8h sáng, chị Tú trong bộ đồ bơi đón khách ở Bãi Nam rồi lên ca nô cao tốc nổ máy chạy về hướng Bãi Lồm, Bãi Lở. Đoàn khách Hà Nội thích thú khi được ngắm cảnh đẹp của bán đảo Sơn Trà giữa làn nước biển trong vắt; phía trên là những khu rừng xanh mướt.
Chừng 30 phút, ca nô dừng trước một bãi hoang. Chị Tú nhắc người lái thả neo ngoài xa, tránh va vào rạn san hô gần bờ. Người phụ nữ dáng người khoẻ khoắn, nước da bánh mật quăng xuống biển một tấm thảm lớn rồi hướng dẫn cho khách nằm lên trên. Một mình chị ngụp lặn, đẩy tấm thảm nổi với 8 vị khách vào bãi đá.
Trước khi cho khách xuống biển ngắm rạn san hô, chị phát cho mỗi người một bộ kính lặn, ống thở, hướng dẫn cách úp mặt xuống nước tập thở đều hơi. Khách cũng được trang bị áo phao và dép nhựa mềm đề phòng đạp phải đá sắc nhọn, vỏ ốc hay san hô cứa bị thương.
Sau bài khởi động ngắn, du khách thích thú khi được ngắm vẻ đẹp của rạn san hô gần như còn nguyên vẹn phía trước bãi hoang. Mọi người còn được tận mắt xem nhím biển do chị lặn xuống đáy bắt lên, sau đó thả chúng về lại tự nhiên; tự tay hái rong nho về làm thức ăn.
Theo chương trình tour, khách sẽ được di chuyển đến Mũi Nghê, phóng tầm mắt ngắm cây đa nghìn năm tuổi phía trên bán đảo. Ở đây du khách trải nghiệm bơi ngược dòng chảy với dây cố định, để tiếp cận hồ thiên nhiên nước mặn trong lòng Mũi Nghê; ngắm rạn san hô hoa hồng; thử thách bơi xuyên hang tiên cá...
Trước khi quyết định có đưa khách vào các khu vực mạo hiểm hay không, chị Tú là người bơi tiền trạm, dùng kinh nghiệm bơi lâu năm của mình để phán đoán. "Tuỳ vào thời tiết đẹp, biển êm. Còn nếu sóng lớn những hoạt động này phải dừng lại để đảm bảo an toàn cho mọi người", chị nói.
Ngày đón đoàn khách Hà Nội đến Sơn Trà nghỉ hè, chị Tú dành 15 phút mới bơi được từ ca nô vào bờ Mũi Nghê vì sóng lớn. Không tiếp cận được hồ nước mặn để chụp hình và bơi lội thoả thích như dự kiến, nhưng mọi người trong đoàn đều hài lòng vì được ngắm rạn san hô rộng chừng 200 m2 với đủ mọi hình thù, màu sắc.
Lên bờ lúc bụng đã đói meo, đoàn khách bất ngờ với một bữa tiệc được thiết kế đẹp mắt và phong phú, với mực lá nháy nướng tái, tôm nướng mắm nhĩ, nhím biển bọc trứng cút, ốc biển xào xả ớt, hàu nướng phô mai, cá hồng biển nấu rau răm ăn với bún... Những món ăn được đặt trên một "chiếc bàn" là những cọc tre cắm xuống bãi cát, cột chặt bằng dây dù. Đi theo phục vụ đoàn, ba đầu bếp đảm nhận nấu nướng. Tất cả các vật dụng phục vụ bữa ăn đều được thu gom gọn gàng để đưa về bờ, không xả rác ra bãi biển.
Đó là lịch trình một tour hoang dã trong ngày, với mức giá 700.000 đồng/người. Còn lại giá tour dao động từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng/ khách. Tuỳ vào sức khỏe và "độ chịu chơi" của du khách, chị Tú sẽ tư vấn các gói tour 2 ngày 1 đêm ngủ lại trên bãi biển, hay đi vòng quanh bán đảo bằng xe Jeep sau đó trekking vào rừng sâu...
Chị Tú là con của lính đặc công nước ở Sơn Trà nên từ nhỏ đã được cha dạy bơi. Cách huấn luyện của ông cho cô con gái cũng đặc biệt. "Ba thường cõng chúng tôi lên vai rồi bơi ra xa, sau đó lặn xuống biển để mấy anh em uống nước đã đời xong từ đó biết bơi thôi", chị kể.
Nhưng lúc đó chị chỉ biết bơi kiểu dân biển, chân đạp kiểu bơi ếch, tay bơi sải, đầu thì ngóc lên để tránh sóng. Sau này có thời gian công tác tại TP HCM, chị tham gia câu lạc bộ bơi Phú Thọ và tập luyện lại các động tác cho chính xác, chuyên nghiệp hơn.
