Chiều 5/10, thấy trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa thu phí trở lại sau vài giờ trưa xả cửa, nhiều tài xế tiếp tục sử dụng tiền lẻ để mua vé. Một số ôtô đậu hết các làn, không chịu dời đi khiến Quốc lộ 1 tiếp tục bị tê liệt như buổi sáng.
Nhiều xe buýt, ôtô khách, xe tải chở hàng... phải "chôn chân" chờ thông đường. Lực lượng CSGT Đồng Nai điều tiết các ôtô chạy hướng Bắc - Nam qua khu vực này bằng nhiều hướng đi khác từ cách trạm khoảng 10 km.
"Tôi đậu đây phải hơn 2 giờ rồi vẫn không biết khi nào mới được đi, hàng đã hẹn với người ta chiều nay giao mà không biết có kịp không", anh Hùng, một tài xế ôtô tải, nói.
Đến 15h, người đàn ông chở hai con cá tra nặng chừng 10 kg đến "cúng trạm". "Tôi không đủ tiền mua heo quay nên mang hai con cá đến đây cúng với quan niệm xe qua trạm lúc nào cũng suôn sẻ không bị vướng thu phí như cá được bơi tự do ở nước", tài xế Trần Văn Trường (Biên Hòa) giải thích.
Sau đó, tài xế này cùng nhiều người khác tự động lái ôtô qua trạm, hàng trăm ôtô hai chiều được giải phóng.
Cuối giờ chiều, ông Trịnh Tuấn Liêm - Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết, trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa tạm thời được xả cửa để đảm bảo thông suốt giao thông.
Theo ông Liêm, thời điểm thu phí trở lại vẫn chưa xác định. "Các cơ quan ban ngành sẽ tùy theo tình hình để quyết định việc thu phí trở lại, tuy nhiên bây giờ việc đảm bảo an ninh trật tự, thông suốt giao thông qua quốc lộ được ưu tiên", ông Liêm nói.
Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết thêm, hiện nay địa phương vẫn chưa nhận được văn bản hay công văn nào về việc giảm phí qua trạm này từ Bộ GTVT. "Chúng tôi vẫn đang rà soát, xem xét để lên danh sách miễn giảm phí qua trạm đối với những ôtô có hộ khẩu cư trú gần trạm", ông Liêm nói.
Dự án tuyến tránh TP Biên Hòa và nâng cấp Quốc lộ 1 được đầu tư 1.500 tỷ đồng. Trong đó, đường tránh được xây mới dài 12 km, phần nâng cấp quốc lộ dài 10 km. Mức phí qua trạm từ 35.000 đến 180.000 đồng, thời gian thu 10 năm.
Từ khi trạm thu phí năm 2014, các tài xế cho rằng mức phí quá cao và vị trí đặt trạm thu cả xe đi quốc lộ là vô lý. Họ chạy vào đường làng ở huyện Trảng Bom để né trạm khiến đường hư hỏng nặng.
Hơn tháng nay, để phản đối mức giá quá cao và vị trí đặt trạm không hợp lý, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm khiến nhiều lần trạm phải xả cửa để giải tỏa ùn tắc. Tình trạng kẹt xe hôm nay được cho là nghiêm trọng nhất.