"Lần bất tuân lệnh đầu tiên của con người", John Milton viết trong phần mở đầu sử thi Thiên đường đã mất, là ăn quả của "cây cấm" trong Vườn Địa đàng. Quyết định này "đã mang cái chết đến với thế giới, cùng toàn bộ mọi nỗi thống khổ của chúng ta". Mất đi thiên đường biến trái đất từ một nơi đẹp đẽ và sung túc trở thành chốn khổ đau và buồn bã, nơi "bình yên và sự thanh thản không bao giờ có thể ngự trị, hi vọng không bao giờ tới và sự sống biến thành 'màn tra tấn không bao giờ kết thúc'".
Thiên sử thi của Milton, xuất bản lần đầu vào cuối thế kỷ 17, kể lại câu chuyện đã từng xuất hiện ở phần đầu Sách Khởi nguyên giải thích vì sao con người trở thành kẻ mang đến cái chết cho chính mình. Khi bị "Con Rắn quỷ quyệt" xúi giục, Adam và Eve đã kết án toàn bộ các thế hệ tương lai phải sống trong thách thức sinh thái, những thế hệ mà môi trường không còn luôn ôn hòa, thức ăn không còn luôn dễ dàng mà có và con người phải làm việc, thay vì nhận những lộc ban của Chúa trời. Thiên đường thật sự đã mất.
Trong thế giới ngày nay, cách giống loài chúng ta làm đất, khai thác các tài nguyên thiên nhiên và giải quyết bài toán về tính bền vững là những chủ đề được tranh cãi dữ dội - đặc biệt từ khi nhiều người tin rằng các hoạt động của con người là quá tràn lan và gây tàn phá đến mức chúng làm khí hậu biến đổi.
Cuốn sách này nhằm mục đích xem xét xem hành tinh của chúng ta, khu vườn được quây kín của chúng ta (nghĩa đen của từ "paradise" - thiên đường), đã thay đổi ra sao kể từ thuở sơ khai, đôi khi đó là kết quả của những nỗ lực từ phía con người, những tính toán đúng đắn và sai lầm, nhưng một loạt những tác nhân, nhân tố, ảnh hưởng và sự thúc đẩy khác cũng định hình nên thế giới ta đang sống - thường là theo những cách thức mà ta không hề nghĩ đến hay thấu hiểu. Cuốn sách này sẽ giải thích vì sao thế giới của chúng ta đã và luôn luôn biến đổi, chuyển hóa và thay đổi, bởi, bên ngoài Vườn Địa đàng, thời gian không hề đứng yên.
Lần đầu tiên tôi biết đến tác động của con người lên môi trường và biến đổi khí hậu là trong một chương trình thời sự dành cho trẻ em có tên John Craven's Newsround được phát hằng ngày ở Anh khi tôi còn nhỏ. Newsround là một dự án chủ chốt của BBC đóng vai trò như một sợi dây đai cứu hộ, kết nối các khán giả trẻ tuổi đến thế giới nằm bên ngoài Quần đảo Anh. Là một trong số ít những chương trình mà cha mẹ cho phép các anh chị em tôi xem khi còn nhỏ, Newsround cho tôi biết về nỗi thống khổ của những người nằm trong tay Khmer Đỏ, những phức tạp của vùng Trung Đông và những sự thật về Chiến tranh Lạnh.
Một trong những chủ đề thường xuất hiện cuối những năm 1970 đầu 1980 là mưa axit. Tôi nhớ mình đã chết lặng vì kinh hoàng khi thấy những cái cây không có lá và bởi ý nghĩ rằng hoạt động của con người phải chịu trách nhiệm cho sự thoái hóa của tự nhiên. Suy nghĩ về việc các nhà máy xả ra những chất hủy hoại rừng cây, giết chết động vật và gây ô nhiễm đất như một cú sốc với tôi. Ngay cả khi mới chỉ là một cậu bé, tôi dường như đã thấy rõ những lựa chọn để sản xuất của cải và sản phẩm đã gây nên những ảnh hưởng lâu dài lên toàn bộ chúng ta.
Những lo ngại này, hòa cùng nỗi sợ hãi về sự tàn phá, đã in dấu lên tuổi thơ tôi. Tôi thuộc thế hệ những người được nuôi lớn để tin rằng thế giới có thể chứng kiến chiến tranh hạt nhân trên toàn cầu giữa Mỹ và Liên Xô, và sẽ gây ra chết chóc trên quy mô lớn không chỉ từ vụ nổ của vô số tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà từ cả mùa đông hạt nhân là kết quả của những đám mây hình nấm được giải phóng khi đầu đạn phát nổ.
Một bộ phim hoạt hình, có tên When the Wind Blows (Khi gió thổi), ra mắt giữa những năm 1980, đã khắc họa một bức tranh chua xót và đáng sợ của những gì đang nằm ở phía trước: sự buồn bã, nỗi đau khổ, nạn đói và cái chết - tất cả là do khả năng phát minh ra những thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt của con người không chỉ có thể giết chết hàng triệu sinh vật bằng bão lửa và các vụ nổ, mà còn có thể thay đổi khí hậu Trái đất một cách mạnh mẽ đến nỗi nội việc sống sót đã là một điều kỳ diệu.
Hàng chục vũ khí hạt nhân phát nổ sẽ bắn nhiều mảnh vỡ vào khí quyển đến mức chúng ta sẽ phải học cách sống ở nhiệt độ dưới không. Ánh sáng Mặt trời sẽ bị chặn đứng bởi những bức màn bụi và hạt khiến cây cối chết đi. Các loài động vật cũng sẽ bị diệt vong - những người sống sót không chỉ phải hứng chịu cái lạnh buốt giá mà còn cả cái đói. Bụi phóng xạ sẽ làm ô nhiễm hệ động thực vật, đầu độc tất cả mọi dạng sống. Mục tiêu là vượt qua ngày tận thế và hi vọng trở thành một trong những người sống sót. Cùng lúc đó, chúng ta hy vọng khí hậu sẽ hồi phục trở lại. Rồi tiếp theo sẽ phải xem xem có bao nhiêu người còn sống và họ ở đâu, và bắt đầu lại từ đầu.
Những nỗi sợ của thế hệ tôi càng lớn thêm bởi thảm họa kinh hoàng nhất, đó là vụ nổ năm 1986 của lò phản ứng tại Chernobyl, nay thuộc Ukraine. Những báo cáo về sự cố thảm khốc - mà giới chức Liên Xô ra sức phủ nhận suốt một thời gian dài - là lời nhắc nhở rằng những tính toán, đánh giá sai lầm và trình độ kém cỏi có thể ảnh hưởng lên thế giới chúng ta đang sống. Trong nhiều tháng sau đó, tôi nghiên cứu những tấm bản đồ về bụi phóng xạ, thận trọng với những gì mình ăn và trở nên cực kỳ đề phòng với những mối đe dọa đặt ra từ sự biến đổi khí hậu có thể xảy ra.