Từ lâu, người ta truyền nhau chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) nổi tiếng cầu duyên rất thiêng. Dịp Nguyên tiêu năm nay, giới trẻ về đây rất đông, một phần mục đích cầu duyên thật sự, một số khác lại chỉ đến xem cho biết.
Hòa vào dòng người, Tuấn quê Vĩnh Phúc, đang làm điện cho một xưởng cơ khí ở Giáp Bát, đi cùng một người bạn đến chùa Hà. Tuấn có vóc người nhỏ, mái tóc hơi xoăn, trông vẻ mặt lành. Cậu bày tỏ: "Đi chùa cầu duyên không phải mê tín mà đó là thành tâm". Chàng trai mở lòng "đây là lần đầu đi chùa Hà". Trước đó, cậu cũng đi rất nhiều chùa ở quê. Vào các ngày rằm, mùng 1, Tuấn đều thành tâm hướng Phật, dù bận cũng bỏ chút ít thời gian lên chùa cho thanh tịnh.
Tuấn kể đã yêu một "cô bé" 21 tuổi ở gần nhà 3 năm nay. Hiện giờ cô gái học năm cuối đại học. Gia đình hai bên đều vun vào cho đôi trai trẻ nhưng Tuấn cảm nhận được cô em hàng xóm không dành tình cảm cho mình.
"Cô bé là mối tình đầu của tôi. Đã 3 năm rồi tôi trồng cây si mà dường như tâm tình em ấy vẫn đang hướng đi đâu đó, không phải nơi tôi. Đi chơi, nhắn tin hay trò chuyện thì cũng chỉ tôi là người chủ động. Rất may đến nay em đã cởi mở hơn, thỉnh thoảng cười với tôi. Hai năm nay tôi đi chùa là mong em một lòng yêu tôi. Nếu được cuối năm sẽ làm đám cưới", Tuấn dự định.
Tuấn cũng chia sẻ, người bạn đồng hành bằng tuổi anh nhưng chưa có một mảnh tình vắt vai. Các thầy bói phán cậu này bị duyên tiền định, phải đi cắt duyên âm. "Đâu chỉ con gái mới có người âm theo. Đàn ông cũng bị theo, ám cho không có người yêu được. Nghĩ cũng khổ, cậu ấy mong lấy vợ lắm mà không có đối tượng nên phải năng đi chùa", Tuấn bổ sung.
Ngồi phịch xuống nền gạch lót một tờ giấy báo dưới tán cây (chùa Hà), bà Thu (Đông Anh, Hà Nội) mệt mỏi ra mặt. Không ngừng than rằng đi đúng hôm đông, không có chỗ chen. Mùi khói hương nghi ngút làm bà khó thở nên đành hướng dẫn để cậu con trai trực tiếp đi vào làm lễ cầu duyên.
Cậu trai tên Chung (25 tuổi) gật gù nghe lời mẹ. Chung len vào khu bày lễ, nhanh tay nhặt được cái khay. Cậu đặt một tờ giấy màu vàng ghi hai chữ "cầu duyên" nổi bật. Bên cạnh đặt thêm một bông hồng, hoa quả và ít tiền lẻ. Do thấp, đậm người, Chung nhanh chóng chen được vào khu vực đặt lễ đền thờ Mẫu, thắp hương rồi ra bên ngoài lẩm nhẩm khấn vái. Hơn 15 phút trôi qua, Chung ra với mẹ thuật lại tỉ mỉ cách mình làm.
Lối kể chuyện hài hước nhưng rất thật lòng, Chung cho biết cậu hát hay, học giỏi, nhà con một nhưng khổ nỗi không có người yêu. Chán cảnh đến ngày lễ, Tết, bạn bè có cặp, có đôi, chỉ mình thui thủi nên năm nay cậu đòi bằng được mẹ dẫn đi chùa Hà cầu duyên.
"Dịp này những năm trước tôi vẫn cùng mấy đứa bạn đi các chùa ở Hà Nội chơi. Vào chùa Hà mấy lần rồi nhưng chưa bao giờ cầu. Hôm trước nhỏ bạn tôi khẳng định nhờ đi chùa mà nó kéo được anh người yêu quay lại nên tôi mới nảy ra ý này, may ra thì được", Chung cười.
