Sau hơn một tháng, Vũ Tuấn, sống tại Hà Nội, chưa hết bức xúc vì nhận hàng loạt "cú lừa" khi mua landtour (dịch vụ du lịch tại điểm đến) tại Cáp Nhĩ Tân qua Văn Nguyên - người Việt sống tại Trung Quốc. Chuyến đi cho anh nhiều bài học về việc cẩn trọng khi kiểm tra người cung cấp landtour tự do tại nước ngoài.
Tháng 7/2024, nhóm 9 người của Tuấn đặt landtour Cáp Nhĩ Tân 6 ngày 5 đêm giá 4.000 NDT mỗi khách (khoảng 15 triệu đồng), khởi hành 28/12. Giá gói dịch vụ gồm xe đưa đón, khách sạn và vé vào cổng các khu vui chơi. Nguyên cam kết nếu đặt sớm, nhóm của Tuấn sẽ có phòng đẹp trong làng tuyết. Cả nhóm đồng ý chuyển trước 1.000 NDT (khoảng 3,5 triệu đồng), số tiền còn lại thanh toán khi tới Cáp Nhĩ Tân.

Khu vực làng Nga Volga Manor ở Cáp Nhĩ Tân. Ảnh: NVCC
Từng có kinh nghiệm mua landtour du lịch Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia, Tuấn thấy có nhiều vấn đề từ trước khi khởi hành nhưng do đi cùng cả nhóm và không trực tiếp làm việc với Nguyên nên "nhắm mắt bỏ qua". Ví dụ, khi gửi chương trình tour, Nguyên gửi bảng lịch trình toàn tiếng Trung và liên tục ngó lơ yêu cầu phiên dịch từ khách hàng.
Ngày đầu hành trình, mọi thứ đã không như mong đợi. Khách sạn ở Cáp Nhĩ Tân nhóm đặt được quảng cáo 4 sao, gần trung tâm nhưng thực tế họ bị đưa đến một khách sạn khách cách 20 phút chạy xe, không giống ảnh quảng cáo. Dù không hài lòng, cả nhóm vẫn chấp nhận với lời Nguyên hứa bù đắp vào những ngày sau. Ngày hai, mọi thứ diễn ra thuận lợi, nhóm có trải nghiệm tốt ở khu trượt tuyết Yabuli. Lúc này, Nguyên yêu cầu chuyển nốt khoản tiền còn lại và mọi người đồng ý dù Tuấn can ngăn.
"Tôi thấy có nhiều vấn đề nên chưa đủ tin tưởng trả hết cọc", anh nói, cho biết mình là người cuối cùng chuyển tiền.
Như dự đoán, điều tồi tệ tiếp tục đến với nhóm vào ngày thứ ba khi tới làng tuyết. Ban đầu, Nguyên cam kết nhóm ở trong làng tuyết nhưng khi đến nơi, họ được thông báo sẽ ở khu khác do trong làng hết chỗ. Khi trao đổi qua điện thoại, Nguyên nói khách sạn chỉ cách làng tuyết 2 km nhưng thực tế cách 34 km.
Trong lịch trình tiếng Trung Quốc có đoạn lưu ý "do làng tuyết có thể hết phòng nên tour có thể đổi sang nơi khác không cần báo trước". Tuy nhiên, Tuấn vẫn thấy bị lừa vì đã đặt cọc từ tháng 7 và Nguyên hứa chắc chắn có phòng.
Khách sạn nằm ở khu vực hoang vắng, giữa đồng tuyết mênh mông không bóng người. Theo Tuấn, nơi này giống nhà ma hơn khách sạn vì bề ngoài cũ kỹ, ánh sáng màu đỏ lập lòe cùng những tấm rèm cửa họa tiết con công. Tuấn còn đùa với cả nhóm "hóa ra làng nào có tuyết cũng gọi là làng tuyết". Khi phàn nàn với Nguyên, nhóm được yêu cầu chuyển thêm hai triệu đồng mỗi người nếu muốn ở lại làng tuyết ban đầu nhưng họ không đồng ý.

Căn nhà màu đỏ giữa nơi hoang vu được Tuấn nhận xét "như nhà ma". Ảnh: NVCC
Những ngày còn lại trong tour cũng không đúng như chương trình quảng cáo. Khi đi thuyền trên sông Wusong, thay vì được ngắm cảnh đẹp như trong các video quảng cáo, nhóm được đưa đến một nhánh sông nhỏ, hoang vắng, không có gì đặc sắc.
Sau khi tham quan núi Trường Bạch, dù lịch trình ghi đã bao gồm phí xe di chuyển trong khu du lịch, tài xế lại yêu cầu mỗi người nộp thêm 120 tệ. Khi nhóm phản đối và đối chiếu lại file chương trình tiếng Trung ban đầu, tài xế mới chịu không thu thêm. Ngoài ra, các trải nghiệm cũng không trọn vẹn do đổi chỗ liên tục. Họ đến nhiều điểm tham quan vào gần giờ đóng cửa.
"Có lẽ tôi đã sai khi không chọn landtour người bản địa", anh Tuấn nói, cho biết tổng chi phí mỗi người trong đoàn chi ra sau chuyến đi vào khoảng 35 triệu đồng - ngang một tour Cáp Nhĩ Tân tiêu chuẩn được các công ty lữ hành uy tín bán.
Anh khuyên mọi người nên cẩn trọng khi chọn landtour tự do vì hiện có nhiều người xây dựng hình ảnh đẹp trên mạng xã hội nhằm chiếm lòng tin của du khách nhưng chất lượng dịch vụ thực tế lại rất kém. Trước khi đặt cọc, du khách nên kiểm tra trên các hội nhóm du lịch nước ngoài tự túc để đảm bảo niềm tin không đặt sai chỗ.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Danh Nam Travel, cho biết làng Tuyết Hương ít phòng nên lúc nào cũng "cháy" trong mùa cao điểm. Ngoài ra, người dân kinh doanh lưu trú ở đây cũng làm việc thiếu chuyên nghiệp, có trường hợp tự ý hủy cọc với lữ hành nếu bán được giá hơn.
Phó tổng giám đốc Phạm Anh Vũ của công ty Du Lịch Việt nói các chiêu trò lừa đảo ngày càng phổ biến trong bối cảnh du lịch tự túc được ưa chuộng. Sự phát triển của công nghệ, các trang mạng xã hội giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ và chia sẻ kinh nghiệm du lịch trên mạng phù hợp với phong cách cá nhân, chi phí tiết kiệm.
Tuy nhiên, du lịch tự túc tiềm ẩn khá nhiều rủi ro như thông tin không chính xác, dịch vụ không đảm bảo, lừa đảo, tai nạn và các vấn đề phát sinh khác. Ông Vũ khuyên du khách bình tĩnh, tìm hiểu kỹ về người bán tour, chọn các tour du lịch được cấp phép và có hướng dẫn viên chuyên nghiệp.
Ngày 19/2, phóng viên đã liên hệ với Văn Nguyên qua tài khoản mạng xã hội nhưng người này đã khóa tài khoản.
Tú Nguyễn