Triệu chứng trầm cảm dễ bị bỏ qua và càng khó nhận ra ở nam giới. Theo Tatiana Rivera Cruz, thạc sĩ Công tác xã hội kiêm Nhà trị liệu tại ADHDAdvisor, Mỹ, các dấu hiệu trầm cảm ở nam giới không phải lúc nào cũng phù hợp với quan niệm truyền thống về căn bệnh này.
Trầm cảm ở đàn ông thường biểu hiện khác so với phụ nữ, do họ phải đối mặt với áp lực xã hội và các chuẩn mực về cư xử, Anand Mehta, Giám đốc điều hành tại AMFM Healthcare, cho biết.
Sự khác biệt trong triệu chứng và biểu hiện trầm cảm ở nam giới có thể dẫn đến việc chẩn đoán sai hoặc hiểu lầm về căn bệnh tâm lý này, Mehta nói. Bên cạnh đó, nam giới thường ít đi khám, tìm kiếm sự trợ giúp y tế.
Các chuyên gia đã chỉ ra một số biểu hiện trầm cảm khó nhận biết ở nam giới. Nắm được điều này, mọi người có thể biết được khi nào bản thân hoặc những người xung quanh nên tìm đến bác sĩ tâm lý.
Triệu chứng phổ biến
Nam giới ít có xu hướng biểu lộ buồn bã, thay vào đó, họ là tức giận, cáu kỉnh hoặc trở nên hung hãn, Mehta cho biết. Đôi khi, bệnh nhân bị tê liệt về mặt cảm xúc, tách biệt với những người xung quanh. Họ không khóc hoặc thể hiện sự tuyệt vọng như phụ nữ.
Nam giới bị trầm cảm dễ dàng tách mình khỏi người khác, rút lui khỏi các hoạt động xã hội và mối quan hệ. Họ khó tập trung, đưa ra quyết định hoặc nhớ chi tiết nhỏ trong cuộc sống. Đôi khi, họ tham gia vào các hoạt động mang tính rủi ro cao, tự làm tổn thương bản thân để đối phó với cảm xúc của mình, chẳng hạn cờ bạc, đua xe. Tăng cường sử dụng rượu hoặc ma túy cũng là một cơ chế đối phó với trầm cảm tiềm ẩn.
Các loại rối loạn giấc ngủ như ngủ quá nhiều, thức dậy quá sớm cũng được ghi nhận ở nam giới bị trầm cảm nhiều hơn phụ nữ. Họ bị mệt mỏi kéo dài, thiếu năng lượng ngay cả sau khi đã ngủ đủ giấc. Nhiều bệnh nhân giảm cân đột ngột khó giả thích, thay đổi vị giác, thói quen ăn uống.
Nam giới thường thoải mái hơn khi thảo luận về sức khỏe thể chất, nhưng hiếm khi nói về vấn đề cảm xúc. Họ dễ dàng khai báo các triệu chứng như đau đầu, vấn đề tiêu hóa, nhức mỏi, song né tránh các vấn đề như buồn bã, cô đơn, suy sụp hoặc mất phương hướng.
Triệu chứng khó nhận ra
Một số triệu chứng trầm cảm ở nam giới khó nhận biết và dễ bị bỏ qua. Nhiều bệnh nhân không buồn chán hay mệt mỏi, họ chỉ có biểu hiện bồn chồn, lo lắng hoặc kích động một cách bất thường, không rõ lý do. Họ trì hoãn các công việc thường nhận, tránh nhận nhiệm vụ mới, đặc biệt là các nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực hoặc sự tập trung. Đây là tình trạng thiếu động lực liên quan đến bệnh trầm cảm.
Nam giới không công khai thể hiện cảm giác tuyệt vọng hoặc tội lỗi, nhưng họ bị sụt giảm năng lượng đáng kể. Ngược lại, một số bệnh nhân vùi đầu vào công việc, nhằm né tránh các cảm xúc của mình, dẫn đến kiệt sức hoặc ám ảnh với sự nghiệp. Nhiều người cố gắng bù đắp cảm giác mất phương hướng bằng cách tập luyện quá mức để cảm thấy khá hơn.
