Kênh truyền hình Blue Ocean Network (BON) mới đây đăng tải một phóng sự dài hơn 4 phút, có tựa đề "Đàn ông Trung Quốc nhập khẩu vợ Việt Nam". Theo kênh truyền hình này, có khoảng 11 triệu đàn ông Trung Quốc từ 30-39 tuổi không lấy được vợ và bị coi là ế. Con số đó ở nữ giới là 5 triệu người. Số nam giới ế vợ nhiều hơn nữ mặc dù các cô gái khoảng 27 tuổi trở lên đã bị coi là ế chồng.
Nhiều người đàn ông Trung Quốc đến các công ty môi giới hôn nhân để kiếm vợ và đặc biệt là tìm vợ Việt Nam, vì lấy vợ Việt Nam có nhiều cái lợi. BON, dẫn tỷ lệ nữ giới trong dân số Việt Nam không nêu rõ nguồn, và thêm rằng con số đó cao hơn tỷ lệ nữ giới trong dân số Trung Quốc.
Chi phí là một trong những nguyên nhân khiến trai Trung Quốc tìm đến Việt Nam lấy vợ. Để cưới được một cô vợ Việt Nam qua các trung tâm môi giới, các ông chồng Trung Quốc chỉ phải trả không quá 30.000 nhân dân tệ (5.000 USD) gồm cả các chi phí đi lại qua biên giới, chi phí đám cưới và phí trung gian. Trong khi đó, nếu lấy vợ ở Trung Quốc họ cần ít nhất là 10.000 USD.
Một thanh niên trẻ ở Trùng Khánh thì trả lời phỏng vấn của BON nói rằng các cô gái trẻ Trung Quốc ngày nay đòi hỏi rất nhiều, khiến những người sinh ra ở những vùng nông thôn như anh thì không thể với tới những cô gái đó.
"Tôi thấy rất tự ti khi gặp gỡ các cô gái Trung Quốc ở các thành phố lớn. Trong khi đó, cưới một cô vợ xinh đẹp người Việt Nam thì dễ dàng hơn nhiều. Lấy vợ Việt Nam làm tôi cảm thấy tự tin hơn", chàng trai nói.
Phóng sự của BON cho hay các cô dâu Việt Nam được các trung tâm môi giới lựa chọn có độ tuổi từ 18-25. Sau khi các cô được chọn, đám cưới diễn ra và chú rể tựng tiền cho nhà gái, khoảng vài trăm đến 2.000 USD. Sau đám cưới, chú rể có thể đưa vợ về Trung Quốc. Một người trong phóng sự nói rằng họ từng biết một gia đình chỉ yêu cầu có 100 USD vì đó cũng là số tiền rất lớn đối với nhà gái rồi.
Tuy nhiên, đám cưới không phải lúc nào cũng đi đến kết thúc có hậu như câu chuyện cổ tích. Có hơn 2.000 cô dâu Việt Nam đã đến thành phố Long Nham, tỉnh Phúc Kiến, trong những năm qua, trong đó tỷ lệ bỏ trốn khỏi nhà chống lên đến 25%. Khi đó, chú rể Trung Quốc cũng phải làm nhiều thủ tục phức tạp để được công nhận đã ly hôn. Các cô dâu ở lại với chồng thì phải chung sống 5 năm trở lên mới được nhập quốc tịch, còn trước đó thì phải đi gia hạn visa hàng năm.
Phần lớn các cô dâu không hề biết tiếng Trung Quốc và nhiều người lo ngại cho cuộc sống vợ chồng của họ khi hai bên không thể trao đổi. Nhiều người Trung Quốc coi các phi vụ môi giới hôn nhân này giống như một hình thức buôn người.
"Những người đàn ông là các khách hàng, mua lại các cô dâu từ đại lý cung cấp", một người Trung Quốc nói. "Hôn nhân phải dựa trên tình yêu, trong khi họ lại phải sống quãng đời còn lại với nhau mà thậm chí không hiểu đối phương nói gì".
Vũ Hà