Omar Borkan Al Gala sinh ra ở Baghdad, Iraq nhưng lớn lên ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE). Anh từng là sinh viên khoa Điều hành Khách sạn quốc tế thuộc Học viện Quản lý Khách sạn Các Tiểu vương quốc. Sở hữu lợi thế ngoại hình cùng niềm đam mê thời trang, Omar sớm lọt vào "mắt xanh" của một số thương hiệu ở đất nước mình. Anh là người mẫu nghiệp dư, nhiếp ảnh gia kiêm nhà thơ - như anh tự giới thiệu. Hiện Omar sống ở Vancouver, Canada để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp người mẫu, diễn viên.
Omar khó mà được cả thế giới biết đến nhanh chóng nếu không có một bản tin đăng trên tờ báo tiếng Ảrập Elaph vào 21/4. Theo đó, ba thanh niên đến từ UAE bị trục xuất khi đang tham gia Festival Di sản Văn hóa Jenadriyah - lễ hội thường niên ở thủ đô Riyadh của Arab Saudi. Một quan chức lễ hội cho biết, lý do khiến ba người này bị trục xuất là "họ quá đẹp trai". Các thành viên Ủy ban Khuyến khích đạo đức và Ngăn ngừa đồi bại của Ảrập lo sợ sự hấp dẫn của họ khiến phụ nữ Hồi giáo - những người vốn bị ngăn cấm tiếp xúc với đàn ông lạ - bị quyến rũ và lạc lối.
Trong khi tên tuổi ba chàng trai chưa được xác nhận, trên trang Facebook của Omar lập tức đăng tải một đường link bản tin trên với biểu tượng mặt cười đầy hàm ý. "Đây là những gì được viết trên các tờ báo thế giới", anh viết lúc đó.
Ngay lập tức, nhiều người phát hiện Omar chính là một trong ba chàng "quá đẹp trai". Thông tin nhanh chóng lan truyền khiến người dùng mạng dậy sóng. Facebook của Omar chỉ trong vài ngày đã có lượng người "like" tăng đột biến, từ vài chục nghìn người lên đến hàng triệu. Nhiều fanpage và group trên trang mạng xã hội được lập ra để chia sẻ những thông tin về các chàng trai Ảrập. Hình ảnh Omar với khuôn mặt mơ màng dưới vành khăn vấn Keffiyeh lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Fan trẻ Việt Nam, hòa vào cơn sốt này, cũng đua nhau khen ngoại hình và sức cuốn hút mê hoặc của Omar. Người ta càng háo hức muốn biết thêm nhiều thông tin về anh: đi đâu, làm gì, có bạn gái chưa, sở thích, kế hoạch tương lai...
Đây là cơ hội vàng mà các nhà tổ chức sự kiện trên thế giới không bỏ lỡ. Một đơn vị sở hữu tờ tạp chí ở Việt Nam đã bỏ ra nhiều tháng trời thương lượng mời Omar về nước. Ngày 15/8, Omar úp mở về chuyến đi thăm Việt Nam của mình, đánh vào sự háo hức trông chờ của các bạn trẻ Việt.
Nói về mục đích mời Omar sang Việt Nam, bà Lê Thị Hồ Thu, giám đốc công ty tổ chức chương trình “Kết nối ước mơ” chia sẻ, ban tổ chức muốn mang cảm xúc mới đến cho khán giả trong nước, tạo sự kết nối giao lưu, giữa giới trẻ Việt Nam với các nhân vật được giới trẻ trên thế giới quan tâm. Đêm giao lưu diễn ra vào tối 13/9 tại sân vận động Quân khu 7 (TP HCM).
Nhưng đằng sau mục đích "vì giới trẻ" là một thương vụ kinh doanh hình ảnh của Ban tổ chức. Trong đó, "vẻ đẹp bề ngoài" của một cá nhân được đắp thêm các giá trị khác, lợi dụng hiệu ứng đám đông thời đại mạng xã hội bùng nổ. Nhiều người nghi ngờ, để làm được điều đó, ban tổ chức có thể đã thuê một nhóm giới trẻ vào vai "fan", mang băng rôn, biểu ngữ chào đón "trai đẹp" ở sân bay. Một thành viên nhóm cổ vũ thuê (giấu tên) tiết lộ với VnExpress, họ được thông báo lịch trình chuyến bay nên không cần ra chờ đợi quá lâu mà chỉ cần đến trước một chút để chuẩn bị đội hình, tạo không khí.
