Đã 174 ngày kể từ khi Kontostathis và ba người khác bị sét đánh khi đang trú bão ở một gốc cây gần Nhà Trắng. Khi nhóm y tế tiếp cận hiện trường, làn da của cô đã chuyển sang màu tím tái, miệng há hốc. Ba người khác qua đời, gồm một cặp vợ chồng ở Wisconsin, độ tuổi 70 và một nhân viên ngân hàng 29 tuổi sống tại California. Theo các nhà khoa học, tia sét xuyên mạnh qua hàng cây, đánh xuống mặt đất và dội ngược lên những nạn nhân.
Lần đầu làm hồi sức cấp cứu, Kontostathis chỉ đủ sức để siết chặt tay một y tá. Sau đó tim cô ngừng đập trong 13 phút. Tuy nhiên, "bằng một cách kỳ diệu", theo lời các bác sĩ, Kontostathis đã sống sót. Vì cái siết tay của cô, các nhân viên y tế không bỏ cuộc.
Kontostathis tỉnh dậy tại Bệnh viện MedStar Washington mà không biết tại sao mình ở đó. Khi cố gắng nhớ lại những điều đã xảy ra, đầu óc cô trở nên trống rỗng. Sét đánh đã làm nổ tung chiếc máy tính bảng của cô, khiến chiếc đồng hồ đeo tay nóng đến mức tan chảy trên da thịt. Sét xuyên qua chân, đốt cháy hệ thần kinh của Kontostathis, khiến tim cô ngừng đập, tạo ra những lỗ hổng trên cơ thể. Trong nhiều ngày, Kontostathis không thể di chuyển và phải học cách đi lại.
Mary Ann Cooper, bác sĩ tại Đại học Illinois ở Chicago, người đã nghiên cứu các vết thương do sét đánh trong 4 thập kỷ, cho biết đối với những người sống sót, vết thương nặng nề nhất thường ở bên trong.
"Điện có thể ra vào người nạn nhân mà không để lại dấu vết. Những tổn thương với dây thần kinh và não rất lớn. Một số người sống sót rơi vào tuyệt vọng", bà cho biết.
Giống như những người khác, Kontostathis gặp các triệu chứng không thể giải thích được như đau nửa đầu, mất ngủ, các vấn đề về thận, hoảng loạn và co giật.
Cô được xuất viện sau một tuần, về nhà với khung sắt tập đi bằng kim loại dày cộp, chỉ định không đi bộ quá 10 phút, hai lần một ngày. Vết bỏng nặng nhất là ở vùng đùi, nơi chiếc máy tính bảng đè lên, để lại những đốm trắng đục. Để ngăn nhiễm trùng, Kontostathis phải ngồi dưới vòi hoa sen ba giờ mỗi ngày, rửa sâu vào các lỗ rỉ dịch, bôi thuốc mỡ và quấn băng gạc.
Quá trình hồi phục cảm xúc sau chấn thương cũng khó khăn không kém. Cô cảm thấy tội lỗi vì đã sống sót, trong khi những người khác qua đời. Kontostathis làm việc trong suốt những tháng kể từ khi sự việc xảy ra, nhưng nỗi đau đớn vẫn còn đó. Đôi khi cô tỉnh dậy vào nửa đêm trong tình trạng hoảng loạn và run bần bật.
Bác sĩ thần kinh cho biết 6 tháng sau tai nạn sẽ là cột mốc quan trọng. Sau 6 tháng, một số dây thần kinh khó hồi phục hơn. Đối với một số bệnh nhân, cơn đau trở thành tình trạng mạn tính.
"Điều này thật đáng sợ. Hãy tưởng tượng việc sống chung với căn bệnh này trong suốt phần đời còn lại", giọng Kontostathis nhỏ dần trong phòng khám chuyên gia thần kinh ở ngoại ô Maryland, hôm 14/6.
Ngồi ở phòng chờ, cơ thể cô vẫn còn run rẩy, chân lạnh và ướt mồ hôi, như thể ai đó dội một bát nước đá lên. Cơ thể cô thường xuyên đau buốt, "giống như có những hạt cát cố chui qua lỗ chân lông", cô mô tả. Cảm giác bỏng rát và lạnh thấu xương xảy ra một cách ngẫu nhiên. Kontostathis cũng bị ngứa ngáy cổ tay, châm chích ở móng chân, bầm tím và đau nhức xương.
"Mọi người đều lạc quan, nhưng tôi chỉ muốn biết liệu có dây thần kinh nào trong cơ thể đã chết không, có cách nào kiểm tra điều đó không", cô nói.
Ban đầu, cô đau đớn dữ dội đến nỗi phải dành hàng giờ chỉ để la hét. Tuy nhiên sau mỗi tiếng hét, cô tự thì thầm với bản thân: "Tôi cảm thấy biết ơn".
Giờ đây, các dây thần kinh của Kontostathis đã lành, được phép ngừng thuốc giảm đau định kỳ. Bác sĩ cũng làm phẫu thuật phong bế thần kinh cho cô ba lần để làm giảm thiểu những tổn thương
Đến nay, mức đau hàng ngày của Kontostathis vẫn dao động từ hai đến 5 trên thang 10, nhưng cách nhìn nhận của cô với nó đã thay đổi. Cơn đau có nghĩa cô đã khỏe mạnh hơn, rằng dây thần kinh của cô vẫn còn sống, đang cố gắng hết sức để giao tiếp với cơ thể một lần nữa.
Kontostathis chưa chắc đến khi nào mình sẽ hết đau, nhưng viễn cảnh đó không còn khiến cô tuyệt vọng. "Nó không ngăn cản tôi làm những điều phải làm", cô nói.
Thục Linh (Theo Washington Post)