Chủ nhật, 28/4/2024
Thứ bảy, 22/4/2023, 13:21 (GMT+7)

Trai làng kéo co ngồi trong lễ hội 85 năm ở Hà Nội

57 trai làng cởi trần, buộc khăn, ngồi kéo co bằng dây mây trong lễ hội có từ năm 1938 tại đền Trấn Vũ, quận Long Biên, Hà Nội.

Kéo co ngồi trong lễ hội đền Trấn Vũ, làng Cự Linh (Thạch Bàn, Gia Lâm xưa - nay là cụm Ngọc Trì, Thạch Bàn) trở lại sau ba năm dừng vì dịch. Trai kéo co của ba đội tham gia cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít dây đỏ. Tổng cờ mặc áo và quấn khăn đỏ.

Một tháng trước lễ hội, hai cây mây dài 35 m, đường kính 5 cm được đưa từ đền đến giếng vuông để ngâm nước cho mềm. Sau đó, cây mây được ban tổ chức thắt nơ đỏ để mang vào sân tế thánh.

Theo ông Ngô Quang Khải, Trưởng Ban quản lý đền Trấn Vũ, trước khi có lễ hội năm 1938, làng Ngọc Trì hạn hán, 12 cái giếng thì cạn hết 11, chỉ còn giếng ở xóm Đìa còn nước. Trai xóm Đường và xóm Chợ đến giếng lấy nước, trai xóm Đìa đã ngăn cản. Bên giằng, bên giữ, sợ đổ mất nước nên họ ngồi xuống đất mà ôm lấy thùng. Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để trình diễn trong hội làng, cầu cho mưa thuận, gió hòa. Ngày xưa, quang gánh nước làm bằng cây song, cho nên tục lệ dùng cây song để làm dây kéo co.

Trước khi thi, trai làng ngồi trước sân đền. Tổng cờ của ba đội đại diện lên dâng cây mây lên ba lần để làm lễ cũng như mang lại hào khí trước khi bước ra sới đấu.

Ba đội tham gia bốc thăm lần lượt gặp nhau. Mỗi đội có 19 vận động viên và một Tổng cờ. Tiêu chuẩn để được lựa chọn tham gia là gia đình có năm đời sống ở làng trở lên và có nền nếp, gia giáo chuẩn mực.

Cây mây sau khi làm lễ xong được đội trưởng ba đội cùng dâng lên ba lần để nâng cao khí thế. Từng người trong các đội lần lượt cầm duỗi cây mây để tiến ra sới đấu.

Cột kéo co làm bằng gỗ lim, được sơn đỏ và chôn sâu. Điểm độc đáo của nghi lễ này là các đội ngồi bệt, lấy gót chân làm điểm tựa để kéo. Trước khi thi đấu, thành viên cùng nhau chạy quanh sới khởi động.

Trai kéo co ngồi chân co chân duỗi, sau khi có hiệu lệnh bằng ba hồi trống khẩu, nêm được tháo ra nghĩa là trận đấu bắt đầu. Nếu hai đội bất phân thắng bại trong 10 phút kéo thì trọng tài xử hòa.

Tổng cờ chạy lên chạy xuống, phất lá cờ lệnh vào mặt, vào đầu các trai kéo của phe mình vừa để làm hiệu vừa tiếp thêm sức mạnh.

Mỗi lần "hò dô" là mỗi lần các thành viên cùng dồn sức giật mạnh dây qua lỗ cột lim.

Sau 2 giờ lễ hội diễn ra, các thành viên đội xóm Đường ăn mừng chiến thắng. Hai đội còn lại đồng giải nhì.

Nghi lễ kéo co ngồi đền Trấn Vũ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014.

Năm 2018, UNESCO trao bằng công nhận Nghi lễ và Trò chơi kéo co là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho 4 tỉnh, thành: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội.

Trai làng cởi trần thít khăn kéo co ngồi
 
 

Video trai làng cởi trần kéo co ngồi.

Ngọc Thành