Con số này tăng mạnh so với 48 tỷ USD tháng 12/2015 và là tháng nhiều nhất từ năm 1978, số liệu vừa được Bộ Tài chính Mỹ cho biết. Đây cũng là xu hướng từ năm ngoái, khi các ngân hàng trung ương bán tới 225 tỷ USD nợ Mỹ.
Với số tiền này, họ chủ yếu dùng để thúc đẩy kinh tế, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại và giá dầu lao dốc khiến nguồn thu các nước bị hao hụt.
Ví dụ, Trung Quốc bán trái phiếu nước ngoài để bơm vào nền kinh tế đang chậm lại, kích nội tệ đang lao dốc và ngăn biến động trên thị trường chứng khoán. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Nhưng hồi tháng 1, nước này đã bán ra 8,2 tỷ USD trái phiếu.
Các nước xuất khẩu dầu thì sẽ dùng số tiền này lấp lỗ hổng ngân sách. Na Uy, Mexico, Canada và Colombia đều giảm nắm giữ trái phiếu Mỹ hồi tháng 1, khi giá dầu lần đầu xuống dưới 30 USD trong 12 năm.
Dù vậy, nhu cầu mua trái phiếu Mỹ vẫn rất cao. Nhiều nước như Nhật Bản, Brazil và Bỉ vẫn đang tăng mua nợ Mỹ.
Nguyên nhân đầu tiên là trong biến động tài chính toàn cầu, nhà đầu tư muốn sở hữu các tài sản an toàn. Và trái phiếu Mỹ là một trong số đó.
Bên cạnh đó, khi châu Âu, Nhật Bản và nhiều nước khác đang áp dụng lãi suất âm để kích thích nền kinh tế, lãi suất trái phiếu Mỹ được coi là hấp dẫn. Và kể cả khi chương trình kích thích (QE) của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chấm dứt, cơ quan này vẫn tiếp tục mua lại trái phiếu.
Tất cả những yếu tố này đã giải thích vì sao trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn được coi là tài sản an toàn trong hệ thống tài chính thế giới. "Trái phiếu này là loại tài sản đảm bảo tốt nhất hiện nay. Mỹ vẫn là nơi người ta cảm thấy tin tưởng nhất trong 10 năm tới, so với các nền kinh tế khác", Nicholas Colas – chiến lược gia marketing tại ConvergEx cho biết.
Hà Thu (theo CNN)