Mô hình 3D của trái tim được nhóm nghiên cứu Dassault Systèmes, thuộc Công ty 3D Experience thiết kế mô phỏng trên nền tảng 3D Experience với chi tiết kích thước và độ co bóp của trái tim bằng việc sử dụng hình ảnh thực từ chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ của người bệnh cùng hiệu ứng Windkessel đo huyết áp động mạch và lượng máu trong tim. Trái tim 3D gồm 4 ngăn (gồm 2 tâm nhĩ, 2 tâm thất) và van tim, mô phỏng đa chiều hệ tim mạch, giúp bác sĩ hiểu rõ cơ thể người bệnh hoạt động, các biến dạng cơ học của tim như thế nào. Từ đó chẩn đoán tình trạng bệnh và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Ông Jonathan Browns, kỹ sư hóa học tại Dassault Systèmes cho biết, cấu trúc tim mạch phức tạp khiến bác sĩ phẫu thuật gặp khó khăn trong việc phân tích tình trạng sức khỏe người bệnh. Hơn nữa, không thể tránh khỏi việc phát sinh những vấn đề không lường trước trong quá trình phẫu thuật mà bác sĩ và người bệnh sẽ gặp phải.
Nhờ mô hình này, bác sĩ có thể thực hiện những cuộc phẫu thuật "ảo" mà không ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe, giảm rủi ro cho người bệnh trong quá trình phẫu thuật. Mô hình này cũng được phát triển trong việc đào tạo và nghiên cứu các loại thuốc mới và dụng cụ y tế trong y học.
Tại sự kiện Khởi nghiệp Sáng tạo (Hanoi Innovation Summit 2019) tổ chức tại Hà Nội hôm 29/8, nhóm nghiên cứu đã giới thiệu dự án Living Heart Project của Dassault Systèmes và mong muốn đưa mô hình này vào lĩnh vực khoa học tim mạch tại Việt Nam. Trong tương lai, nhóm dự định kết hợp với một số bệnh viện lớn tại Hà Nội tổ chức các hội thảo chuyên đề về khoa học tim mạch cũng như làm thế nào để ứng dụng được mô hình này tại các bệnh viện Việt Nam.
Nguyễn Xuân