Trong quý II, các doanh nghiệp phát hành 164.000 tỷ đồng trái phiếu, gấp 3,7 lần quý I và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng phát hành ra công chúng chỉ đạt 2.000 tỷ đồng (1,2%), 700 triệu USD (8,9%) là trái phiếu quốc tế, còn lại là phát hành riêng lẻ.
Ngân hàng thương mại là tổ chức phát hành nhiều nhất trong quý II, tổng cộng 67.000 tỷ đồng, chiếm 41%. Nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp quý II vẫn tăng 21%.
Tính chung nửa đầu năm, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 208.900 tỷ đồng, tăng 18,3%. Tuy nhiên, quán quân phát hành lại là các doanh nghiệp bất động sản, với quy mô hơn 92.000 tỷ đồng (44,2%). Các ngân hàng phát hành hơn 68.000 tỷ đồng (32,7%), còn lại là các doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng, phát triển hạ tầng.
Lãi suất phát hành bình quân trong quý II là 9,95%. Dù lãi suất trái phiếu nằm trong xu hướng giảm từ quý III/2020, nhưng biên độ rất nhỏ so với mức giảm sâu của lãi suất tiền gửi. Theo đánh giá của SSI Research, chênh lệch giữa lãi suất phát hành trái phiếu và lãi suất tiền gửi khiến thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay.
Trong nửa đầu năm, các nhà đầu tư cá nhân mua gần 11.000 tỷ trên thị trường sơ cấp, tập trung vào trái phiếu bất động sản, ngân hàng và định chế tài chính phi ngân hàng. Lượng mua này chỉ bằng 47% lượng nhà đầu tư cá nhân đã mua trong cùng kỳ 2020. SSI cho rằng diễn biến này không bất ngờ, bởi quy định nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đã có hiệu lực.
Có tới 55,6% lượng trái phiếu phát hành là do các ngân hàng và công ty chứng khoán nắm giữ. Dù vậy, do tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán cuối năm 2020 chỉ khoảng 93.000 tỷ đồng, nhiều khả năng các công ty này chỉ đứng tên mua trái phiếu trên sơ cấp, nắm giữ ngắn hạn và nhanh chóng phân phối lại cho các nhà đầu tư khác.
Theo SSI Research, nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp từ nay đến cuối năm có thể còn ở mức cao, đến từ biên độ chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu và lãi suất huy động. Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư lãi suất cố định để trú ẩn cũng tăng lên khi thị trường chứng khoán chững lại. Tuy nhiên, rủi ro với kênh đầu tư này đang gia tăng.
Môi trường lãi suất thấp giúp dòng tiền đầu tư tìm đến kênh trái phiếu bất động sản, nhưng dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của nhóm này bớt thuận lợi. Điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các trái phiếu năng lượng cũng đang chịu rủi ro từ chính sách. Quy hoạch điện VIII được xây dựng từ 2019 với định hướng đẩy mạnh năng lượng tái tạo là nguyên nhân chính khiến trái phiếu tài trợ các dự án điện mặt trời, điện gió tăng mạnh. Tổng số trái phiếu năng lượng phát hành từ 2019 đến 30/6/2021 khoảng 65.000 tỷ đồng. Tuy vậy, cho đến nay dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn đang trong quá trình thẩm định.
"Các doanh nghiệp năng lượng đặc biệt là năng lượng mặt trời vẫn đang sản xuất cầm chừng vì sức cầu hạn chế và chờ đợi cơ chế giá mới", báo cáo của SSI Research viết.
Minh Sơn