Hàn Quốc ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên ngày 20/1, trong khi Italy báo cáo trường hợp dương tính đầu tiên sau đó 10 ngày. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại hai nước hiện đã khác hẳn nhau.
Italy đang là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 101.739 trường hợp dương tính nCoV, cũng là nước có số ca tử vong cao nhất với 10.559 người chết. Trong khi đó, Hàn Quốc mới báo cáo gần 9.800 người nhiễm bệnh, 162 người chết.
Chính sách kiểm soát dịch của Hàn Quốc có thể tóm gọn trong 3 bước gồm "theo dấu, xét nghiệm, điều trị". Hiệu quả từ nỗ lực này giúp Hàn Quốc được coi là một trong những quốc gia dẫn đầu nỗ lực chống Covid-19 và được nhiều nước học tập.
Ben Griffin, giáo viên ngoại ngữ ở thành phố Gyeongju, là một trong những người nước ngoài được trải nghiệm hiệu quả của hệ thống xét nghiệm diện rộng tại Hàn Quốc. Nước này đến nay đã xét nghiệm gần 400.000 người trên tổng dân số 51,5 triệu người.
Griffin đến bệnh viện Busan để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Anh phải dừng tại bãi xe để kiểm tra thân nhiệt, khai báo sức khỏe và lịch trình đi lại nhằm xác định nguy cơ lây nhiễm nCoV. Thân nhiệt Griffin hơi cao hơn mức bình thường, khiến anh không được vào viện và được đề nghị xét nghiệm miễn phí. Giáo viên người Anh chọn cách dùng bảo hiểm y tế để khám sàng lọc với mức giá 99 USD.
"Tôi khai báo sức khỏe trong một căn lều lớn bên ngoài bệnh viện, sau đó được đưa vào khoang cách biệt. Những người bên trong đều mặc đồ bảo hộ chống độc", Griffin nhớ lại.
Quá trình lấy mẫu chỉ kéo dài 45 giây. Nhân viên y tế dùng bông tăm để lấy mẫu dịch trong khoang mũi và cổ họng Griffin.
"Nó khiến tôi chảy nước mắt và buồn nôn một chút. Xét nghiệm thực hiện lúc 4h chiều thứ sáu, tôi nhận kết quả âm tính vào trưa hôm sau", giáo viên này cho hay.
Xác minh lịch trình cũng là bước quan trọng trong chiến dịch ứng phó Covid-19 của Hàn Quốc. Griffin và vợ thường xuyên nhận tin nhắn tự động, thông báo nếu có người nhiễm nCoV gần nơi họ sống.
Tin nhắn được gửi dựa trên dữ liệu định vị của người dùng, cho biết chi tiết đi lại của bệnh nhân trong vòng 72 giờ gần nhất và hối thúc những người trong khu vực tới cơ sở y tế. Tên bệnh nhân được giữ bí mật, nhưng tuổi, nơi sinh sống và nghề nghiệp của họ được thông báo đầy đủ.
"Có một ca dương tính trong tòa chung cư của chúng tôi. Không biết đó là ai, nhưng thông báo khẩn vẫn được gửi tới điện thoại và bảo vệ tòa nhà cũng cảnh báo người dân không ra ngoài", Griffin nói.
Giáo sư Hyun Park, người đang hồi phục sau khi mắc Covid-19, cho biết ông đã "tự tin một cách ngu ngốc" khi cho rằng mình luôn khỏe mạnh nhờ tập thể thao và rửa tay thường xuyên. Ban đầu ông chỉ hơi đau họng, ho khan và tức ngực. Giáo sư Park gọi vào đường dây nóng ứng phó dịch khi tình trạng xấu đi và được khuyến cáo đến bệnh viện xét nghiệm.
Kết quả được thông báo sau 24 giờ, xác nhận ông dương tính nCoV. Một nhân viên tòa thị chính gọi điện thoại để xác minh lịch trình và những người từng tiếp xúc với ông.
Quá trình điều trị bắt đầu ngay sau đó, giáo sư người Hàn Quốc được ưu tiên chuyển tới bệnh viện.
"Tôi được đưa vào phòng áp lực âm trong khu cách ly ở khoa chăm sóc tích cực. Họ chụp CT và X-quang, lấy mẫu máu và thực hiện nhiều xét nghiệm khác. Tôi nhanh chóng được cấp thuốc và thở oxy", ông Park nhớ lại.
Giáo sư Hàn Quốc cảm thấy dễ thở, nhưng vẫn như bị một tấm thép lớn đè lên ngực. "Ngực và bụng tôi như bị lửa đốt sau khi uống thuốc", ông nói thêm.
Hàn Quốc đạt tỷ lệ 10,6 giường chăm sóc tích cực/100.000 dân, so với con số 6,6 của Anh. Các cơ sở y tế nước này ban đầu bị quá tải do số bệnh nhân quá lớn, đặc biệt là tại tâm dịch Daegu khi có tới hơn 5.000 người nhập viện vào đầu tháng 3.
Chính phủ Hàn Quốc giải quyết tình huống bằng cách chỉ tiếp nhận người cao tuổi hoặc người bệnh nặng, đồng thời cách ly người trẻ và bệnh nhân nhẹ trong các khu riêng biệt. Xét nghiệm diện rộng cũng giúp khoanh vùng, ngăn dịch lây lan và giảm áp lực cho hệ thống y tế.
Giáo sư Park nằm điều trị 9 ngày và được xuất viện sau khi có hai lần xét nghiệm âm tính nCoV. Ông được khuyến cáo tự cách ly tại nhà thêm hai tuần và bày tỏ sự biết ơn với những nhân viên y tế.
25 ngày sau khi ra viện, ông vẫn khó thở chỉ sau 5 phút đi bộ, nhưng luôn cố giữ tinh thần vui vẻ. "Còn sống là còn hy vọng", giáo sư Park nói.
Vũ Anh (Theo Telegraph)