Nhà chỉ cách biển Mỹ Khê chừng 10 phút đi bộ, đều đặn ngày hai buổi sáng, chiều chị thường đi bơi. Thời kỳ phong độ nhất, chị có thể lặn không có bình dưỡng khí đến độ sâu khoảng 15 m, nín thở liên tục trong 2 phút. Còn nếu trời không lạnh hay biển có sóng lớn, sử dụng bộ ống thở và chân nhái, chị có thể bơi cả ngày mà không sợ bị đuối.
Cơ duyên đưa chị Tú đến với làm du lịch 9 năm qua cũng tình cờ. Trong một lần có người bạn ở nước ngoài về chơi, chị dẫn họ ra ghềnh đá ở Sơn Trà. Lần ấy, người con gái miền biển bị hấp dẫn mãnh liệt bởi cảm giác mạo hiểm bơi trên một bãi san hô hay vách đá sâu hun hút, thấy những sinh vật kỳ lạ.
Đam mê cảm giác mạo hiểm lẫn khám phá, từ đó tuần nào chị cũng sắp xếp thời gian để dẫn nhóm bạn ra các vùng biển hoang vắng rong chơi. Nhờ năng khiếu dẫn dắt, năng bơi lội và am hiểu dòng chảy ở vùng nước có ghềnh đá cũng như những sinh vật có độc dưới biển, chị được một công ty du lịch biển mời về dẫn tour.
Thời gian sau, chị quyết định ra làm riêng. Thấy ở nước ngoài có người mang bộ đồ đuôi cá đẹp mắt, Tú đặt về mặc khi bơi biểu diễn cho khách, khiến nhiều người thích thú. Từ đó, chị thường bơi với đuôi cá ngoài đảo hoang để cho mọi người quay phim, chụp hình và đặt tên cho tour của mình là "Nhân Ngư".
Người phụ nữ 8X tự viết chương trình tour và dẫn khách. "Mình muốn cho khách trải nghiệm hoang dã nên hầu như thường chọn một bãi hoang và không có bất cứ một dịch vụ nào. Khách vừa được leo núi vừa được lặn biển ngắm san hô và còn được học các kỹ năng sinh tồn trong tự nhiên", chị nói.
Hiện tại chị Tú chủ yếu quảng bá tour qua truyền miệng và trên mạng xã hội. Mỗi khi nhận khách, chị tư vấn rất chi tiết và điều chỉnh mức độ trải nghiệm cho phù hợp nhất với tất cả thành viên trong đoàn. "Với tour trải nghiệm như này, đôi khi sự thích thú của người này lại là cực hình của người khác", chị lý giải.
Kèm trong chương trình đi tour, chị Tú sẽ tạo vài game để khách cùng với đội phục vụ dọn rác bãi biển hoặc lượm rác dưới đáy biển... Mỗi tháng, chị đều tổ chức các tour miễn phí cho học sinh sinh viên, đồng thời tham gia làm sạch rác trôi dạt vào các bãi hoang.
Chị Tú nhận định, để khai thác du lịch biển một cách bền vững thì việc bảo vệ biển nói chung và bảo vệ san hô, các loài sinh vật nói riêng là một vấn đề nan giải. "Đa số khách đều tự ý thức được việc bảo vệ rạn san hô, nhưng khi xuống môi trường nước thì nhiều người không giữ được bình tĩnh, dẫn đến quẫy đạp làm hư hại. Cách tốt nhất là mình chỉ dẫn khách đến những vùng san hô sâu, không thể chạm chân tới", chị nói.
Ở Đà Nẵng, các hình thức du lịch mạo hiểm vẫn chưa được cấp phép chính thức. Chị Tú cho biết vì lý do này nên không thể mở rộng và kêu gọi đầu tư một cách chuyên nghiệp. Nửa năm qua, hoạt động tour tạm nghỉ vì ảnh hưởng của Covid-19. "Tôi muốn thành phố có sự công nhận, cho phép và hướng dẫn để hình thức du lịch này được khai thác một cách chính thống", chị nói.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết tour hoang dã của chị Tú đã tồn tại nhiều năm qua và là trải nghiệm hay, hấp dẫn du khách. Tuy nhiên cơ quan quản lý vẫn đang nghiên cứu các tour du lịch phù hợp để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách và môi trường. Trước mắt, ban quản lý bán đảo sẽ dùng phương pháp quản lý du khách bằng công nghệ thông minh để theo dõi hành trình.
Một vấn đề lớn ở bán đảo Sơn Trà hiện nay là công tác bảo tồn các rạn san hô đang bị xâm hại nghiêm trọng. Ông Vũ chia sẻ, mong muốn của ban quản lý là một khi cấp phép cho các tour du lịch vào khai thác chuyên nghiệp, doanh nghiệp phải giữa được hệ sinh thái, phát triển đúng chừng mực vì "Sơn Trà là báu vật của Đà Nẵng".
Ngọc Trường