Ở Việt Nam, Omar được tiếp đón và có lịch trình hoạt động không khác gì những ngôi sao hạng A thế giới. Anh liên tục tham gia các chương trình như: đấu giá từ thiện, chụp ảnh thời trang, đi ăn tối cùng khán giả và khách thắng đấu giá, trình diễn thời trang và giao lưu khán giả. Omar cũng lệ thuộc vào sự điều phối của nhà tổ chức để tham dự những công việc mới có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Nhiều khả năng, anh còn có thể xuất hiện ở một vài quán bar hay phòng trà ca nhạc trước khi về nước vào sáng 14/9.
Gây bất ngờ không kém thông tin "Omar bị trục xuất" là thông tin "Omar thực chất không hề bị trục xuất". Để trở thành hình ảnh được các nhà tổ chức biểu diễn, bầu sô mang ra kinh doanh, Omar trước hết đã kinh doanh tốt sự may mắn của mình. Từ chỗ nổi tiếng một cách bất đắc dĩ, Omar biết sử dụng dư luận, mạng xã hội như một công cụ để khuếch trương danh tiếng. Khoảng ba tháng sau khi "nổi tiếng một cách vô cớ", Omar mới có hành động đính chính tin đồn một cách mạnh mẽ. Trong cuộc trò chuyện với VnExpress, chàng trai 23 tuổi đưa ra nhiều lý do để thanh minh cho sự lên tiếng chậm trễ của mình. Anh khẳng định, chưa bao giờ tự nhận mình đẹp trai hay tự phong danh hiệu “trai đẹp bị trục xuất”. Trên hết, anh vẫn muốn mình làm việc chăm chỉ, tìm kiếm cơ hội để khẳng định bản thân.
Sự nghiệp của Omar dường như đã mở rộng hơn, nhờ có sự may mắn hy hữu. Nhưng hơn ai hết, anh và đơn vị quản lý anh hiểu rõ, mạng xã hội đã đẩy anh lên và chính nó cũng có thể "dìm" danh tiếng anh xuống. Những hình ảnh của chàng trai người Ảrập bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất trong dáng vẻ khá mệt mỏi, thiếu chiếc khăn vấn đội đầu truyền thống mau chóng xuất hiện trên các trang mạng ở Việt Nam. Và ngay lập tức, không ít người bày tỏ sự thất vọng “đâu có quá đẹp trai như mình tưởng”. Như thường lệ, dư luận lại dậy sóng bàn tán về cảm giác hụt hẫng với hình ảnh đời thường này.
Ông Mandeep Athwal - một trong đồng sáng lập công ty giải trí ASM Entertainment Int'l (có trụ sở ở Canada) - cũng là người quản lý của Omar, chia sẻ với VnExpress, Omar đã may mắn có được sự nổi tiếng từ mạng xã hội, nhưng để giữ được vị trí trong lòng khán giả khắp nơi, anh chắc chắn còn cần phải làm việc cật lực để gầy dựng sự nghiệp. “Công ty chúng tôi chỉ vừa nhận lời làm quản lý cho cậu ấy từ tháng 5, theo tôi nhận xét, cậu ấy là người siêng năng và cầu tiến”, ông Mandeep Athwal nói.
Hành trình đi giao lưu, dự event qua các nước của Omar bắt đầu từ giữa tháng 6. Sau Mexico, Chile, Dubai, Nhật Bản, Việt Nam, anh dự tính sẽ đến Paraguay, London (Anh), Colombia, Ecuador... Chàng trai Ảrập này chưa tham gia đóng phim nào dù cũng có lời mời vì chưa tìm được dự án thích hợp.
Chi Mai - Hoàng Anh