Theo các chuyên gia, mọi thứ ở Phần Lan đều ổn. Gần như bạn cảm thấy không có lý do để bị trầm cảm khi sống ở một đất nước có điều kiện sống quá cao. Song, thực tế người dân nước này gặp khó khăn trong việc nhận biết, thừa nhận và điều trị các chứng trầm cảm vì áp lực từ bảng xếp hạng và những điều cấm kỵ của đất nước. Đó cũng là lý do các vấn đề tâm lý của họ ngày càng dai dẳng.
Năm 1990, Phần Lan có tỷ lệ người tự tử cao thứ hai trên thế giới. Hiện, số vụ tự tử ở mọi lứa tuổi đã giảm một nửa, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của châu Âu. Gần 16% phụ nữ Phần Lan từ 18 đến 23 tuổi và 11% nam thanh niên tự nhận đang trải qua giai đoạn khó khăn, cảm thấy đau khổ trong cuộc sống, theo báo cáo năm 2018 của Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu và Viện nghiên cứu Hạnh phúc Copenhagen.
Một nghiên cứu năm 2017 do Trung tâm Phúc lợi Xã hội và Các vấn đề xã hội Bắc Âu thực hiện, cho thấy mối liên hệ giữa lạm dụng chất gây nghiện như ma túy hoặc rượu, với trầm cảm và sức khỏe tâm thần kém. Tình trạng sử dụng ma túy cũng tăng ở những người từ 25 đến 34 tuổi. Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp quốc gia Phần Lan thấp, nhưng đặc biệt cao ở những người trẻ tuổi.
Ngọc Quỳnh (Theo Slate)