Trái với cảm giác hoang mang ban đầu, chị Nguyễn Mai Liên, ở quận Cầu Giấy, đã phần nào yên tâm với hình thức học online trong bối cảnh dịch bệnh. Bé Đỗ Hân Ngọc, con gái chị Liên, học online được ba tuần tại trường Tiểu học Newton. Ban đầu con chưa quen và hơi mất tập trung nên hàng ngày vừa làm việc, chị Liên vừa ngồi cạnh kèm cặp, quan sát con.
Bé học từ thứ hai đến thứ sáu, hai tiết sáng và hai tiết chiều, mỗi tiết 40 phút, giữa các tiết có 10 phút giải lao. Lớp có 27 học sinh, chia thành hai nhóm. Giữa các tiết học có giờ giải lao, được đứng dậy chạy nhảy, bé Ngọc thấy vui và hứng thú. Con cũng bắt nhịp nhanh với quy định của lớp học, biết vào học đúng giờ, xin phép cô khi phát biểu hay đi vệ sinh, tự thao tác trên máy tính.
Điều chị Liên băn khoăn nhất hiện nay là khi học trực tuyến, cô không rèn được chữ viết cho học sinh mà chỉ gửi phiếu để con tập tô ở nhà. Tương tác với cô và các bạn qua màn hình máy tính cũng khá bất tiện vì nhiều lúc con nói nhỏ quá cô phải yêu cầu nhắc lại nhiều lần.

Bé Hân Ngọc hứng thú với những tiết học online và thường giơ tay phát biểu trả lời câu hỏi. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cũng có con học lớp 1 năm nay, chị Thu Hiền, ở quận Nam Từ Liêm, được trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm thông báo lịch học online từ đầu tháng 8. Ba buổi đầu tiên, trường xếp lịch vào buổi tối để phụ huynh kèm cặp, hướng dẫn con truy cập ứng dụng và hỗ trợ khi cần. Suốt một tuần, chị Hiền nhăn nhó khi chứng kiến con gái cùng các bạn nói đủ thứ trong khi vẫn mở micro. Chị lo lắng về chất lượng của các buổi học online với học sinh lớp 1.
Bước vào tuần học thứ hai, mọi thứ dần vào nếp. Lớp học có khoảng 30 học sinh, mỗi buổi học giáo viên luôn cố gắng gọi mỗi em phát biểu ít nhất một lần. Hiện, trường Đoàn Thị Điểm chưa phát sách giáo khoa nên các cô kết hợp các ứng dụng trò chơi cùng một số tài liệu để giao bài cho học sinh.
"Tôi từng lo các con nhỏ như vậy thì thao tác thế nào, học qua màn hình máy tính có ổn hay không, nhưng thực tế việc học không phức tạp, con gái cũng thích và vui vẻ hợp tác", chị Hiền tâm sự, nhấn mạnh việc học online không đáng sợ như tưởng tượng ban đầu.
Theo cô Lương Ngọc Anh, giáo viên trường Tiểu học Times School, học online là phương án an toàn và hiệu quả nhất trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Tuần học đầu tiên từ ngày 4/8, 26 học sinh trong lớp của cô có hai buổi làm quen với cô giáo và các bạn, giới thiệu về bản thân, học một số thao tác bật, mở mic hoặc thoát ra, vào lại phòng học. Các tuần tiếp theo, số buổi học sẽ tăng dần để học sinh quen với việc ngày nào cũng học.
Lớp của cô Ngọc Anh chia thành hai nhóm, mỗi nhóm 13 em và học thành hai ca sáng, tối để đảm bảo sự tương tác. Cô cũng chuẩn bị một quyển sổ, đánh dấu đã gọi bạn này được mấy lần để đảm bảo các con đều được gọi phát biểu. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho phụ huynh lựa chọn ca học cho con để phù hợp với quỹ thời gian của gia đình.
Cô Ngọc Anh tâm sự khó khăn nhất của việc dạy lớp 1 online là giữ được sự tập trung của trẻ. Mức độ tập trung ở mỗi em khác nhau, có em tự học, có em cần bố mẹ ngồi kèm. "Các em vừa từ mầm non lên, chưa quen nền nếp nên thường đang học lại đứng lên ghế, nằm ra bàn, ngồi xổm hoặc rời vị trí để chạy nhảy. Thế nên rất cần bố mẹ am hiểu thiết bị, công nghệ ở nhà kèm con", cô Ngọc Anh nói.

Cô Ngọc Anh (trên cùng góc phải) trong giờ dạy online lớp 1 tối 18/8. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ngay từ đầu, cô Ngọc Anh phải rèn cho các con có thói quen vào học đúng giờ. Bản thân cô luôn vào lớp đúng 8h, dành 15 phút đầu để chào hỏi, nhắc nhở các con đi vệ sinh, uống nước để không có tình trạng đang học lại xin ra ngoài. Mỗi tiết học kéo dài 35 phút nhưng học được 10-15 phút, cô đều phải cho các con giải lao 5 phút để vận động rồi mới quay lại học tiếp.
Do không thể cầm tay uốn nắn học sinh như học trực tiếp, cô quay video hướng dẫn viết các nét và chiếu trong giờ để học sinh quan sát. Lần đầu cô sẽ kết hợp vừa giảng vừa chiếu video và lần thứ hai các con vừa xem vừa viết. Video sau đó được gửi cho phụ huynh để con tập viết ở nhà. Với môn tiếng Việt năm tiết một tuần, các cô chia ra hai tiết đọc, hai tiết viết và một tiết kể chuyện để không bị ôm đồm nhiều nội dung trong một buổi học.
Cô Ngọc Anh cho rằng học online vừa là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để giáo viên trau dồi và cập nhật chuyên môn, công nghệ. Muốn quản lý lớp tốt mà vẫn đảm bảo nội dung bài học, giáo viên phải thao tác nhanh các ứng dụng và phần mềm dạy học. Nếu không cô sẽ mất quyền làm chủ phòng học, bị thoát ra ngoài hoặc học sinh có thể vẽ lên màn hình. "Nhiều cô phải sử dụng hai máy vì kéo màn hình để quan sát học sinh thì sẽ che hết bài giảng. Tôi thuộc bài giảng nên kéo toàn màn hình xem học sinh tương tác và ngồi học ra sao", cô giáo chia sẻ.
Bên cạnh công nghệ, giáo viên cũng phải đổi mới cách thiết kế bài giảng, sử dụng nhiều hiệu ứng, âm thanh, hình vẽ và màu sắc nhằm thu hút sự chú ý của trẻ. Các cô sẽ thiết kế những dạng bài tập trắc nghiệm và hướng dẫn học sinh làm thẻ A, B, C, D để các con chọn đáp án nào sẽ giơ thẻ lên.
Với mỗi đáp án đúng, các con sẽ nghe thấy tiếng vỗ tay, âm thanh chúc mừng và cảm thấy thích thú. Ngoài ra, cô Ngọc Anh còn dùng phần mềm thưởng điểm hay sticker online nhằm tạo động lực học tập cho trẻ. Cô cũng rèn luyện giọng nói truyền cảm, kỹ năng truyền đạt trôi chảy để mang tới thiện cảm cho học sinh.
Bình Minh - Thanh Hằng