Cách đây một năm, Nguyễn Hoài Thu từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội, trở thành sinh viên khoa tiếng Anh Thương mại, Đại học Ngoại thương. Trải nghiệm lần đầu tiên đi xe buýt ở thủ đô khiến Thu không thể quên và muốn chia sẻ kinh nghiệm để các tân sinh viên tránh mắc phải.
Hôm đó là ngày thứ hai Thu ở Hà Nội. Trời mưa tầm tã, còn em bận rộn với lịch phỏng vấn làm cộng tác viên và thi tiếng Anh đầu vào tại trường. Không dám đi xe buýt vì chưa quen, Thu quyết định bắt taxi từ chỗ trọ ở Kim Mã, quận Ba Đình, đến trường ở phố chùa Láng, quận Đống Đa. Chưa chuẩn bị kỹ nên Thu chỉ mang theo một chiếc ô, ít giấy tờ và điện thoại còn dưới 50% pin.
Phỏng vấn xong, Thu có ca thi lúc 13h30. Phải bật 4G liên tục nên điện thoại của em chỉ còn dưới 10% pin. Tắt hết các ứng dụng và tối ưu hoá năng lượng nhất có thể nhưng khi thi xong cũng là lúc máy của Thu sập nguồn.
Không gọi được taxi và ngại nhờ người khác đặt xe giúp, Thu thử đi xe buýt. Nhìn thấy chữ "Kim Mã" trên xe, Thu tự tin lên buýt số 27/28. Thế nhưng, đó là chiều về.
Lên xe được một lúc, Thu hoang mang vì "nhìn đường không quen lắm". Lo ngại không phải đường về nhà nhưng em trấn tĩnh "có thể do có nhiều đường đi" và cố ngồi. Khi xe đến điểm cuối cùng ở Đại học Mỏ - Địa chất, quận Bắc Từ Liêm, và trên xe chỉ còn tài xế cùng phụ xe, Thu sốt ruột, mạnh dạn hỏi.
"Nghe nói nhầm xe, em phát khóc. Phụ xe dặn em ngồi đó, đợi lát về bến sẽ cho xuống ở điểm nào có xe 32 là đến thẳng nhà", Thu kể.
Nữ sinh năm nhất có thể đã về tới nhà suôn sẻ, nếu như không quên khẩu trang. Theo Thu, thời điểm đó, dịch bệnh ở Hà Nội được kiểm soát tốt. Lúc lên xe buýt 28, Thu không được ai nhắc nhở đeo khẩu trang. Nhưng vừa bước chân lên xe 32, Thu "đứng hình" vài giây khi bị phụ xe hỏi "khẩu trang đâu?". Em được đi nhờ một bến rồi phải xuống xe, tìm mua khẩu trang.
"Lúc ấy khoảng 20h30, không một cửa hàng nào trên đường Kim Mã còn mở. Không biết đường nhưng em vẫn quyết định đi theo cảm tính hơn 3 km về dưới trời mưa, lạnh", Thu nhớ lại.
Sau một tiếng đi bộ, cuối cùng Thu cũng về tới phòng. Bạn cùng phòng lo lắng, gọi điện khắp nơi để tìm Thu. Trông thấy Thu lếch thếch trở về, cô bạn chạy ra tận cửa đón.
Từ đó, nữ sinh Vĩnh Phúc luôn mang sạc dự phòng bên người, không ngại hỏi đường hay nhờ tới sự giúp đỡ của người khác khi gặp khó khăn. Thu cũng gặp trục trặc với xe buýt vài lần khác nhưng sau đó tự rút ra được những mẹo nhỏ để đi xe dễ dàng hơn.
Với các sinh viên cùng trường, em gợi ý có thể làm vé tháng ở bến xe đối diện Đại học Luật, Đại học Giao thông Vận Tải, bến xe Kim Mã hoặc Mỹ Đình. Khi làm thẻ, sinh viên cần mang hai ảnh 3x4, giấy báo nhập học và 100.000 đồng.
"Các bạn ra đó xin đơn để điền thông tin trên giấy và online. Lưu ý chuẩn bị 3G/4G", Thu nhắc nhở.
Muốn khám phá Hà Nội, các tân sinh viên có thể dùng ứng dụng Google Map và Tìm buýt để tìm các chuyến đi qua điểm cần đến, theo dõi lịch trình xe chạy, giờ xuất phát, dự đoán thời gian di chuyển...
Để hạn chế sự cố, nữ sinh khuyên nên xác định kỹ nơi muốn đến và chuyến xe sẽ lên. Bạn cũng nên ra bến trước 15 phút theo giờ xe chạy cố định, lên cửa trước, xuống cửa sau và bảo quản kỹ đồ cá nhân. Theo kinh nghiệm của Thu, đồ dùng quan trọng như ví, điện thoại nên để trong ngăn kín nhất ở balo và đeo trước ngực.
"Luôn mang theo vé tháng và chuẩn bị tiền lẻ khi lên xe để tránh mất thời gian của mọi người. Nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Không nên ngồi cạnh đàn ông (dành cho các bạn nữ), nhất là ở các tuyến xe đi ra ngoại thành", Thu nói.
Bình Minh