Lực hấp dẫn từ Mặt Trăng và Mặt Trời liên tục giảm bớt tốc độ quay của Trái Đất. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhiều nhân tố khác nhau có thể thúc đẩy hoặc làm chậm tốc độ quay này.
Nghiên cứu trước đây phát hiện băng tan do hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân làm tăng đáng kể mực nước biển ở thế kỷ 20. Về lý thuyết, mực nước biển tăng ước tính 1,5 - 2 milimet một năm có thể khiến trục Trái Đất thay đổi nhẹ và tăng tốc độ quay của hành tinh.
Khi những khối băng tan, trọng lượng đè lên lớp đá bên dưới giảm bớt. Lớp đá sau đó trồi lên, vùng cực trở nên gồ ghề trong khi hành tinh nhìn chung tròn hơn. Kết quả là Trái Đất nghiêng thêm một chút và quay nhanh hơn.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng trực tiếp chỉ ra sông băng tan chảy dẫn đến sự thay đổi ở vòng quay hoặc trục Trái Đất như dự đoán. Trong nghiên cứu mới, một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra lý do và công bố phát hiện chi tiết trên tạp chí Science Advances hôm 11/12.
"Sự gia tăng mực nước biển và sông băng tan chảy trong thế kỷ 20 được xác nhận không chỉ qua những thay đổi mạnh mẽ trên Trái Đất như lũ lụt, hạn hán và nắng nóng mà còn ở khác biệt nhỏ trong tốc độ quay", Live Science dẫn lời Jerry X. Mitrovica, nhà địa vật lý ở Đại học Harvard, Massachusetts, Mỹ, người đứng đầu nhóm nghiên cứu.
Các nhà khoa học ghi nhận nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ tan chảy sông băng không nghiêm trọng như giả định. Sử dụng phép tính toán và mô phỏng trên máy vi tính, họ phát hiện các nghiên cứu trước đây dựa trên mô hình lỗi về cấu trúc bên trong Trái Đất. Điều này có nghĩa chúng không phản ánh chính xác ảnh hưởng của sông băng lên lớp đá bên dưới và vòng quay của Trái Đất. Hơn nữa, sự tương tác giữ lớp đất đá trên bề mặt Trái Đất và lõi kim loại nóng chảy của hành tinh cũng góp phần làm chậm vòng quay.
Qua kết quả đo thủy triều và dữ liệu vệ tinh về mực nước biển và tác động từ sông băng, nhóm nghiên cứu tính toán vòng quay chậm hơn của Trái Đất sẽ khiến mỗi ngày dài hơn 1,7 mili giây.
Phương Hoa