Chàng trai trẻ cho biết, từ ngày thành sinh viên đến nay anh thích 3 cô gái đều xinh xắn. Dù rất thật lòng, viết thư tay, nhắn tin lãng mạn, tặng hoa, tìm hiểu tâm lý của các nàng... bao nhiêu chiêu đều lôi ra dùng hết nhưng các cô chỉ xem cậu là "em", bạn tâm tình. "Giờ đi chùa tôi ước thích ai sẽ được người đó thích lại. Ai tin một anh chàng ngời ngời thế này lại chưa từng có bạn gái", Chung vỗ ngực cười.
Mẹ Chung xen vào, mắng con trai. "Tính nó hay đùa cợt, hay cười thế nhưng trong lòng nhiều tâm sự lắm, chỉ thổ lộ với mẹ thôi. Mấy năm trước tôi còn mặc kệ chứ giờ nghĩ nó cũng đến tuổi nên có bạn gái rồi. Giữ nó mãi chỉ có nước khổ mình", bà Thu thở dài.
Bóng dáng thư sinh cao trên 1m80 của Hải (sinh năm 1980, Bắc Ninh), trên người lại vận đồ hàng hiệu, khiến không ít người ngoái lại nhìn, không nghĩ anh này cũng đi cầu duyên, còn khấn vái rất "dẻo".
Cũng như những người cầu duyên khác, Hải cầm cành lộc và ít quả đặt lên bàn sắp lễ rồi theo dòng người dâng hương ở khu thờ Mẫu ở phía sau. Xong xuôi anh quay lại khu chính điện tiếp tục thắp hương, rồi cho nhà chùa đồ lễ của mình và chỉ giữ lại cành lộc mang về. Cuối cùng ra bên ngoài ghi công đức.
"Trước đây tôi đi làm ở Sài Gòn, không biết chùa này thiêng cầu duyên. Nếu biết trước, tôi đi lâu rồi chứ không thể để đến bây giờ ngoài 30 mà vẫn phòng không đơn chiếc", anh Hải khẽ cười.
Người đàn ông này chia sẻ anh làm ngân hàng, có rất nhiều cô gái theo nhưng chưa tìm được người toàn tâm toàn ý với mình. Lần này đi chùa, Hải không cầu công danh, sự nghiệp, chỉ mong tìm được người phù hợp gánh được trách nhiệm làm vợ, làm mẹ con anh, làm dâu nhà anh. Anh tiết lộ là con trưởng của dòng họ nên phải tìm một nàng dâu vừa tương xứng với anh, vừa đảm đang, tháo vát.
"Có một cô theo tôi lắm mà tôi ghét ra mặt. Thế mà chèo kéo tôi không được, cô này lại quay sang tấn công bố mẹ, bạn bè tôi. Tôi ghét cái tính của cô ta, định cầu cho cô ta đừng theo tôi nữa nhưng lại nghĩ đi chùa không nên cầu nhiều nên thôi. Chỉ cầu năm nay có được mối duyên mới", anh Hải chia sẻ.
Theo một vị trong ban quản lý chùa Hà thì đây là một ngôi chùa thiêng của đất Thăng Long, nổi tiếng cầu tình duyên. "Các cụ có câu 'đức ông chùa Hà, đức bà chùa Hương' là muốn nói đức ông chùa Hà rất thiêng. Chùa này được nhiều người đến cầu duyên lắm. Vào các ngày lễ, Tết chùa đông nghịt khách thập phương", vị này nói.
Người đến chùa chủ yếu là giới trẻ, trong Nam, ngoài Bắc đều có. Họ đến xin một nửa của mình, cầu cưới được nhau. Thậm chí, có người bị người yêu bỏ cũng đến xin quay lại hay một số người xem chùa Hà là nơi linh ứng để thề thốt không chia lìa. Chính vì thế, phật tử tìm đến chùa ngày càng đông và mở rộng.
"Không phải chỉ các cô gái đi cầu duyên đâu, đàn ông cũng nhiều lắm. Vào các dịp đầu năm xung quanh Tết Nguyên, rằm tháng 7 hoặc vào cuối năm, nam giới không kể lứa tuổi, những người từ 30 trở lên đến đây càng nhiều. Phần đông đều cầu duyên cả", vị này khẳng định.
Phan Dương