Đức, 30 tuổi, chia tay người mình từng yêu 5 năm để theo đuổi "sự nghiệp bản thân". Với anh, quan niệm đàn ông là phải giàu trở thành áp lực vô hình. Tốt nghiệp đại học, Đức bỏ bê người yêu, gần như hạn chế những mối quan hệ bạn bè, chỉ duy trì mối quan hệ công việc.
Anh trúng tuyển vị trí kế toán một công ty tư nhân tại Hà Nội với mức lương khá so với bạn bè. Đức dần được cấp trên tin tưởng, giao phó, không lâu được đề bạt lên chức phó phòng. Tham vọng làm giàu, lại rất rành về công nghệ thông tin và sàn giao dịch, Đức đầu tư chứng khoán. Thời gian đầu đổ tiền vào thị trường chứng khoán, Đức kiếm được một ít lợi nhuận. Thấy "ngon ăn", anh đầu tư hết số tiền mình có, vay thêm bạn bè, vào chứng khoán. Một, hai phi vụ đầu, Đức bỏ túi được kha khá. Không ngờ sàn giao dịch chứng khoán lao dốc. Đức tiếp tục vay thêm để đầu tư với mong muốn gỡ gạc chút ít, nhưng số tiền cũng bốc hơi nhanh chóng.
Nợ hai tỷ đồng, sổ đỏ nhà ở quê phải cắm ngân hàng, Đức mất ngủ kéo dài, tìm đến rượu bia, dần sống thu mình, ít giao tiếp, thi thoảng nói nhảm. Đầu tháng 8, Đức được người thân đưa vào Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương khám. Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện, chẩn đoán anh mắc chứng trầm cảm.
Cũng áp lực vì chuyện làm giàu mà anh Hoàng gặp vấn đề tâm lý. Vợ anh - một nhân viên ngân hàng, thường xuyên 21h mới về nhà, khóc và xả giận vào chồng con vì cơ quan ép chỉ tiêu nhưng không đạt. Hoàng an ủi, khuyên vợ nếu mệt quá thì nghỉ việc, nhưng nhận được lời đáp trả: "Anh có lo được cho gia đình không mà bảo tôi nghỉ việc".
Đôi vợ chồng sống trong căn chung cư tại Cầu Giấy, hàng tháng chi gần 50 triệu đồng cho các khoản sinh hoạt phí, học phí của con, trả nợ ngân hàng. Mỗi khi con ốm, trong nhà không có tiền, vợ chồng chạy vạy khắp nơi vay mượn. Tham vọng làm giàu, Hoàng quyết định xin nghỉ việc văn phòng, tự mở công ty. Tuy nhiên, mọi thứ không dễ dàng. Công việc luôn cần vốn để quay vòng làm ăn, anh phải vay chỗ nọ đập chỗ kia. Kinh tế khó khăn, công ty nợ lương nhân viên, Hoàng tìm mọi cách nhưng nhiều lần "đi vào ngõ cụt".
Áp lực nhiều phía, anh mất ngủ, nói nhảm, hay cáu gắt, cuối cùng uống rượu giải sầu. Lâu dần, Hoàng sinh ra chán ăn, cơ thể mệt mỏi, tâm tính thất thường, ngại chuyện chăn gối, ít tiếp xúc với mọi người. Đầu tháng 8, anh đến bác sĩ tâm lý để chữa trị.
Bác sĩ Thu cho biết một tháng bệnh viện tiếp nhận 100-200 bệnh nhân, trong đó 50% là người trẻ tuổi, khoảng 20% gặp áp lực về kinh tế. Nhiều bệnh nhân là dân trí thức, công chức, doanh nhân trẻ - những ngành nghề chịu áp lực cao.
Còn bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết số người trẻ dưới 30 tuổi chiếm khoảng 60% lượng người tới khám tại đây, trong đó nhóm học sinh và người mới đi làm chiếm đa số.
Nhiều lý do khiến người trẻ bị rối loạn tâm thần, từ các yếu tố sinh học như di truyền, cân bằng sinh hóa trong cơ thể, tổn thương hệ thần kinh trung ương; đến áp lực công việc, môi trường sống. Sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn cùng với áp lực làm giàu khiến nhóm người này dễ bị căng thẳng.
"Những biến động của thị trường chứng khoán, tiền ảo khiến nhiều người mộng làm giàu trở nên trắng tay, thua lỗ, mất tiền, cuộc sống bế tắc dẫn đến rối loạn tâm lý hoặc trầm cảm", bác sĩ Hiển nói, thêm rằng nhiều người trẻ khó hòa nhập với cộng đồng, thiếu khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ. Khi áp lực kéo dài, người bệnh cảm thấy mất kiểm soát, tăng cảm giác thất vọng, thúc đẩy sự so sánh không lành mạnh với người khác và tạo ra sự tự đánh giá thấp bản thân. Đây là các yếu tố thuận lợi làm phát sinh trầm cảm.
Theo bác sĩ Thu, người bị căng thẳng tâm lý thường khó ngủ hoặc mất ngủ, mệt mỏi, tâm tính thất thường, dễ cáu giận. Một số triệu chứng khác như mất cảm giác thèm ăn, mắc chứng đau không rõ nguyên nhân, không còn ham muốn chuyện chăn gối, ngại tiếp xúc. Nhiều người lạm dụng rượu bia, thậm chí cố gắng giải quyết sự căng thẳng bằng các hành vi tiêu cực như tự tử hoặc tự làm tổn thương bản thân mình.
Nam giới có thể có xu hướng ít thể hiện cảm xúc yếu đuối và trì hoãn điều trị. Một số người cho rằng có khả năng tự kiểm soát và không muốn thừa nhận mình mắc bệnh nên chậm trễ điều trị. Phần lớn vào viện muộn, tâm lý ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ tự tử và tự gây thương tích tăng lên. Áp lực tài chính đè nặng, tình trạng căng thẳng âu lo chi phối những thành viên khác trong gia đình, tạo sự bất ổn trong tương tác và quan hệ.
Áp lực và stress có thể là động lực tích cực để thành công, nhưng khi trở nên quá mức hoặc không được quản lý tốt thì có thể gây lo âu và trầm cảm. Các bác sĩ khuyên nếu áp lực tiền bạc đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe của bạn cũng như của gia đình mình, hãy mạnh dạn tìm đến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ.
Trong khi đó, hãy áp dụng những cách giúp mình tự vượt qua khoảng thời gian khó khăn, như đặt ra những mục tiêu cụ thể và xây dựng kế hoạch. Dành thời gian thư giãn và tái tạo năng lượng, như thực hiện các hoạt động yêu thích bao gồm thiền, yoga, tập thể dục hoặc đọc sách để giảm căng thẳng. Bạn cũng nên chia sẻ cảm xúc và áp lực với gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp. Sự thấu hiểu từ người khác có thể giúp giảm bớt áp lực.
Sức khỏe cơ thể tốt sẽ giúp bạn chống lại căng thẳng và giảm nguy cơ trầm cảm. Duy trì chế độ ăn uống cân đối, vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc. "Áp lực tiền bạc là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống bộn bề ngày nay. Tuy nhiên, chấp nhận áp lực cần phải đi đôi với chăm sóc sức khỏe tinh thần", bác sĩ nói.
Thúy Quỳnh - Mỹ Ý
* Tên nhân vật được thay đổi