Anh Long là kế toán doanh nghiệp, ở Thanh Trì, nói chưa một lần dám bỏ mặc vợ quá một ngày. "Căn bệnh khiến vợ tôi luôn cảm thấy trống rỗng, cô khóc bất chợt và lúc nào cũng chỉ muốn chồng ở bên cạnh", anh nói, hôm 4/6.
Một lần, khi đang chuẩn bị lên máy bay công tác nước ngoài, người đàn ông phải hủy chuyến vì nhận tin vợ đòi tự tử nếu không có anh bên cạnh. Nhiều thời điểm khi cơn trầm cảm lên đỉnh điểm, người vợ kéo rèm, nằm trên giường cả ngày lẫn đêm, không muốn tắm rửa, vệ sinh, ăn uống.
Khoảng hai năm nay, Long bị mất ngủ, một ngày chỉ chợp mắt 3-4 tiếng. Anh chia sẻ cơ thể luôn kiệt sức, cảm xúc bất lực khi bệnh của vợ tái đi tái lại, không dứt điểm. Người đàn ông vừa chăm con trai, vừa chăm vợ lại thêm kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút, khiến anh cũng chán nản, bắt đầu xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực như muốn chết. Đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương khám, anh được bác sĩ chẩn đoán rối loạn lo âu, trầm cảm nặng, phải nhập viện điều trị nội trú.
Tương tự, chị Hà, 42 tuổi, có con gái học lớp 9, là học sinh giỏi trong nhiều năm. Song một năm trở lại đây, em buồn chán, suy nghĩ tiêu cực, hay nổi giận, có ý nghĩ và hành vi muốn tự sát. Chị phải đưa con vào khoa sức khỏe tâm thần khám, được bác sĩ kê đơn thuốc và khuyên trị liệu tâm lý.
Từng đặt nhiều kỳ vọng vào con gái nên bệnh tật của em tạo cú sốc lớn cho người mẹ. Hiện, chị Hà thường xuyên mất ngủ, buồn chán, không muốn giao tiếp cũng như không hứng thú với các niềm vui trước đây, được bác sĩ chẩn đoán trầm cảm nhẹ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 14 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị bệnh liên quan tới các dạng rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ 2-3 trường hợp được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng. Hiện chưa có thống kê về số người nhà bị ảnh hưởng tâm lý khi chăm bệnh nhân tâm thần, song các bác sĩ nhận định tỷ lệ này ngày càng tăng.
Nghiên cứu do giáo sư Jonathan Flint của Đại học Oxford (Anh) cùng nhiều nhà khoa học ở Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ) và Trung Quốc thực hiện trên 10.500 phụ nữ Trung Quốc cũng chỉ ra, những người có người thân (ông bà, cha mẹ, anh chị em) từng bị trầm cảm đối mặt nguy cơ cao gấp 3 lần người bình thường.
Trong khi đó, nghiên cứu bởi tiến sĩ Gerald Haeffel và Jennifer Hames, Đại học Notre Dame ở Indiana, kết luận một người khi bị trầm cảm có thể lây lan tới những người xung quanh. Các chuyên gia lý giải rằng, khi bạn dành nhiều thời gian với một người có thái độ sống tiêu cực, bi quan thì nhận thức, suy nghĩ của họ cũng ảnh hưởng đến nhận thức của bạn. Theo thời gian, bạn cũng dễ bị tổn thương và trầm cảm hơn.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu cho rằng người chăm sóc bệnh nhân trầm cảm gặp nhiều áp lực song luôn chịu đựng, kìm nén trong thời gian dài, hoặc không thừa nhận bệnh tật của bản thân, dần dần có những rối loạn tâm lý, hành vi hoặc bị trầm cảm theo. Thực tế, nhiều người vợ/chồng chăm sóc bạn đời mắc bệnh đều nhận thấy sức khỏe tâm lý ngày càng xấu đi. Các triệu chứng trầm cảm mà họ chưa từng trải qua trước đây như lo lắng, ít giao tiếp, suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, lặp đi lặp lại.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cũng nhận định bệnh tâm lý tâm thần một phần do yếu tố di truyền, hoặc do tác động môi trường. Như vậy, việc nhiều người trong gia đình cùng mắc bệnh có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc, người nhà bị tiếp nhận nguồn năng lượng tiêu cực, luôn trong trạng thái căng thẳng. Một số trường hợp không thừa nhận bệnh tật, luôn khước từ hoặc chửi bới, bạo hành người chăm sóc, khiến người nhà cũng gặp khó khăn, sinh tâm lý mệt mỏi, chán nản. "Khi người chăm sóc chịu áp lực tinh thần, nhưng không thể chia sẻ hoặc không có các nguồn lực giúp đỡ kịp thời, sức khỏe tâm thần của họ cũng xấu đi, nguy cơ mắc các bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu nghiêm trọng", bác sĩ nói.
Do đó, các bác sĩ khuyên người chăm sóc cần ưu tiên sức khỏe tâm thần của mình, trước khi nghĩ đến việc giúp đỡ người trong gia đình. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng trầm cảm, hãy liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để được đánh giá, phát hiện sớm và được hỗ trợ kịp thời.
Một giải pháp khác là gia đình trị liệu - hình thức tư vấn tâm lý giúp các thành viên cải thiện giao tiếp và giải quyết xung đột. Bác sĩ tâm thần cùng chuyên gia tâm lý sẽ hỗ trợ vấn đề mà các thành viên gặp phải, điều trị thông qua thuốc, tư vấn hoặc tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm để giải tỏa áp lực. Tuy nhiên, phương pháp trị liệu gia đình phức tạp, khó thành một mô hình dịch vụ bài bản. Hơn nữa, nhiều gia đình không đủ nguồn lực để chi trả.
"Mỗi người cần tự chăm sóc mình, cởi mở chia sẻ vấn đề của bản thân, tránh giấu bệnh khiến khi phát hiện tình trạng đã trở nặng", bác sĩ khuyên.
Thúy Quỳnh