Nghiên cứu cho thấy nam giới ít nhờ sự giúp đỡ trong vấn đề sức khỏe tâm thần, nên hiếm khi được chẩn đoán đúng thời điểm. Điều này khiến họ dễ tổn thương và có hành vi tự tử hơn.
Giúp đỡ đàn ông đang bị trầm cảm
Đối thoại với những người bị trầm cảm, đặc biệt là đàn ông, về vấn đề của họ đặc biệt khó khăn. Các chuyên gia chia sẻ một số mẹo để làm điều này và giúp họ đối phó với cảm xúc của mình tốt hơn.
Tìm thời gian và địa điểm thích hợp: Cruz khuyến nghị tìm một môi trường riêng tư và thoải mái, nơi cả hai có thể nói chuyện mà không bị gián đoạn, tránh nhắc đến vấn đề này khi người đó đang vội vàng, bực bội hoặc đang làm gì đó.
Bày tỏ sự quan tâm: Bắt đầu bằng cách bày tỏ quan tâm dựa trên những quan sát cụ thể - đề cập đến những thay đổi trong hành vi hoặc tâm trạng của họ mà bạn quan sát được. Ví dụ: "Tôi nhận thấy bạn có vẻ căng thẳng, bạn muốn nói về điều đó không?"
Tránh suy đoán: Đừng vội kết luận hay tự chẩn đoán. Thay vì nói "Tôi nghĩ bạn bị trầm cảm", hãy thử "Có vẻ như bạn đang trải qua thời gian khó khăn. Bạn có vấn đề gì không?"
Thể hiện sự đồng cảm: Hãy để người đó biết rằng bạn quan tâm vì lo lắng cho họ, không phải đang phán xét họ. Tiếp cận cuộc trò chuyện bằng sự đồng cảm và hiểu biết.
Lắng nghe họ nói: Hãy cho người bệnh có không gian để chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Đôi khi, họ chỉ cần có ai đó lắng nghe để cảm thấy nhẹ nhõm hơn, tránh ngắt lời họ hoặc bày tỏ quan điểm riêng quá nhanh chóng.
Đừng đánh giá thấp cảm xúc của họ: Tránh thúc đẩy người bệnh "thoát khỏi" hoặc giảm thiểu cảm xúc tiêu cực, Mehta nói. Thay vào đó, hãy nhắc họ nhớ rằng người thân và bạn luôn ở bên cạnh họ, dù chuyện gì xảy ra.
Bình thường hóa vấn đề: Giúp người bệnh hiểu rằng trầm cảm là một vấn đề phổ biến. Việc tìm kiếm các dịch vụ tư vấn tâm lý là điều rất bình thường, đây là biểu hiện của sức mạnh, không phải sự yếu đuối. Điều quan trọng là người bệnh cần thừa nhận những vấn đề trong cảm xúc và đối diện với chúng.
Kiên nhẫn: Người bệnh có thể không mở lòng ngay lập tức hoặc khó cắt nghĩa cảm xúc bằng từ ngữ. "Hãy để họ chia sẻ theo tốc độ của riêng họ. Nếu họ chưa sẵn sàng nói về vấn đề của mình hoặc đi khám, hãy tôn trọng ranh giới của họ, cho họ biết bạn luôn sẵn sàng nếu họ cần", Cruz nói.
Giữ liên lạc: Thường xuyên kiểm tra người bệnh, cho họ thấy rằng bạn luôn ở bên cạnh, Cruz nói. "Ngay cả những cử chỉ đơn giản như gửi tin nhắn hỏi thăm hay dành thời gian bên cạnh cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn", ông bổ sung.
Thục Linh (Theo Very Well Mind)