể lựa chọn thực phẩm để thay đổi chế độ ăn uống khoa học theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Trường hợp đã thử mọi cách mà chưa hiệu quả trong việc điều chỉnh cân nặng thì cần phẫu thuật thu nhỏ dạ dày. Phương pháp này được chỉ định cho người có BMI trên 35, bệnh béo phì kết hợp tiểu đường, huyết áp cao, đau khớp; hoặc người có chỉ số BMI 27-30, bị béo phì kèm tiểu đường nhưng kháng insulin.
PGS. Tuấn lưu ý phẫu thuật chỉ là biện pháp giúp giảm ăn. Người bệnh cần chủ động thay đổi lối sống, giảm khối lượng ăn vào, tăng cường luyện tập thể chất mới có thể nhanh chóng đạt cân nặng lý tưởng và sức khỏe tốt.
Mỹ Ý
*Tên nhân vật đã được thay đổi