Tuổi vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng, đánh dấu nhiều sự thay đổi trong suy nghĩ, lối sống, hành vi của trẻ. Giai đoạn này, trẻ sẽ dễ dàng bị cảm xúc áp đảo, không kiểm soát và không hiểu hết được những suy nghĩ của bản thân. Chính vì thế, đây cũng là giai đoạn dễ chịu những tác động tiêu cực dẫn đến trầm cảm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở độ tuổi vị thành niên. Một trong những nguyên nhân thường thấy nhất là do những áp lực trong việc học hành và hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ. Sức ép của phụ huynh trong việc học hành, thi cử, gia đình không hạnh phúc, bạo lực gia đình, bạo lực học đường làm các em dễ rơi vào trạng thái căng thẳng với tất cả mọi chuyện, đôi lúc không kiểm soát được suy nghĩ của mình.
Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ còn chỉ ra khoảng 40% trẻ trầm cảm có liên quan đến ADN. Cha mẹ hoặc người thân trong gia đình bị trầm cảm thì con sẽ có khả năng tương tự cao gấp ba lần những đứa trẻ khác.
Trầm cảm sẽ gây ra những thay đổi trong hành vi của thanh thiếu niên, chẳng hạn như không quan tâm đến việc ăn uống hoặc tham gia các hoạt động xã hội mà trước đây yêu thích, thói quen ngủ thay đổi hoặc có xu hướng "thu mình" khỏi các khía cạnh của cuộc sống.
Chưa dừng lại ở đó, trầm cảm kéo dài dẫn tới nhiều hệ lụy và nguy cơ khác liên quan tới rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, lạm dụng chất kích thích, mang thai ở tuổi vị thành niên, chấp nhận các rủi ro về tình dục hay thậm chí là tìm đến tự tử. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử. Tại Việt Nam, uớc tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp đôi so với số người chết vì tai nạn giao thông.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến thứ hai gây hại đến sức khỏe chỉ sau tim mạch. Tại Việt Nam, khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. . Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.
Theo các chuyên gia, trầm cảm hoàn toàn có thể chữa khỏi nhanh nếu có sự quan sát, lắng nghe và kết nối giữa phụ huynh và con cái. Tuy nhiên, sự thật chỉ ra rằng rất nhiều phụ huynh vì quá bận rộn với công việc nên không có sự quan tâm, kết nối với trẻ. Số khác lại có những cách hành xử sai lầm dẫn đến trầm cảm ở trẻ ngày càng tiêu cực hơn. Họ cũng thiếu đi những kỹ năng trong việc phát hiện và chữa lành trầm cảm con con.
Cách nhận biết trầm cảm, những sai lầm thường gặp và điều phụ huynh cần làm để thấu hiểu và đồng hành cùng con vượt qua "cơn bão" là những nội dung sẽ được chia sẻ tại số eBox thứ 8 với chủ đề "Trầm cảm ở tuổi vị thành niên". eBox sẽ lên sóng từ 16/5 với 6 video công chiếu và một buổi giao lưu trực tuyến với diễn giả.
Tại đây, phụ huynh tham gia sẽ được nghe những người đã ở trong chính "tâm bão" trầm cảm kể về những ngày tháng khó khăn và chặng đường đưa họ vượt qua tiêu cực. eBox cũng kể câu chuyện về hành trình của những phụ huynh đồng hành cùng con chiến thắng trầm cảm. Bên cạnh đó, eBox lần này mang đến những chia sẻ từ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý, hoạt động xã hội. Chuyên gia sẽ phân tích trầm cảm dưới góc nhìn khoa học và chỉ ra những điều đúng đắn mà trẻ và phụ huynh cần làm.
eBox Trầm cảm tuổi vị thành niên do báo điện tử VnExpress, dự kiến phát sóng trong ba ngày 16, 17 và 18/5. Hiện tại, chuyên đề đang mở bán vé sớm với mức giá ưu đãi 199.000 đồng. Độc giả có thể mua vé xem chương trình tại đây.
Hoài Phương